Máy bay không người lái quân sự và cuộc chiến tranh 'giữa các vì sao'

 

Kể từ chiến tranh Syria (2011) cho đến nay, máy bay không người lái (UAV) đã trở thành thứ vũ khí không thể thiếu đối với bất kỳ đội quân nào. Phương tiện bay này đảm nhận mọi vai trò trên chiến trường từ do thám, trinh sát, tấn công cho đến hỗ trợ hậu cần.

Xung đột Nga – Ukraine (2022) là cuộc chiến UAV toàn diện đầu tiên trên thế giới, nó không khác gì một cuộc đối đầu trên không kéo dài không có hồi kết giữa hai bên. UAV hoạt động 24h mỗi ngày và truyền mọi thông tin chiến trường về sở chỉ huy cách đó hàng chục km, Nga – Ukraine sử dụng UAV trong giao tranh còn nhiều hơn cả bộ binh.

Tuy nhiên ở từng cấp độ xung đột, các bên tham chiến sử dụng những loại UAV khác nhau từ drone giá rẻ chỉ từ 200 USD cho đến các phương tiện chiến đấu đắt đỏ lên đến hàng triệu USD. Chưa dừng ở đó quân đội Mỹ còn muốn mở rộng cuộc đua UAV ra ngoài không gian với chương trình X-37, các cường quốc khác như Nga và Trung Quốc cũng không kém cạnh khi phát triển các phương tiện lượn siêu thanh không người lái vừa có thể tấn công vừa có thể trinh sát.

UAV tấn công Bayraktar TB2 của Ukraine trước khi xung đột diễn ra. (Ảnh: Nina Liashono)

UAV tấn công Bayraktar TB2 của Ukraine trước khi xung đột diễn ra. (Ảnh: Nina Liashono)

Cuộc chiến UAV

Khác với đầu những năm 2000, máy bay không người lái hiện tại là một vũ khí giá rẻ và hiệu quả đã xuất hiện trong nhiều cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang. Nó có thể không dẫn đến chiến thắng cuối cùng nhưng thừa khả năng trở thành vũ khí răn đe.

Trước đây người ta thường gắn liền UAV với cuộc chiến của Mỹ chống khủng bố ở khu vực Trung Đông. Lực lượng quân sự của siêu cường này có thể ngồi ở một nơi an toàn cách xa mục tiêu hàng ngàn km, điều khiển UAV tiêu diệt mục tiêu với rủi ro tối thiểu cho họ. Lúc đó ít có quốc gia nào có được khả năng này.

Nhưng hiện nay bức tranh đã thay đổi. Mỹ và các cường quốc khác không độc tôn sở hữu lợi thế áp đảo về công nghệ UAV.

Các UAV nhỏ, bao gồm phiên bản thương mại, có thể dễ dàng chuyển đổi để phục vụ mục đích quân sự. Các UAV kiểu này giúp các nước nhỏ hơn và các nhóm nổi dậy “san phẳng sân chơi” theo hướng bình đẳng hơn.

UAV đã đóng vai trò quan trọng trên chiến trường trong các cuộc xung đột gần đây giữa chính phủ Ethiopia và quân nổi dậy Tigrayan, giữa Armenia và Azerbaijan, nội chiến ở Libya, giữa liên quân Ả Rập và phiến quân Houthi, giữa Nga và Ukraine hay mới nhất là Israel và Hamas.

Điển hình như cuộc xung đột Israel – Hamas (2023), cả hai bên đều sử dụng UAV trong mục đích trinh sát và tấn công. Israel là bên có ưu thế hơn với phi đội máy bay không người lái hiện đại có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, phong trào Hamas cũng không hề kém cạnh khi sử dụng các drone hoặc UAV cỡ nhỏ để tập kích các vị trí quân sự của đối phương.

Từ cuộc xung đột Nga – Ukraine, các tay súng Hamas có thể đã rút ra được bài học lớn trong tác chiến phi đối xứng bằng UAV, kể cả họ chỉ thể mua các phương tiện bay không người lái dân sự. Bằng chứng rõ nhất là Hamas sử dụng UAV ném lựu đạn phá hủy xe tăng và các chòi canh biên giới của Israel ngay trong ngày đầu tiên của chiến dịch bão táp Al-Aqsa.

UAV Hamas thả lựu đạn phá hủy xe tăng Merkava Mark IV của Israel trong cuộc đột kích ngày 7/10.

UAV Hamas thả lựu đạn phá hủy xe tăng Merkava Mark IV của Israel trong cuộc đột kích ngày 7/10.

Sau đòn tấn công bất ngờ, lực lượng phòng vệ Israel nhanh chóng có động thái đáp trả, UAV cũng được sử dụng để theo dõi cũng như vô hiệu hóa các mũi tiến công của Hamas dọc theo biên giới Dải Gaza.

Quay lại những ngày đầu của cuộc chiến Nga-Ukraine, UAV tấn công Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo đã thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế. Giai đoạn đó, UAV này khá làm mưa làm gió trên chiến trường, bắn phá các mục tiêu là xe tăng, xe thiết giáp của quân đội Nga.

Những gì mà UAV Bayraktar TB2 thể hiện đã đóng vai trò như màn quảng cáo cho sản phẩm này. Quân đội nhiều nước sau đó đổ xô đặt hàng loại UAV này của hãng Baykar.

Dù vậy UAV Bayraktar TB2 chỉ tỏ ra hiệu quả chủ yếu trong vài tuần đầu của cuộc xung đột. Khi Nga tổ chức lại hoạt động hệ thống phòng không của mình thì Bayraktar TB2 gần như biến mất hoàn toàn trên chiến trường.

Dẫu vậy, UAV vẫn đóng vai trò lớn trong xung đột Nga Ukraine khi chúng xuất hiện dưới một hình thức khác là UAV “cảm tử”. Quân đội Nga đã thành công trong việc sử dụng UAV “cảm tử” Geran-2 giáng một đòn mạnh vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine.

Bên cạnh đó UAV “cảm tử” Lancet của Nga cũng là cơn ác mộng đối với bộ binh và tăng thiết giáp Ukraine khi nó có thể phá hủy mọi thứ mà không thể bị đánh chặn.

Quân đội Ukraine cũng không chịu ngồi yên khi sử dụng UAV cỡ nhỏ với số lượng lớn để tấn công lực lượng Nga và cũng tạo ra thiệt hại đáng kể cho đối phương.

UAV dân sự của DJI được sửa đổi để mang theo lựu đạn khá phổ biến trong xung đột Ukraine. (Ảnh: AP)

UAV dân sự của DJI được sửa đổi để mang theo lựu đạn khá phổ biến trong xung đột Ukraine. (Ảnh: AP)

UAV giá rẻ đến từ đâu?

Theo tờ Foreign Policy, bất cứ khi nào bạn nghe thấy tiếng vo ve của máy bay không người lái ở bất cứ nơi nào trên thế giới, bạn có thể đang nghe thấy âm thanh từ một sản phẩm được sản xuất ở Trung Quốc.

Cách đây gần 20 năm, từ một ký túc xá, ông chủ của công ty công nghệ Trung Quốc DJI đã tạo ra chiếc máy bay không người lái giá rẻ đầu tiên mà ngay cả những người nghiệp dư cũng có thể sử dụng để quay những video tuyệt đẹp và tạo bản đồ chất lượng cao.

Ngày nay, DJI trở thành công ty dẫn đầu thị trường trong ngành công nghiệp máy bay không người lái thương mại, cung cấp nhiều loại cho hơn 70% người dùng trên toàn thế giới. Và không có gì ngạc nhiên khi UAV của DJI được cả hai bên trong xung đột Ukraine sử dụng với số lượng lớn.

Thế nhưng thị phần của DJI chỉ là một câu chuyện điển hình bởi Trung Quốc có hàng trăm công ty khác chuyên chế tạo hoặc cung ứng linh kiện chế tạo UAV và drone. Nói cách khác chỉ cần có bản thiết kế, bạn có thể mua mọi thứ cần thiết để tạo nên một phương tiện bay không người lái của riêng mình từ các nhà sản xuất Trung Quốc.

Ví dụ rõ nhất là UAV “cảm tử” Geran-2 của Nga khi nó sử dụng hệ thống động cơ cánh quạt do một công ty Trung Quốc chế tạo.

Về phía Ukraine từ lâu đã sử dụng các UAV dân sự giá thành thấp do Trung Quốc sản xuất để gia tăng năng lực tấn công. Ukraine đã cải tiến các UAV có mục đích thương mại nhằm biến chứng thành vũ khí tập kích mục tiêu Nga.

Trong những công xưởng, những kỹ sư Ukraine vẫn nỗ lực chỉnh sửa các UAV dân sự để biến chúng thành UAV tấn công giá rẻ. Ví dụ, họ gắn pin mới đã được cải tiến vào UAV để nó có thể bay xa hơn.

Các phi công cũng sẽ gắn một quả đạn pháo tự chế xuống phần dưới UAV để cho vũ khí nói trên làm nhiệm vụ lao vào chiến hào và xe tăng Nga, nhằm biến chứng thành tên lửa do con người điều khiển.

Tuy nhiên, cả Nga và Ukraine đang đứng trước một nguy cơ thiếu hụt UAV khi Trung Quốc bắt đầu siết chặt việc xuất khẩu UAV và drone dân sự do lo ngại chúng có thể biến thành công cụ phục vụ chiến tranh.

Theo đó, các nhà xuất khẩu phải được chính phủ cấp phép khi xuất khẩu UAV. Biện pháp kiểm soát này cũng ảnh hưởng đến một số loại UAV tiêu dùng, và không loại UAV dân sự nào có thể được xuất khẩu cho mục đích quân sự.

Máy bay không gian X-37B hạ cánh xuống bãi đáp tàu con thoi của NASA ở bang Florida, Mỹ, tháng 10/2019. (Ảnh: USAF)

Máy bay không gian X-37B hạ cánh xuống bãi đáp tàu con thoi của NASA ở bang Florida, Mỹ, tháng 10/2019. (Ảnh: USAF)

UAV không gian

Ngoài các mẫu UAV thông thường một số siêu cường quân sự như Mỹ, Nga và Trung Quốc bắt đầu phát triển phương tiện bay không người lái có thể hoạt động ngoài không gian. Đi đầu và có thể được xem thành công nhất trong lĩnh vực này là Mỹ với chương trình tàu vũ trụ không người lái (UAV) X-37B.

X-37B ban đầu được hãng Boeing thiết kế cho NASA. Nhưng sau đó nó đã được điều chỉnh để quân đội Mỹ sử dụng. Phương tiện này về cơ bản là một sự kết hợp giữa máy bay và tàu vũ trụ. Có thể nói nó là một tàu con thoi thu nhỏ.

X-37B được coi là một trong những dự án bí ẩn nhất của không quân Mỹ trong việc triển khai UAV để thực hiện các nhiệm vụ tối mật ngoài không gian.

Theo IDG News Service - cơ quan ngôn luận của Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (International Data Group - IDG) của Mỹ - đã có 3 chiếc X-37B bay ra khỏi trái đất nhằm kiểm tra hoạt động của UAV trong môi trường không trọng lực và tăng cường năng lực giám sát của các cơ quan tình báo Mỹ.

Trong một nhiệm vụ gần đây nhất X-37B của Mỹ cũng lập kỷ lục 908 ngày thực hiện nhiệm vụ ngoài không gian và trở về Trái Đất an toàn vào tháng 11/2022

Lực lượng không gian Mỹ cho hay sứ mệnh OTV-6 của X-37B cũng đánh dấu mốc lần đầu tiên một chiếc UAV bay vào vũ trụ có gắn modul dịch vụ, tăng số lượng các cuộc thử nghiệm có thể được tiến hành trong không gian.

Ở một chiều hướng khác, Trung Quốc cũng không hề kém cạnh khi phát triển mẫu UAV siêu thanh WZ-8 - phương tiện bay không người lái tầm cao và có tốc độ siêu thanh thực hiện các nhiệm vụ trinh sát. Theo Thời báo Hoàn Cầu, UAV này có thể thu thập các bức ảnh với độ phân giải cao, đồng thời cung cấp thông tin tình báo theo thời gian thực.

Hình ảnh được cho của UAV WZ-8 tại một cuộc duyệt binh ở Bắc Kinh năm 2019. (Ảnh: AFP)

Hình ảnh được cho của UAV WZ-8 tại một cuộc duyệt binh ở Bắc Kinh năm 2019. (Ảnh: AFP)

Theo một tài liệu của Lầu Năm Góc bị rò rỉ vào tháng 8 năm ngoái, WZ-8 được thiết kế để triển khai từ máy bay ném bom tầm xa H-6M và có nhiệm vụ thu thập dữ liệu thời gian thực về hành động của đối thủ tiềm năng ở eo biển Đài Loan hoặc trong khu vực Bán đảo Triều Tiên.

Chuyến bay của chiếc WZ-8 được thực hiện ở độ cao 30.000 m với tốc độ lên tới Mach 3, cộng với việc áp dụng công nghệ tàng hình, cho nên phương tiện này rất khó bị các hệ thống phòng không đánh chặn.

Một quốc gia khác phát triển phương tiện không người lái siêu thanh là Nga với Đề án 4202 Avangard - nó có khả năng bay với vận tốc Mach 27 (32.000km/h) ngay cả trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, có thể thay đổi đường bay và độ cao, cũng như xuyên thủng bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào. Avangard được Tổng thống Nga Vladimir Putin đề cập đến lần đầu tiên vào tháng 3/2018.

Các quan chức Nga cho biết nó có thể được lắp đặt trên ICBM RS-28 Sarmat của nước này với tầm bắn lên tới hơn 17.700km.

Các đầu đạn ICBM thông thường có đường đi dễ toán nên dễ bị đánh chặn nhưng Avangard có thể thay đổi hướng đi. TASS dẫn lời các quan chức Nga cho biết, nó "không thể bị tấn công trước bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào".

Theo Dự án Phòng thủ Tên lửa của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Avangard nặng khoảng 2 tấn, có tầm bắn hơn 6.000km và có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường.

Còn Bộ Quốc phòng Nga cho biết, hệ thống tên lửa Avangard đầu tiên đã đi vào hoạt động vào cuối năm 2019.

Trà Khánh

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống