NATO hết kiên nhẫn với xung đột Nga-Ukraine?

 

Vì sao NATO đưa ra đề xuất vào thời điểm này?

Trong tuyên bố chung sau cuộc họp thượng đỉnh của NATO hồi đầu tháng 7 có nêu rõ khối sẽ gửi lời mời gia nhập Liên Minh tới Ukraine khi các thành viên đồng ý và các điều kiện được đáp ứng. Đây được cho là một tín hiệu tích cực của khối khi lần đầu tiên NATO sử dụng từ “lời mời” gửi đến một quốc gia đang đệ đơn.

Mặc dù tuyên bố không nêu rõ các điều kiện cần đáp ứng là gì, nhưng từ những lý do mà các thành viên NATO nêu ra để ngăn cản việc Ukraine gia nhập khối trước đó, chúng ta có thể đoán được đó là các tiêu chí về kinh tế, chính trị và tất nhiên là quân sự.

Tuy nhiên tính đến thời điểm này, sau hơn 1 tháng kể từ khi hội nghị thượng đỉnh NATO kết thúc, tình hình quân sự tại Ukraine không có dấu hiệu khả quan nào được ghi nhận. Kiev ngày càng lún sâu vào cuộc xung đột với Nga và chiến sự đang có xu hướng leo thang khi Ukraine liên tục kêu gọi các nước phương Tây viện trợ thêm vũ khí và cơ giới quân sự.

Thậm chí, chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelensky còn yêu cầu phía Mỹ và Đức cung cấp các hệ thống tên lửa hành trình nhằm mục đích đáp trả Nga. Yêu cầu này đã bị Đức bác bỏ sau đó với lý do lo ngại tầm xa của hệ thống tên lửa này có thể vươn tới các mục tiêu nằm ngoài đường biên giới của Ukraine. Đức hiện cũng phản đối việc cung cấp các máy bay chiến đấu hiện đại như F-16 cho Kiev.

Hàng loạt động thái gần đây của Ukraine khiến NATO lo ngại khối này sẽ bị “sa lầy” vào cuộc chiến với Nga khi để Kiev gia nhâp liên minh cùng với những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra đối với phần còn lại của thế giới. Không chỉ dừng lại ở đấy, chính quyền Ukraine vẫn tiếp tục thách thức Nga khi cho phép một tàu chở hàng rời cảng Odessa (Ukraine), hôm 16/8, qua hành lang hàng hải mới do Kiev thiết lập bất chấp việc thỏa thuận ngũ cốc biển Đen đã hết hạn và phía Nga đe dọa sẽ tấn công bất kỳ tàu nào đến hoặc đi từ các cảng của Ukraine. Động thái này cho thấy phía Tổng thống Volodymyr Zelensky vẫn còn nhiều tham vọng trước khi muốn ngồi vào bàn đàm phán với Nga để có thể kết thúc cuộc xung đột.

Trước những diễn biến đó, việc NATO đề xuất giải pháp “đổi đất lấy hoà bình” hay “đổi đất lấy tư cách thành viên NATO” là hoàn toàn có thể lý giải được. Khối một mặt lo sợ cuộc xung đột leo thang có thể gây nên một cuộc chiến ở phạm vi châu lục.

Mặt khác, NATO cũng muốn gửi thông điệp tới Ukraine rằng không chỉ có vũ lực mới có thể giải quyết được tình thế này mà vẫn còn các phương thức khác như đàm phán hay thỏa hiệp. Tất nhiên, việc “đổi đất lấy hoà bình” cũng được coi là một biện pháp thăm dò của NATO xem Ukraine đã thực sự quyết tâm gia nhập khối hay chưa và nước này sãn sàng thỏa hiệp đến đâu để có được sự bảo vệ của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương này.  

NATO đang rạn nứt và bế tắc?

Với việc Phần Lan mới được gia nhập NATO hồi tháng 4 vừa qua và Thụy Điển đang hoàn tất hồ sơ để gia nhập sau khi có được sự đồng thuận từ phía Thổ Nhĩ Kỳ, trong thời gian tới, sẽ có ít nhất 8 nước của khối liên quan trực tiếp đến Nga và trong đó ít nhất 5 nước có đường biên giới giáp với Nga. Điều này cho thấy chính sách đông tiến của NATO ngày càng gây sức ép đến Nga và buộc nước này phải có những hành động đáp trả.

Hàng loạt cuộc tập trận của Nga trong thời gian gần đây ở biển Đen và biển Baltic hay một loạt diễn biến tại khu vực biên giới Ba Lan. Thậm chí là các chính sách đối ngoại của Nga cũng ngày càng trở nên “cứng rắn” hơn. Cuộc xung đột Nga-Ukraine cũng phần nào minh chứng cho chính sách đối ngoại này.

Các thành viên của NATO lo ngại về khả năng can thiệp quân sự từ phía Nga có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Việc đưa ra giải pháp “đổi đất lấy hoà bình” cho thấy một hướng đi mới trong chính sách đối thoại với Nga của NATO. Khối cũng bắt đầu trở nên uyển chuyển hơn trong cách trả lời những vấn đề nhạy cảm. Và quan trọng hơn là thông qua gợi ý này, NATO cho thấy dần mất kiên nhẫn với Ukraine sau khi hàng loạt gói viện trợ trị giá hàng chục tỉ euro được trao cho nước này nhưng kết quả đổi lại là không mấy khả quan, hay ít nhất là không như NATO mong đợi.

Tuy nhiên,  đây nhiều khả năng chỉ là một chiêu thăm dò của NATO. Ngoài việc nhắc nhở các bên trong cuộc xung đột Nga – Ukraine rằng vẫn còn giải pháp đàm phán và thỏa hiệp. Việc “đổi đất lấy hoà bình” còn có mục đích tìm hiểu ý định và hướng đi sắp tới của Nga trong cuộc xung đột Nga – Ukraine cũng như với các nước thành viên NATO trong thời gian sắp tới.

Những kịch bản nào có thể xảy ra?

Trong trường hợp ý tưởng “đổi đất lấy hoà bình” hay “đổi đất lấy tư cách thành viên NATO” được đưa vào vòng đàm phán, thì nhiều khả năng NATO cũng như Ukraine sẽ mất quyền chủ động trong việc quyết định hướng đi của cuộc xung đột Nga – Ukraine. Lúc ấy, Nga sẽ hoàn toàn có quyền quyết định về việc có tiếp tục xung đột hay đàm phán hòa giải, và hòa giải như thế nào. Bao nhiêu đất là đủ ? Cần thêm những điều kiện nào… Thậm chí việc Nga có chịu ngồi vào bàn thỏa hiệp hay không cũng là một dấu chấm hỏi. Và nhiều khả năng NATO cũng như Ukraine sẽ không đồng ý với tình huống bị mất quyền chủ động này.

Cũng có thể giả định trường hợp Nga chấp nhận đàm phán, kết thúc cuộc xung đột Nga – Ukraine. Khi đó, NATO sẽ nhanh chóng sát nhập Ukraine vào khối. NATO sẽ có thời gian để củng cố và gia tăng phòng thủ cho các nước thành viên, cũng như xây dựng các căn cứ quân sự mới gần Nga hơn.

Chính quyền của Tổng thống Putin sẽ đứng trước nguy cơ có thêm hàng loạt thiết bị quân sự được đặt trước cửa biên giới của mình và rơi vào thế chân tường, luôn phải sống trong sự lo lắng về nguy cơ xảy ra chiến sự bất cứ lúc nào nếu không nhượng bộ hay thỏa hiệp với NATO. Nhìn một cách tổng thể, với phương án này, Nga mất nhiều hơn được. Việc không đàm phán hay thỏa hiệp sẽ đem lại quyền chủ động cũng như nhiều lợi ích hơn cho nước này.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống