Vấn đề về thời gian
Ukraine đã đề nghị Đức cung cấp tên lửa hành trình Taurus vào cuối tháng 5/2023. Song giới lãnh đạo chính trị và quân sự của Berlin vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức.
Hồi cuối tháng 10, liên doanh TAURUS Systems do công ty MBDA Deutschland của Đức và công ty Saab Bofors Dynamics AB của Thụy Điển thành lập cho biết, công ty đã sẵn sàng bắt tay chế tạo tên lửa Taurus cho Ukraine, nhưng điều đó cần phải có quyết định phù hợp từ các nhà lãnh đạo Đức. Ông Joachim Knopf, giám đốc liên doanh TAURUS Systems cho biết, sẽ mất ít nhất 1 năm để chuẩn bị dây chuyền sản xuất. Ngoài ra, không thể loại trừ khó khăn trong việc cung cấp một số linh kiện nhất định.
Chưa kể, nhà sản xuất cũng phải giải quyết vấn đề tích hợp tên lửa vào các máy bay hiện có của Ukraine. Theo ông Joachim Knopf, Taurus có thể được sử dụng trên máy bay ném bom Su-24, nhưng quá trình kết hợp sẽ mấy khoảng 2 tháng. Bên cạnh đó, cần khoảng 4 tháng để đào tạo phi hành đoàn.
Phương Tây hiện đang thảo luận về việc cung cấp chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine. Về mặt lý thuyết, máy bay F-16 cũng có thể mang tên lửa KEPD 350. Nhưng quá trình kết hợp ước tính mất khoảng 1 năm rưỡi.
Một vấn đề khác là số lượng máy bay chiến đấu của Ukraine vẫn không ngừng giảm sau các cuộc giao tranh ác liệt bất chấp những biện pháp mà Kiev thực hiện nhằm bảo toàn các phi đội. Vẫn chưa rõ có bao nhiêu chiếc Su-24 có thể tiếp tục hoạt động trong 6 tháng tới. Trong khi đó, kế hoạch của phương Tây cung cấp chiến đấu cơ F-16 còn chưa chắc chắn.
Cuối cùng, không thể loại trừ đặc tính kỹ thuật, ưu và nhược điểm của tên lửa Taurus. Những tên lửa hành trình tầm xa như Taurus từng là vũ khí thiết yếu trong nhiều chiến dịch quân sự của Mỹ và các nước phương Tây khác, khi phá hủy hoặc làm gián đoạn hoạt động chỉ huy, kiểm soát và hậu cần của đối phương ở xa chuyến tuyến. Đây cũng là vũ khí giúp phương Tây nhanh chóng đạt được thành công về mặt quân sự trong những thập kỷ gần đây.
Đối với Ukraine, Taurus chắc chắn sẽ mở rộng khả năng chiến đấu của nước này, nhưng đây không phải vũ khí thay đổi cuộc chơi, Franz-Stefan Gady – thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế nhận định.
Không phải “viên đạn bạc” dành cho Ukraine
Taurus có tầm bắn hiệu quả lên tới 500km, được thiết kế để chống lại các mục tiêu kiên cố hoặc nằm sâu dưới lòng đất như hầm chỉ huy, kho đạn dược, cầu cảng và các trung tâm vận tải quan trọng khác. Tên lửa này có đầu đạn mạnh hơn so với nhiều loại tên lửa dẫn đường chính xác trong kho vũ khí của Ukraine, vì thế nó có thể giúp Kiev vô hiệu hóa các câu cầu của Nga ở khoảng cách xa. Song không loại trừ khả năng Đức sửa đổi tên lửa để hạn chế tầm bắn của nó trước khi cung cấp cho Ukraine, khiến lợi thế của tên lửa bị hạn chế.
Một lý do khác khiến Taurus không thể trở thành “viên đạn bạc” đó là Đức khó có khả năng cung cấp cho Ukraine đủ số lượng tên lửa để tạo ra sự khác biệt lớn trên chiến trường. Anh và Pháp đã cung cấp cho Ukraine từ 250 đến 400 tên lửa hành trình kể từ tháng 5/2023 và Ukraine được cho là đã sử dụng từ 180 đến 200 tên lửa trong số này. Nếu Đức có thể bổ sung cho kho vũ khí của Ukraine khoảng 150 tên lửa hành trình Taurus thì điều này sẽ giúp Ukraine có đủ tên lửa để kéo dài chiến dịch chống lại các mục tiêu Nga nằm phía sau tiền tuyến thêm 2 tháng nữa.
Nhưng ngay cả khi Berlin cung cấp cho Kiev tên lửa Taurus với số lượng lớn hơn, thì vẫn chưa có gì đảm bảo điều đó có thể “thay đổi cuộc chơi”. Các nhà phân tích quân sự Michael Kofman và Rob Lee chỉ ra rằng, việc tiến hành một chiến dịch tấn công sâu phía sau phòng tuyến của đối phương khó hơn nhiều so với tấn công các lực lượng trên tiền tuyến. Rất khó để ngăn chặn tuyến tiếp tế, hoặc thiết lập khả năng kiểm soát hỏa lực ở phía sau nếu không có ưu thế trên không.
Để tiến hành chiến dịch này một cách có hệ thống, Ukraine cần nắm thông tin tình báo liên tục, cũng như cải thiện khả năng giám sát và trinh sát thông qua vệ tinh và máy bay không người lái. Trong bối cảnh Ukraine thiếu các phương tiện trinh sát tiên tiến và thiếu khả năng kiểm soát bầu trời, việc theo dõi và bao quát hậu phương của Nga là nhiệm vụ vô cùng khó khăn.
Chưa kể Nga đã có sự thích nghi với tình hình chiến trường kể từ khi Ukraine triển khai hệ thống tên lửa pháo binh cơ động HIMARS do phương Tây cung cấp vào mùa hè năm 2022. Quân đội Nga đã củng cố các trạm chỉ huy, kiểm soát, tăng cường sử dụng thiết bị tác chiến điện tử để gây nhiễu điện từ cho UAV. Moscow cũng đa dạng hóa mạng lưới cung cấp, chuyển các kho đạn dược ra xa tiền tuyến hơn. Ngay cả khi Ukraine có thể triển khai tên lửa tầm xa với số lượng lớn, vẫn chưa rõ chiến dịch tấn công như vậy có hiệu quả hay không trước một đối thủ có khả năng phòng không và năng lực tác chiến điện tử mạnh mẽ.
Ông Franz-Stefan Gady cho rằng, nhiều nhà bình luận dường như đã ước lượng quá lớn số binh sỹ và vũ khí mà Nga cần tiếp tế đề ngăn chặn hoặc trì hoãn cuộc phản công của Ukraine ở tiền tuyến. Không thể phủ nhận các cuộc tấn công của Ukraine đã gây sức ép ngày càng gia tăng đối với tuyến hậu cần của Nga, buộc Moscow phải giảm số vụ pháo kích và gặp khó khăn khi luân chuyển binh sỹ đến và đi từ khu vực tiền tuyến. Nhưng Nga vẫn có thể tiến hành các cuộc tấn công trả đũa mạnh mẽ cũng như duy trì ổn định hoạt động của các đơn vị pháo binh hoặc thiết giáp, ông Franz-Stefan Gady nhấn mạnh.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống