Lựu pháo tự hành 170mm M1989 Koksan của Triều Tiên đáng sợ đến mức nào?

 

Vài đặc điểm của lựu pháo M1989

Thông tin về М1978 "Koksan" (tên phương Tây đặt cho Lựu pháo tự hành 170mm M1989 để lưu lại thành phố nơi nó được nhìn thấy lần đầu tiên) rất hiếm. Được biết, đây là loại pháo 170mm được sản xuất ở CHDCND Triều Tiên, lắp trên khung gầm của xe tăng T-54, T-62 hoặc Type 59. Tạp chí KPA thì cho đây là loại lựu pháo, có thể được thiết kế trên cơ sở pháo Kanone 18 cỡ nòng 170mm của Đức, được Liên Xô chuyển giao vào những năm 1960, và pháo chiến lợi phẩm Kiểu 96 cỡ nòng 150mm của Nhật Bản.

Lựu pháo tự hành Koksan 170mm được tạo ra như một vũ khí chiến lược. Nó có nhiệm vụ phá hủy các công sự, mục tiêu có giá trị cao ở phía sau chiến tuyến như các kho đạn, sở chỉ huy, kho hậu cần và các trận địa pháo... M1989 lần đầu tiên được trình diễn công khai tại một cuộc duyệt binh năm 1985, là phiên bản sửa đổi có thể mang theo 12 viên đạn; tốc độ bắn: 1-2 phát/5 phút, là một trong những lựu pháo có tầm bắn xa nhất thế giới - 40km với đạn thông thường và 60km với đạn phản lực chủ động.

Không giống như nhiều loại pháo tự hành hiện đại, M1989 Koksan không có tháp pháo xoay, súng được cố định. Hiện nó có trong biên chế của quân đội Triều Tiên, Iran và được cho là vừa xuất hiện ở Liên bang Nga mới đây. Theo các trang mạng, M1978 và M1989 được quân đội Triều Tiên triển khai trong các trung đoàn pháo binh gồm 36 xe mỗi trung đoàn, chủ yếu dọc theo khu phi quân sự Triều Tiên, được giấu trong các kết cấu bê tông được ngụy trang kỹ càng.

Trường hợp duy nhất được xác nhận việc sử dụng lựu pháo tự hành Koksan trong chiến đấu là chiến tranh Iran-Iraq, khi Triều Tiên cung cấp lựu pháo cho Iran để tấn công các vị trí và khẩu đội của Iraq bố trí sâu ở phía sau. Tehran đã mua 30 khẩu M1978 sử dụng cho các cuộc tấn công quy mô lớn, đặc biệt là trong Trận Basra nổi tiếng năm 1987, chứng tỏ khả năng cao khi bắn mục tiêu ở khoảng cách 60km. Một trong những lựu pháo này đã trở thành chiến lợi phẩm của người Iraq và sau đó được đưa sang Mỹ để nghiên cứu.

M1989 cũng có thể đã được sử dụng để pháo kích đảo Yeonpyeong. Koksan đã gây ấn tượng với người Iraq đến mức họ đã cố gắng tạo ra khẩu pháo tự hành của riêng mình trên khung gầm có bánh tương tự như loại được sử dụng trong pháo tự hành G6 của Nam Phi. Loại pháo cỡ 210mm này có tên là Al Fao nhưng chỉ một nguyên mẫu với tầm bắn tối đa 57,3km được sản xuất.

Giờ đây, một nền tảng hoàn toàn mới đã được phát triển cho M1989 với động cơ nằm ở giữa, giữa khoang điều khiển và bệ súng. Gầm xe có 5 trụ đỡ, không có con lăn đỡ. Trọng lượng chiến đấu khoảng 40 tấn; tốc độ tối đa trên đường cao tốc là 50km/h; kíp xe 7 người. Các nhà thiết kế Triều Tiên đã tạo ra loại đạn mạnh hơn, chính xác và tầm xa hơn cho những khẩu pháo tự hành như vậy.

M1989 xuất hiện ở Nga?

Ở Nga, đây là lần đầu tiên người ta được cho là đã nhìn thấy lựu pháo tự hành 170mm M1989 Koksan của Triều Tiên được vận chuyển bằng đường sắt, theo truyền thông Nga đăng tải. Trước đó, phong trào kháng chiến ATESH cho rằng, quân đội Nga đang diễn tập tại các căn cứ pháo binh của Triều Tiên, chứng tỏ sự hợp tác quân sự sâu hơn nữa giữa Nga và Triều Tiên.

Pháo M1989 Koksan nổi bật bởi cỡ nòng 170mm độc đáo, kết hợp với nòng dài là sự phát triển của mẫu M1978 trước đó, được tạo ra vào những năm 1970 như một phương tiện chiến lược để tấn công mục tiêu ở khoảng cách xa. Khả năng tấn công mục tiêu của M1989 Koksan vượt quá khả năng của hầu hết các hệ thống pháo binh Nga, vốn có tầm bắn ngắn hơn đáng kể, ngoại trừ pháo 203mm 2S7 Pion. Nga sẽ cố gắng thay thế cối tự hành 2S4 Tyulpan và pháo tự hành 2S7 Pion bằng Koksan.

M1989 Koksan sẽ gây ra mối đe dọa đáng kể vì nó có thể thực hiện các cuộc tấn công phản lực vào các vị trí của Ukraine bằng cách sử dụng đạn phản lực chủ động, chống lại hiệu quả các hệ thống như PzH2000, CAESAR và 2S22 Bogdan. Lực lượng pháo binh, xe tăng và phương tiện chiến đấu dự trữ Nga đang giảm.

Nếu các hệ thống này được cung cấp cho Nga, Moscow sẽ có quyền tiếp cận kho đạn 170mm, cho đến nay vẫn chưa được khai thác ở Triều Tiên.

Koksan được đặt trên khung gầm của xe tăng T-54/T-55 của Liên Xô nên việc bảo trì và sửa chữa tương đối dễ dàng. Tính năng khung gầm này cho phép sử dụng trong nhiều môi trường khác nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hỗ trợ hậu cần và chiến trường.

Cần lưu ý rằng M1989 dùng đạn 170mm duy nhất, được sản xuất bởi ngành công nghiệp Triều Tiên, là bằng chứng nữa cho thấy Nga đang ngày càng phụ thuộc vào các đồng minh của mình trong cuộc chiến toàn diện với Ukraine. Các nhà quan sát chính trị-quân sự kết luận, việc Nga nhận đạn từ Triều Tiên cho thấy nước này thiếu đạn do chính họ sản xuất; năng lực của tổ hợp công nghiệp quân sự Nga đang bị suy giảm.

Nga hiện đang ở giai đoạn buộc phải thu hút những thiết bị như vậy của Triều Tiên vì không còn đủ thiết bị của riêng mình. Nếu không có sự hỗ trợ của pháo binh, các hoạt động tấn công và phòng thủ toàn diện sẽ trở nên bất khả thi đối với quân đội Nga. Thông tin về việc cung cấp pháo từ Triều Tiên đang tiếp tục là chủ đề thảo luận của các chuyên gia và nhà phân tích quân sự.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống