Vô số đường hầm bên dưới dải Gaza được Hamas sử dụng để để vận chuyển hàng hóa từ Ai Cập và tiến hành các cuộc tấn công vào Israel. Tuy nhiên, còn có một mạng lưới đường hầm thứ hai mà Lực lượng Phòng vệ Israel gọi là "hệ thống metro" của dải Gaza.
Đây là một mê cung đường hầm rộng lớn với một số báo cáo ghi nhận các đường hầm dài hàng km, được sử dụng để con người đi lại và vận chuyển hàng hóa, cũng như lưu trữ rocket và đạn dược, đồng thời là nơi đặt các trung tâm chỉ huy và kiểm soát của Hamas tránh xa sự giám sát của chiến đấu cơ và UAV của IDF.
Năm 2021, Hamas tuyên bố đã xây dựng 500km đường hầm bên dưới dải Gaza mặc dù chưa rõ liệu con số này có chính xác hay không. Nếu đây là sự thật thì mạng lưới đường hầm của Hamas tương đương với gần một nửa chiều dài hệ thống tàu điện ngầm của thành phố New York.
"Đây là một mạng lưới đường hầm vô cùng khổng lồ và phức tạp trên một vùng lãnh thổ nhỏ bé", Daphne Richemond-Barak, Giáo sư tại Đại học Reichman của Israel cho hay.
Hiện chưa rõ Hamas đã chi bao nhiêu cho mạng lưới đường hầm trên khi lực lượng này chỉ kiểm soát một dải đất ven biển với nền kinh tế nghèo nàn. Tuy nhiên, có thể con số trên khá lớn, cả về nhân lực và ngân sách.
Gaza nằm dưới sự phong tỏa trên bộ, trên biển và trên không của Israel cũng như bị Ai Cập phong tỏa trên bộ từ năm 2007. Khu vực này được cho là không có các loại máy móc lớn chuyên dụng để đào hầm sâu dưới lòng đất. Các chuyên gia cho rằng Hamas có thể đã sử dụng các máy đào với những công cụ cơ bản để tạo nên mạng lưới trên. Israel từ lâu cáo buộc Hamas sử dụng xi măng cho các mục đích dân sự và nhân đạo để xây dựng các đường hầm trên.
Các đường hầm là một công cụ chiến tranh từ thời trung cổ. Ngày nay, chúng giúp các lực lượng như Hamas có được lợi thế trong cuộc chiến bất đối xứng, qua mặt một số lợi thế công nghệ của những lực lượng tiên tiến hơn như IDF.
Điều khiến các đường hầm của Hamas khác biệt so với mạng lưới đường hầm của al Qaeda trong những ngọn núi ở Afghanistan là Hamas đã xây dựng một mạng lưới đường hầm bên dưới một trong những khu vực đông dân nhất hành tinh. Gần 2 triệu người sống ở thành phố Gaza rộng gần 230 km vuông.
"Việc đối phó với những đường hầm rất khó khăn dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thậm chí cả khi chúng ở vùng núi, nhưng khi chúng ở khu vực đô thị thì mọi thứ còn phức tạp hơn bởi phải tính toán đến các khía cạnh chiến thuật, chiến lược, tác chiến và dĩ nhiên là sự bảo vệ cho dân thường", chuyên gia Richemond-Barak, Học giả cấp cao tại Viện Lieber nghiên cứu về Luật và Chiến tranh mặt đất và Viện Chiến tranh Hiện đại ở West Point cho hay.
IDF nhiều lần cáo buộc Hamas đang che giấu những đường hầm "bên dưới những ngôi nhà và bên trong các tòa nhà của người dân Gaza vô tội". IDF dự kiến sẽ lần theo mạng lưới trên trong một cuộc tấn công trên bộ vào Gaza. Israel từng tiến hành tấn công trên bộ vào Gaza năm 2014 để loại bỏ các đường hầm của Hamas.
Ngày 13/10, Israel đã yêu cầu dân thường ở dải Gaza sơ tán về phía Nam song theo Liên Hợp Quốc, đây một kế hoạch đầy mạo hiểm khi toàn bộ khu vực đang bị vây hãm.
Việc sơ tán dân thường khỏi thành phố Gaza sẽ khiến việc loại bỏ các đường hầm trên trở nên dễ dàng hơn nhưng các chiến dịch này sẽ rất nguy hiểm, chuyên gia Richemond-Barak nói.
IDF có thể tạm thời khiến cho các đường hầm không thể sử dụng hoặc phá hủy chúng. Theo chuyên gia Richemond-Barak, việc ném bom các đường hầm này là cách hiệu quả nhất để loại bỏ chúng nhưng những cuộc tấn công như vậy sẽ ảnh hưởng tới dân thường. Có một thực tế rõ ràng là chỉ một mình công nghệ thì không đủ để ngăn chặn mối đe dọa từ các đường hầm.
Israel đã chi hàng tỷ USD để đảm bảo an ninh biên giới với một hệ thống thông minh gồm những thiết bị cảm ứng tiên tiến và các bức tường dưới lòng đất nhưng Hamas vẫn có thể tiến hành cuộc tấn công ngày 7/10 trên bộ, trên không và trên biển.
"Không có một giải pháp cụ thể nào để đối phó với mối đe dọa từ đường hầm. Không có hệ thống Vòm sắt nào để đối phó với chúng", chuyên gia Richemond-Barak bình luận.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống