Theo Bộ Quốc phòng Nga, việc sản xuất hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M đang được đẩy mạnh trong thời gian gần đây. Thông tin trên được ông Sergey Pitikov, Giám đốc điều hành của Cục thiết kế chế tạo máy, công ty chịu trách nhiệm sản xuất các hệ thống tên lửa xác nhận tại Diễn đàn Army-2023.
Cũng tại diễn đàn này, truyền thông nhà nước đưa tin, Bộ Quốc phòng Nga đã được giao hợp đồng bổ sung để sản xuất thêm các hệ thống tên lửa Iskander-M. Nhu cầu gia tăng này phần lớn là do cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine và căng thẳng với NATO leo thang. Nhưng trước hết là tính hiệu quả của Iskander-M trong thực chiến.
Lực lượng Vũ trang Nga có một kho dự trữ tên lửa Iskander-M rất lớn. Tuy nhiên, phần lớn trong số này là để sẵn sàng đối phó với các tình huống có thể xảy ra với NATO, do đó Nga hạn chế sử dụng Iskander-M trong cuộc xung đột ở Ukraine. Quân đội Nga chỉ sử dụng Iskander-M tấn công các mục tiêu quan trọng.
Sử dụng chiến đấu hạn chế trong quá khứ
Trước đó, tên lửa Iskander cũng chỉ được sử dụng hạn chế trong vài cuộc chiến, đặc biệt là trong cuộc xung đột Nga - Georgia năm 2008 và ở Syria năm 2017. Đáng chú ý, tính năng của hệ thống tên lửa này rất giống với tên lửa đạn đạo OTR-23 Oka mà Liên Xô trước đây sản xuất, đặc biệt là biến thể Oka-U.
Sau khi tách ra từ Liên Xô vào năm 1991, Nga đã cố gắng đưa hệ thống tên lửa Oka-U vốn đang trong giai đoạn phát triển đi vào hoạt động nhanh chóng mà không phải thực hiện thêm bổ sung đáng kể nào.
Một số nhà phân tích quân sự cho rằng, hệ thống tên lửa Iskander-M có những điểm tương đồng đáng kinh ngạc với Oka-U. Thậm chí họ còn khẳng định, Iskander-M chính là Oka-U, chỉ thay đổi thương hiệu và được tái sử dụng trong Lực lượng Vũ trang Nga thời kỳ hậu Xô Viết.
Iskander-M không có đối thủ
Khi nói đến hiệu suất chiến đấu, Iskander-M hầu như không có đối thủ nào có thể so sánh, ngoại trừ một số hệ thống tên lửa tương tự do Trung Quốc, Triều Tiên phát triển dựa trên OTR-23 Oka. Các nhà phân tích quốc phòng Thụy Điển đã nhấn mạnh những khả năng độc đáo của hệ thống này và khẳng định Iskander-M mang lại “năng lực quân sự hoàn toàn mới”.
Họ lưu ý rằng quỹ đạo của tên lửa không hoàn toàn bay theo kiểu đạn đạo, mà nó có khả năng thay đổi quỹ đạo trong quá trình bay. Iskander có tốc độ rất ấn tượng khi ở giai đoạn tiếp cận mục tiêu, đạt vận tốc từ 2-3 km/giây, tương đương Mach 5,8 đến 8,7.
Cũng theo nhận xét của các nhà phân tích quốc phòng Thụy Điển, việc đánh chặn một tên lửa di chuyển nhanh như vậy là rất khó khăn, đòi hỏi có phải có những hệ thống phòng không tiên tiến, tốc độ xử lý siêu nhanh mới có thể đánh chặn được chúng.
Sức mạnh quân sự của NATO đặt ra thách thức đáng kể đối với Nga, khiến nước này gặp bất lợi đang kể. Do đó, Nga nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược trong việc tăng cường và phát triển các hệ thống tên lửa đất đối đất như Iskander-M, để duy trì khả năng phản công cần thiết. Cách tiếp cận này là một phần quan trọng trong chiến lược quốc phòng của Nga, khẳng định Nga vẫn là một thế lực đáng gờm trên trường quốc tế.
Tên lửa Iskander-M
Tên lửa Iskander-M (NATO định danh gọi là SS-X-26), là tên lửa đạn đạo cấp chiến dịch - chiến thuật hiện đại, được trang bị trong quân đội Nga từ năm 2006. Đây là tên lửa đẩy một tầng, sử dụng nhiên liệu rắn, được trang bị hệ thống dẫn đường vệ tinh, chiều dài 7,2m, đường kính 0,95m, trọng lượng bay 3,8 tấn, đầu đạn 380kg, có thể bay trên độ cao 50km.
Iskander-M được thiết kế để tấn công nhiều mục tiêu khác nhau như bệ phóng tên lửa, hệ thống phòng không, các trung tâm chỉ huy kiểm soát và tên lửa của đối phương. Iskander-M có tầm bắn lên tới 500 km và có khả năng mang nhiều loại đầu đạn, bao gồm cả thông thường và hạt nhân.
Khi được triển khai, các tên lửa có thể được phóng trong 16 phút từ một bệ phóng di động, tên lửa thứ hai có thể được phóng trong thời gian chỉ chưa tới 1 phút sau khi tên lửa trước đó được phóng thành công.
Tên lửa Iskander-M có một số đặc tính kỹ thuật đáng chú ý, đặc biệt là tính cơ động cũng như độ chính xác cao với sai số được nhà sản xuất công bố chỉ dưới 5 mét. Ngoài ra, tên lửa có khả năng thực hiện các động tác lẩn tránh trong khi bay, khiến nó rất khó bị đánh chặn.
Điều đáng sợ nhất là hệ thống tên lửa Iskander-M có khả năng mang nhiều loại đầu đạn, bao gồm cả thông thường và hạt nhân. Đầu đạn hạt nhân mà tên lửa có thể mang theo được cho là loại chiến thuật công suất thấp với đương lượng nổ dưới 50 kiloton, được thiết kế để phá huỷ các mục tiêu quận sự, nơi tập trung binh lực, sở chỉ huy cũng như bệ phóng tên lửa.
Với độ chính xác cao và sức công phá lớn, Iskander-M được đánh giá là có thể giúp Nga tạo nên sức mạnh răn đe rất lớn trước bất kỳ hệ thống vũ khí nào của đối phương. Hiện nay, ngoài tên lửa siêu thanh Kinzhal thì tên lửa Iskander là vũ khí chiến thuật khó bị đánh chặn nhất trong kho tên lửa của Nga.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống