Lý do Ukraine không hoán cải hệ thống phòng không S-300 để tấn công mặt đất

 

Theo iStories, một hãng thông tấn độc lập của Nga, Moscow đã triển khai hệ thống phòng không S-300 để tấn công các mục tiêu mặt đất ở Ukraine hôm 29/11. Đây không phải là trường hợp đầu tiên hệ thống S-300 được sử dụng để tấn công các mục tiêu mặt đất trong cuộc xung đột hiện nay giữa Nga và Ukraine.

Trong bài đăng trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) hồi tháng 7/2022, Thống đốc tỉnh Mykolaiv, Vitaly Kim từng cảnh báo về “các cuộc tấn công tên lửa” thường xuyên từ các lực lượng Nga. Ông nói rằng, Nga đã sử dụng tên lửa S-300 được hoán cải, có trang bị thiết bị dẫn đường GPS để nhắm vào các mục tiêu trên mặt đất.

Người ta có thể tìm thấy thông tin về việc sử dụng S-300 tấn công các mục tiêu trên mặt đất từ năm 2017. Theo các nguồn tin Nga, S-300 đã được Quân khu miền Đông của nước này sử dụng trong một cuộc tập trận quân sự ở khu vực Khabarovsk. Trong cuộc tập trận, hệ thống S-300 được sử dụng để phá hủy các phương tiện quân sự mô phỏng trên mặt đất.

S-300 được hoán cải như thế nào

Với một số sửa đổi và điều chỉnh nhất định, S-300 có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu mặt đất. Để làm được điều này, cần cấu hình lại các thuật toán phần mềm và radar của hệ thống để phát hiện và theo dõi các mục tiêu trên mặt đất thay vì các mối đe dọa trên không.

Bằng cách điều chỉnh các tham số và thuật toán, hệ thống có thể xác định và tấn công các mục tiêu mặt đất, chẳng hạn như phương tiện hoặc nhân sự, một cách hiệu quả.

Một cách khác là sửa đổi tên lửa được sử dụng trong hệ thống. Để tấn công các mục tiêu mặt đất, tên lửa có thể được trang bị các đầu đạn khác nhau, chẳng hạn như đầu đạn nổ phân mảnh hoặc đầu đạn xuyên giáp. Ngoài ra, hệ thống dẫn đường của tên lửa có thể cần được điều chỉnh để tối ưu hóa quỹ đạo và độ chính xác khi nhắm mục tiêu vào các vật thể trên mặt đất.

Hơn nữa, việc tích hợp thêm các cảm biến và thiết bị vào hệ thống S-300 có thể nâng cao khả năng tấn công mục tiêu mặt đất. Ví dụ, việc kết hợp radar giám sát mặt đất hoặc cảm biến quang điện có thể cải thiện khả năng nhận biết tình huống của môi trường mặt đất cho S-300.

Vì sao do Ukraine không hoán cải S-300?

Có các báo cáo cho thấy Ukraine đã sử dụng hệ thống phòng không S-200 cũ của Liên Xô để tấn công lại các mục tiêu mặt đất của Nga.

Ukraine đã ngừng sử dụng S-200 hơn một thập kỷ trước, mặc dù họ vẫn giữ chúng trong kho dự trữ và thỉnh thoảng thảo luận về khả năng tái sử dụng trước khi xung đột với Nga bùng phát. Các hệ thống này tương đối cũ và lỗi thời so với các hệ thống phòng thủ mới hiện nay, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng không có giá trị.

Được phát triển vào những năm 1960, S-200 được trang bị hệ thống tìm kiếm radar thụ động tích hợp, yêu cầu dẫn đường từ một radar riêng biệt để tấn công chính xác mục tiêu. Về mặt lý thuyết, cũng có thể điều chỉnh tốc độ và hướng theo dõi của hệ thống bên trong tên lửa bằng hệ thống dẫn đường GPS. 

Một trong những lý do Ukraine sử dụng S-200 để tấn công mặt đất là do tầm bắn và tính sẵn có của chúng trong kho dự trữ.

S-300 có hệ thống nhắm mục tiêu hợp lý hơn so với S-200. Trước khi xung đột bùng phát, Ukraine sở hữu khoảng 100 tổ hợp phòng không S-300 từ thời Liên Xô. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng cho đến năm 2014, các hệ thống này vẫn chưa được bảo trì. Tình hình sau đó ở khu vực Donbass đã buộc Ukraine phải tăng cường bảo trì các hệ thống này.

Theo trang tin quân sự Bulgaria, Ukraine cũng có khả năng hoán cải hệ thống S-300 để chúng hoạt động hiệu quả trước các mục tiêu trên mặt đất. Tuy nhiên, khó khăn nằm ở số lượng.

Đối với Nga, việc hoán cải S-300 có giá cả phải chăng và tương đối dễ dàng do họ có sẵn hàng trăm hệ thống như vậy. Trong khi đó, kể từ khi bắt đầu xung đột, Ukraine đã phải chịu tổn thất đáng kể về các hệ thống S-300 của mình.

Mặt khác, đối với Ukraine, S-300 vẫn là một trong những vũ khí phòng không đáng giá hơn so với việc hoán cải chúng thành vũ khí tấn công mặt đất.

Đại tá lực lượng dự bị Ukraine Oleg Zhdanov giải thích: “Nếu chúng tôi bắt đầu sửa đổi tên lửa S-300 và phóng chúng dưới dạng tên lửa đất đối đất, chúng tôi sẽ để lại một lỗ hổng trên bầu trời”.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống