Lực lượng Houthi mạnh đến đâu để có thể tấn công tàu chiến Mỹ?

 

Ngày 14/1, Bộ tư lệnh trung tâm Mỹ cũng thông báo về việc máy bay chiến đấu của Bộ tư lệnh này đã bắn hạ một tên lửa hành trình nhằm vào tàu chiến USS Laboon của hải quân Mỹ đang hoạt động ở vùng biển phía nam biển Đỏ. Đồng thời không ghi nhận thiệt hại nào sau vụ việc. 

Đây được xem là hành động đáp trả của lực lượng Houthi sau khi liên quân Mỹ - Anh tiến hành không kích quy mô lớn vào Yemen nhằm làm suy yếu tiềm lực của Houthi hôm 11/1.

Chưa dừng lại đó, ngày 15/1, Houthi tiếp tục sử dụng tên lửa đạn đạo chống hạm tấn công tàu chở hàng Gibraltar Eagle do Mỹ sở hữu và vận hành đang hoạt động ở vùng biển phía đông nam thành phố Aden, Yemen. Tuy nhiên, tàu Gibraltar Eagle báo cáo không chịu thương vong hay thiệt hại và tiếp tục hành trình của mình.

Kể từ khi chiến tranh Israel-Hamas nổ ra vào ngày 7 tháng 10, lực lượng Houthi được Iran hậu thuẫn đã thực hiện một loạt cuộc tấn công ở biển Đỏ và tuyên bố nhắm mục tiêu vào các tàu có liên kết với Israel nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết với người Palestine ở dải Gaza.

Lực lượng Houthi không ngừng phát triển sau khi kiểm soát được thủ đô Sanaa cùng với đó là sự hỗ trợ quân sự từ Iran. (Ảnh: iswnews)

Lực lượng Houthi không ngừng phát triển sau khi kiểm soát được thủ đô Sanaa cùng với đó là sự hỗ trợ quân sự từ Iran. (Ảnh: iswnews)

Tiềm lực quân sự của Houthi

Lực lượng Houthi, còn được gọi là Ansarallah (Những người ủng hộ Chúa), là một bên trong cuộc nội chiến Yemen đã nổ ra gần một thập niên.

Houthi nổi lên vào những năm 1990, khi ông Hussein al-Houthi phát động phong trào phục hưng tôn giáo mang tên “Thanh niên có đức tin” cho một nhánh nhỏ của Hồi giáo Shia có tên là Zaidi.

Lực lượng Houthi đã không ngừng phát triển năng lực quân sự của mình kể từ năm 2014 sau khi họ chiếm giữ thủ đô Sanaa của Yemen. Cho tới thời điểm hiện tại quân số của Houthi có thể đã lớn hơn 20.000 người.

Bên cạnh đó Houthi được Iran hậu thuẫn từ năm 2014 khi cuộc nội chiến leo thang và sự cạnh tranh giữa Iran và Ả Rập Xê-Út ngày càng tăng.

Theo các chuyên gia quốc phòng, kho vũ khí của Houthi hầu hết đều có nguồn gốc từ Iran hoặc do Tehran hỗ trợ chế tạo bao gồm tên lửa đạn đạo và hành trình cũng như máy bay không người lái.

Tên lửa đạn đạo

Phần lớn sức mạnh răn đe của Houthi khiến Mỹ và các nước phương Tây e dè đến từ kho tên lửa của lực lượng này. Chúng được gọi chung là Typhoon - một phiên bản được đổi thương hiệu của tên lửa Qadr của Iran với tầm bắn từ 1.600 km đến 1.900 km.

Cho đến nay Houthi đã công khai ít nhất sáu tên lửa đạn đạo chống hạm khác nhau, tất cả đều đã ra mắt tại các cuộc duyệt binh lớn trong những năm qua. Số này đều được trang bị thiết bị tìm kiếm quang điện/hồng ngoại ở mũi, đây sẽ là phương thức dẫn đường chính của chúng trong giai đoạn cuối của chuyến bay.

Theo Theo chuyên gia tên lửa Fabian Hinz tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), hầu hết tên lửa Houthi có độ chính xác kém tuy nhiên tầm bắn của chúng vẫn có thể vươn đến các mục tiêu quân sự của Mỹ ở Trung Đông, kể cả Israel.

Năm 2016, Iran từng thử nghiệm tên lửa Qadr trong điều kiện tác chiến thực tế và nó đã đánh trúng mục tiêu giả định từ khoảng cách 1.400 km. Tên lửa Typhoon của Houthi cũng có thể làm được như vậy nhưng với sai số lớn hơn.

Tên lửa đạn đạo tầm xa được Houthi giới thiệu trong lễ duyệt binh kỷ niệm ngày tiếp quản thủ đô Sanaa. (Ảnh: iswnews)

Tên lửa đạn đạo tầm xa được Houthi giới thiệu trong lễ duyệt binh kỷ niệm ngày tiếp quản thủ đô Sanaa. (Ảnh: iswnews)

Mohammed Albasha, nhà phân tích cấp cao về Trung Đông của Tập đoàn Navaanti nhận định, Houthi từng công khai sở hữu kho tên lửa lớn chỉ vài tuần trước khi xung đột ở Gaza nổ ra. Điều này cho thấy Houthi có tiềm lực quân sự không hề nhỏ.

Theo Hinz, ngoài tên lửa Qadr cũng sở hữu tên lửa hành trình Quds của Iran.

"Có nhiều phiên bản khác nhau của Quds, một số có tầm bắn khoảng 1.650 km - đủ để tiếp cận Israel. Năm 2022, Houthi cho biết họ đã sử dụng tên lửa hành trình Quds 2 để tấn công các cơ sở dầu mỏ ở Abu Dhabi, thủ đô của UAE", ông Hinz nói.

Các tên lửa dẫn đường đã đi qua hơn 1.126 km tính từ miền bắc Yemen đến Abu Dhabi sau đó đánh trúng mục tiêu mà không bị đánh chặn.

Trước đó, năm 2020, Houthi cũng đã sử dụng tên lửa Quds 2 để tấn công các cơ sở lọc dầu của Ả Rập Xê-út.

Tên lửa hành trình chống hạm

Mặc dù việc sử dụng tên lửa đạn đạo chống hạm của Houthi là mới nhưng nhóm này đã tấn công các tàu bằng tên lửa hành trình trong nhiều năm qua. Tên lửa chống hạm sớm nhất mà phiến quân Houthi được cho đã mua được là P-21/P-22 do Liên Xô sản xuất và C -801 từ Trung Quốc. P-21/P-22 là một phần của hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển lớn hơn có tên Rubez.

P-21/P-22 và C-801 là tên lửa hành trình chống hạm có tầm bắn lần lượt khoảng 80 km và 40 km. Cả hai đều sử dụng máy tìm kiếm radar chủ động để tìm mục tiêu. P-21/P-22 còn có khả năng dẫn đường hồng ngoại, cung cấp tùy chọn dẫn đường bổ sung có giá trị, đặc biệt trong các tình huống gây nhiễu chiến tranh điện tử nặng.

Tên lửa hành trình Quds-1 của Houthi có tầm bắn ước tính lên đến 800km. (Ảnh: iswnews)

Tên lửa hành trình Quds-1 của Houthi có tầm bắn ước tính lên đến 800km. (Ảnh: iswnews)

Theo IISS, các tên lửa hành trình chống hạm tầm bắn xa hơn mà người Houthi mua được bao gồm Al Mandab 2, dường như là bản sao của Ghadir của Iran. Bản thân Ghadir là phiên bản mở rộng của tên lửa C-802 dẫn đường bằng radar của Trung Quốc và có tầm bắn dự kiến là 300km.

Ngoài ra còn có Sayyad và Quds Z-0, cả hai đều là biến thể hoặc phiên bản phái sinh của loạt tên lửa hành trình tấn công mặt đất Quds với khả năng chống hạm và dường như đã xuất hiện lần đầu tiên vào năm ngoái.

Năm ngoái, Houthi cũng tiết lộ một loại tên lửa hành trình chống hạm nhỏ hơn có tên Sejil (còn được gọi là Sahil). Có những báo cáo chưa được xác nhận rằng loại vũ khí này có tầm bắn gần 180 km và mang đầu đạn nặng 100 kg, nhưng vẫn chưa rõ nó được dẫn đường như thế nào.

Lực lượng Houthi của Yemen rõ ràng đã tích lũy được một kho tên lửa chống hạm rất đa dạng và thực tế, đồng thời cũng cho thấy sự sẵn sàng và năng lực sử dụng chúng. Việc nhóm sử dụng tên lửa đạn đạo chống hạm trong hoạt động trong những tháng gần đây là đặc biệt đáng chú ý.

Tuy nhiên, trong ít nhất 26 sự cố riêng biệt trong và xung quanh Biển Đỏ kể từ tháng 10 năm ngoái, các cuộc tấn công của Houthi đã không đánh chìm một con tàu nào hoặc dẫn đến hậu quả nào.

Tất cả những điều này có thể đặt ra câu hỏi về quy mô và phạm vi thực sự của khả năng chống hạm của Houthi, cũng như nhóm này có thể duy trì nhịp độ hoạt động hiện tại trong bao lâu.

Một mẫu UAV cảm tử của Houthi có thiết kế tương tự Shahed-136. (Ảnh: iswnews)

Một mẫu UAV cảm tử của Houthi có thiết kế tương tự Shahed-136. (Ảnh: iswnews)

Máy bay không người lái

Ả Rập Xê-út và Mỹ từng nhiều lần cáo buộc Iran cung cấp cho Houthi máy bay không người lái, tên lửa và các loại vũ khí khác. Tuy nhiên Tehran luôn phủ nhận.

Về phần Houthi cho biết, họ tự sản xuất máy bay không người lái trong nước, mặc dù các nhà phân tích nói rằng chúng có chứa các linh kiện nhập lậu của Iran.

Theo Hinz, kho vũ khí của họ còn bao gồm các máy bay không người lái Shahed-136 của Iran mà Nga đang sử dụng trong cuộc chiến với Ukraine. Chúng có tầm bắn khoảng 2.000 km.

Một mẫu máy bay không người lái khác của Iran là Samad-3 cũng được Houthi sử dụng. Tầm hoạt động của UAV này là khoảng 1.600 km và có thể mang theo đầu đạn nặng 18 kg thuốc nổ.

Các máy bay không người lái của Houthi sử dụng dẫn đường GPS dân sự và "bay tự động dọc theo các điểm tham chiếu được lập trình sẵn" tới mục tiêu của họ, theo các chuyên gia của IISS.

Trà Khánh(Nguồn: Economic Times)

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống