Thời kỳ hoàng kim của quan hệ Trung Quốc – Nam Phi
Năm nay vừa tròn 25 năm Trung Quốc và Nam Phi thiết lập quan hệ ngoại giao. Nam Phi là đối tác chiến lược toàn diện của Trung Quốc và là quốc gia châu Phi đầu tiên cùng tham gia xây dựng "Vành đai, Con đường". Kể từ khi Trung Quốc và Nam Phi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ giữa hai nước đã đạt được bước phát triển vượt bậc, đã vượt xa phạm vi quan hệ song phương và ngày càng có ảnh hưởng. Đặc biệt trong những năm gần đây, dưới sự quan tâm và lãnh đạo chung của Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Ramaphosa, quan hệ Trung Quốc - Nam Phi luôn được duy trì ở mức cao, sự tin cậy lẫn nhau về chính trị, hợp tác thiết thực, giao lưu văn hóa và phối hợp chiến lược giữa hai nước ngày càng sâu rộng. Có thể cho rằng, quan hệ Trung Quốc - Nam Phi đã bước vào "thời kỳ hoàng kim" và tương lai còn nhiều hứa hẹn.
Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc (18/8), bất kể tình hình quốc tế thay đổi như thế nào, quyết tâm của Trung Quốc trong việc làm sâu sắc thêm tình hữu nghị Trung Quốc - Nam Phi, tăng cường đoàn kết và hợp tác sẽ không thay đổi. Trung Quốc sẵn sàng cùng Nam Phi tiếp tục ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề thuộc lợi ích cốt lõi và quan tâm lớn của nhau, cùng hợp tác trên con đường phát triển và phục hưng đất nước, đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy đa cực hóa thế giới và dân chủ hóa quan hệ quốc tế. Tin tưởng rằng với sự nỗ lực chung của cả hai bên, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và Nam Phi nhất định sẽ đạt được bước phát triển mới và to lớn hơn. Phát triển tình đoàn kết và hợp tác với các nước châu Phi là nền tảng quan trọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, đồng thời cũng là sự lựa chọn chiến lược lâu dài và kiên định của Trung Quốc.
Với quá trình phát triển quan hệ của hai bên, cùng với những tuyên bố của Trung Quốc cho thấy, việc Chủ tịch Tập Cận Bình chọn Nam Phi là điểm đến thứ hai trong chuyến công du nước ngoài trong năm nay đã thể hiện vị trí quan trọng của nước này trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc.
Giai đoạn phát triển mới
Cả Trung Quốc và Nam Phi đều là những quốc gia đang phát triển quan trọng trên thế giới. Hai nước có quan điểm giống nhau hoặc tương đồng về phát triển, an ninh và trật tự quốc tế, có sự đồng thuận rộng rãi trong các vấn đề quốc tế và khu vực lớn. Trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế và cơ chế đa phương như Liên Hợp Quốc, G20, BRICS, Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi, Trung Quốc và Nam Phi là một trong những mối quan hệ hợp tác thân thiết nhất.
Khi nền tảng chính trị của hợp tác Trung Quốc - Nam Phi tiếp tục được củng cố, trao đổi kinh tế và thương mại giữa hai nước phát triển hơn, điều này đã trở thành một điểm nhấn trong hợp tác thực chất Trung Quốc - Nam Phi. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nam Phi trong 13 năm liên tiếp và kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và Nam Phi chiếm 1/5 tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi. Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan, từ tháng 1 đến tháng 11/2022, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và Nam Phi đạt 52,81 tỷ USD, trong đó nhập khẩu của Trung Quốc từ Nam Phi chiếm gần 60% tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước và nông nghiệp, chăn nuôi, khai thác mỏ và các ngành công nghiệp trụ cột khác của Nam Phi được hưởng lợi khá nhiều.
Được thúc đẩy bởi sự bùng nổ trao đổi thương mại, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Nam Phi, đưa hàng Trung Quốc đến gần hơn với thị trường địa phương. Theo dữ liệu của Đại sứ quán Trung Quốc tại Nam Phi, tính đến cuối năm 2021, các công ty Trung Quốc đã đầu tư hơn 25 tỷ USD vào Nam Phi, tạo ra hơn 400.000 việc làm tại địa phương. Các công ty Trung Quốc đã mang lại công nghệ và vốn rất cần thiết cho sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất của Nam Phi.
Giao lưu nhân dân và văn hóa giữa Trung Quốc và Nam Phi bước vào giai đoạn phát triển toàn diện, đa cấp độ và được thể chế hóa. Nam Phi là quốc gia có số lượng Viện Khổng Tử và Lớp học Khổng Tử lớn nhất châu Phi. Trung Quốc đã thành lập được 6 Viện Khổng Tử và 3 Lớp học Khổng Tử tại đây. Nam Phi cũng là quốc gia châu Phi cận Sahara thu hút nhiều du khách Trung Quốc nhất và thiết lập nhiều tỉnh, thành phố hữu nghị nhất với Trung Quốc.
Quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã trở nên thân thiết hơn thông qua các cơ chế trao đổi cấp cao, thương mại, đầu tư và hợp tác quốc tế như sáng kiến "Vành đai, Con đường", Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi và các nước BRICS. Sự tương tác chặt chẽ hơn giữa hai bên sẽ giúp Nam Phi vượt qua những thách thức hiện tại về sản xuất điện, việc làm và xóa đói giảm nghèo. Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - châu Phi đang có một khởi đầu tốt đẹp, đồng thời có ý nghĩa hơn và cùng có lợi hơn thời gian tới.
Mong muốn của Nam Phi trong mối quan hệ với Trung Quốc
Trong hơn 20 năm trở lại đây, Trung Quốc đã không ngừng mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi, tham gia vào việc thúc đẩy kinh tế và phát triển ở châu lục nghèo nhất thế giới này. Bắc Kinh đã tăng cường các cam kết thương mại, đặc biệt thông qua Sáng kiến “Vành đai, Con đường” năm 2013. Các hoạt động chủ yếu bao gồm cho vay phát triển cơ sở hạ tầng, do các công ty Trung Quốc thiết kế và xây dựng với nguồn lực từ các công ty năng lượng và khai thác mỏ của Trung Quốc. Trong khi với một số nước như Ethiopia, Angola và Zambia có vị trí ưu tiên, Trung Quốc cũng đã tăng cường hiện diện ở hầu hết các quốc gia trong châu lục.
Đối với các nước châu Phi, mặc dù Trung Quốc và châu Phi cách xa nhau, nhưng những kinh nghiệm lịch sử tương đồng và các khái niệm phát triển chung khiến Trung Quốc và châu Phi trở nên gắn bó chặt chẽ hơn với nhau. Châu Phi là khu vực rất giàu tài nguyên thiên nhiên như dầu thô, mangan, đồng, đá quý... nhưng lâu nay các nguồn tài nguyên này chưa được khai thác hết, hoặc bị các nước chèn ép, mua lại với giá rẻ.
Trung Quốc là nước đang dư thừa về nguồn vốn và một số ngành công nghệ, nhiều ngành công nghệ ở Trung Quốc không thể chuyển giao cho các nước phát triển về tính chất tiên tiến. Ngược lại, châu Phi gần như trống rỗng – nhu cầu hiện tại của châu Phi là bắt đầu công nghiệp hóa, nhu cầu về vốn, nhu cầu việc làm và nhu cầu thoát khỏi tình trạng nền kinh tế quốc gia chỉ dựa vào “đào đất” – tức khai thác khoáng sản. Do đó, các nước châu Phi mong muốn Trung Quốc chuyển giao vốn và công nghệ. Đây là một tình huống mà đôi bên cùng có lợi.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia châu Phi xem sáng kiến "Vành đai, Con đường" là "con đường nhanh chóng dẫn đến thịnh vượng", do đó các quốc gia này, trong đó có Nam Phi mong muốn tăng cường quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc thông qua sáng kiến này. Sáng kiến "Vành đai, Con đường" và khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi có phạm vi bao phủ rộng và mang lại lợi ích đáng kể cho Nam Phi và các nước châu Phi.
Ngoài ra, trong mối quan hệ với Trung Quốc, các nước châu Phi còn có mong muốn được giảm bớt áp lực nợ. Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến 5 nước châu Phi trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao của Trung Quốc (1/2023), bên cạnh những thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, hạ tầng, năng lượng, y tế.... ông Tần Cương đã kêu gọi nâng cao vai trò của châu Phi trong quản trị toàn cầu, đồng thời khẳng định Trung Quốc luôn cam kết hỗ trợ châu Phi giảm bớt áp lực nợ, tích cực tham gia sáng kiến đình chỉ nợ của G20, ký kết các hiệp định và đạt được thỏa thuận đình chỉ nợ với 19 quốc gia châu Phi.
Châu Phi là nơi cạnh tranh của Mỹ, Pháp và Trung Quốc, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc. Sự cạnh tranh này có thể đem lại lợi ích cho các nước châu Phi. Chính phủ các nước châu Phi có thể đàm phán những điều khoản thương mại thuận lợi hơn, cộng đồng dân cư sẽ được hưởng lợi khi doanh nghiệp tuyển dụng lao động địa phương, chuyển giao công nghệ với các đối tác bản địa và góp phần vào các sáng kiến thúc đẩy sức khỏe và sự thịnh vượng của người lao động. Do đó, đa số các nước châu Phi đều mong muốn có quan hệ tốt với cả Trung Quốc và Mỹ. Điều quan trọng là Trung Quốc và Mỹ có sẵn sàng cân bằng lợi ích của mình với lợi ích của châu Phi khi thúc đẩy hợp tác tại khu vực này hay không.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống