Một nhà máy đạn dược của quân đội Mỹ ở phía đông nam Oklahoma đang được mở rộng để sản xuất ít nhất ba quả bom phi hạt nhân lớn nhất hàng tháng của Mỹ, loại vũ khí thường được nhắc đến trong các cuộc tranh luận về một cuộc tấn công tiềm tàng nhằm vào các cơ sở hạt nhân nằm sâu dưới lòng đất ở Iran hoặc Triều Tiên.
Loại vũ khí xuyên phá khổng lồ nặng 30.000 pound (khoảng 13,6 tấn), được gọi là bom phá boong-ke, chỉ được thả từ máy bay ném bom tàng hình B-2. Nó lớn hơn nhiều so với bom nặng 2.000 pound (900 kg) không được điều khiển mà chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hoãn gửi đến Israel vì lo ngại thương vong cho dân thường trong cuộc chiến với Hamas ở Gaza.
Cơ sở đang được xây dựng tại Nhà máy Đạn dược Lục quân McAlester rộng 181 km2 sẽ tăng đáng kể sản lượng khi cần thiết, quân đội Mỹ cho biết trong một tuyên bố. Các quan chức tại cơ sở nói với Bloomberg trong chuyến thăm của Tướng Charles Brown, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cơ sở mới có thể chế tạo tới sáu thậm chí là tám quả bom mỗi tháng, tăng hơn 2 quả bom so với hiện tại.
Quân đội Mỹ đã mô tả cơ sở chế tạo bom mới tại nhà máy Oklahoma là “cơ sở hiện đại có khả năng hỗ trợ sản xuất các loại bom nặng từ 2.000 đến 30.000 pound cũng như cung cấp các sản phẩm cần thiết cho yêu cầu trong tương lai”. Cơ sở này dự kiến hoàn thành vào cuối mùa xuân đến đầu mùa thu, với lễ cắt băng khánh thành dự kiến vào ngày 30/7 tới.
Frank McKenzie, Tướng Thủy quân lục chiến đã nghỉ hưu, từng là chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ, cho biết bom xuyên phá khổng lồ “là một vũ khí rất quan trọng” đối với quân đội Mỹ ở Trung Đông cũng như châu Âu và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo ông McKenzie, vũ khí này “đảm bảo rằng Mỹ có thể nhắm mục tiêu vào các cơ sở ngầm được bảo vệ cực kỳ tốt, bất kể chúng nằm ở đâu” và nó “đóng góp đáng kể vào khả năng của Mỹ trong việc đạt được sự răn đe với các quốc gia như Iran”.
Tầm quan trọng của nó được chứng minh bởi Tướng Brown, người đã giữ một mảnh vỡ từ vụ bắn thử bom và được đặt trong văn phòng của ông ở Lầu Năm Góc.
Trong một báo cáo năm 2019 về quân đội Iran, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ cho biết Iran có hệ thống ngầm lớn nhất ở Trung Đông “nhằm che giấu và bảo vệ cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự quan trọng trên khắp cả nước”.
Trong một báo cáo riêng năm 2021, cơ quan tình báo trên tiết lộ các cơ sở dưới lòng đất của Triều Tiên là “lớn nhất và kiên cố nhất trên thế giới”, với hàng nghìn cơ sở trong số đó “có mục đích chống chịu” bom phá boong-ke của Mỹ.
Lầu Năm Góc cũng cho biết trong báo cáo về quân sự Trung Quốc mới nhất rằng quân đội Trung Quốc “duy trì cơ sở ngầm chắc chắn và có công nghệ tiên tiến để nguỵ trang và bảo vệ các lực lượng của mình”.
Ngoài nhiệm vụ đơn giản là lắp ráp bom phá boong-ke, nhà máy ở Oklahoma còn đóng vai trò cung cấp đạn pháo 155mm và vũ khí phòng không cho Ukraine. Mặc dù không có đạn pháo nào được sản xuất tại McAlester, nhưng đây là điểm lưu trữ, kiểm tra và vận chuyển quan trọng.
Được thành lập vào năm 1943 với tư cách là một cơ sở của Hải quân Mỹ trước khi chuyển giao cho Lục quân, nhà máy này là một cơ sở được đảm bảo an ninh cao nhưng thoáng đãng với những khoảng không rộng.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống