NATO nghiên cứu phát triển máy bay trực thăng thế hệ tiếp theo

 

Dự án Tầm nhìn cao do NSPA quản lý, hiện đang hợp tác với các quốc gia gồm Canada, Pháp, Đức, Hy Lạp, Italy, Hà Lan và Vương quốc Anh, nhằm thiết kế, phát triển và cung cấp trực thăng đa năng hạng trung trong tương lai. NSPA đã trao hợp đồng nghiên cứu kéo dài 13 tháng cho các doanh nghiệp Airbus, Leonardo và Sikorsky (thuộc Lockheed Martin), nhằm phát triển khái niệm máy bay thế hệ tiếp theo, gọi là NGRC (Next-Generation Rotorcraft Capability).       

Phát biểu trước hội nghị Trực thăng Quân sự Quốc tế vào tháng 2/2025, Giám đốc chương trình NGRC tại NSPA cho biết, mục tiêu là đưa chiếc máy bay đầu tiên vào biên chế vào năm 2038. Ông cũng nhấn mạnh rằng, chi phí mỗi chiếc trực thăng thuộc dự án NGRC sẽ dao động khoảng 35 triệu euro, trong đó khả năng chi trả là yếu tố quan trọng được cân nhắc. Chi phí này được xem là một yếu tố quan trọng, bởi khả năng chi trả là một trong những tiêu chí cơ bản trong quyết định lựa chọn giải pháp.

Việc phát triển máy bay thế hệ mới nhằm thay thế các trực thăng hiện có, dự kiến sẽ hết niên hạn sử dụng vào giai đoạn 2035-2040. Nguyên nhân của sự thay thế này là do sự thay đổi về yêu cầu tác chiến và nhu cầu nâng cấp các công nghệ, phương thức sản xuất mới. NATO nhấn mạnh mục tiêu của dự án là tạo ra một giải pháp kịp thời và hiệu quả về chi phí, đồng thời tận dụng tối đa các thành tựu mới trong lĩnh vực công nghệ, vật liệu và quy trình sản xuất.

Máy bay NGRC dự kiến sẽ có khả năng thực hiện một loạt nhiệm vụ đa dạng, bao gồm tấn công trên không, vận chuyển chiến thuật, cứu hộ, tác chiến chống tàu ngầm, tác chiến chống tàu mặt nước, hỗ trợ lực lượng đặc biệt, vận chuyển hàng hóa, và hỗ trợ nhân đạo.

Các yêu cầu kỹ thuật cụ thể bao gồm tầm bay tối thiểu 1.650 km, thời gian bay trên 5 giờ (với khả năng kéo dài lên tới 8 giờ nếu trang bị thêm thùng nhiên liệu phụ), và trọng lượng cất cánh tối đa từ 10-17 tấn. Ngoài ra, máy bay cần có khả năng chở tối đa 16 binh sĩ hoặc thiết bị nhiệm vụ, với khả năng mang tải trọng hơn 4 tấn, trong đó ít nhất 2,5 tấn có thể mang bên trong thân máy bay. Đặc biệt, NGRC cũng phải có khả năng hoạt động như một phương tiện không người lái tùy chọn (optionally manned), đồng thời sử dụng khung thân chung cho các phiên bản trên bộ và trên biển.

Một trong những điểm đáng chú ý là tốc độ bay của máy bay NGRC được yêu cầu tối ưu đạt từ 333 km/h đến 407 km/h. Mặc dù tốc độ này không nhanh bằng các dự án máy bay tấn công tầm xa khác như FLRAA của Quân đội Mỹ, nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu vận hành linh hoạt và nhanh chóng trong các nhiệm vụ chiến thuật.

Các loại trực thăng hiện đang phục vụ trong quân đội các quốc gia NATO mà NGRC dự kiến thay thế bao gồm Airbus Super Puma, Leonardo AW101, NH90 và Sikorsky Black Hawk. Mặc dù trực thăng UH-60 Black Hawk vẫn tiếp tục được sản xuất và sử dụng trong nhiều năm tới, nhưng các phiên bản cũ hơn của loại máy bay này có thể sẽ bị thay thế bởi những nền tảng mới hơn trong tương lai.

Vương quốc Anh, với những khó khăn trong việc triển khai chương trình thay thế trực thăng Puma HC2 cũ kỹ, cũng tỏ ra quan tâm đến nỗ lực NGRC. Chương trình này đã bị trì hoãn nhiều lần, và hiện tại, dự án đang phụ thuộc vào một nhà thầu duy nhất là Leonardo Helicopters UK, với dòng AW149.

Giải pháp cho chương trình này là Bell Textron V-280 Valor, được lựa chọn vào tháng 12/2022. Máy bay này có tốc độ bay dự kiến là 519 km/h và tốc độ tối đa vượt quá 556 km/h. Ngày 29/2/2024, Leonardo thông báo rằng họ đã ký Biên bản ghi nhớ với công ty Bell Textron của Mỹ để đánh giá các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực công nghệ rotor nghiêng. Nỗ lực hợp tác này bắt đầu một cách nghiêm túc với công việc về Nghiên cứu khái niệm NGRC, trong đó Leonardo đang dẫn đầu về đề xuất thiết kế rotor nghiêng với sự hỗ trợ của Bell.

Do đó, nhóm Leonardo/Bell kết hợp kinh nghiệm của Bell với rotor nghiêng V-280 Valor, được chọn làm nền tảng FLRAA của Quân đội Mỹ tháng 12/2022 và kinh nghiệm của Leonardo trong việc phát triển rotor nghiêng AW609.

Liên minh công nghiệp NGRC do Leonardo đứng đầu bao gồm các đối tác lớn như General Electric, Hensoldt, Leonardo DRS, MBDA Italy, NLR, Rolls-Royce và Safran, tất cả đều đang tập trung vào việc phát triển các công nghệ tiên tiến nhất cho trực thăng chiến thuật thế hệ mới.

Những bài học từ dự án NH90, một trong những chương trình trực thăng quân sự lớn nhất ở châu Âu, cũng sẽ là cơ sở quan trọng giúp NGRC tránh được những vấn đề kỹ thuật và logistic mà NH90 đã gặp phải.

Mặc dù NH90 hiện là dự án trực thăng quân sự lớn nhất ở châu Âu, cung cấp khoảng 600 chiếc cho 14 quốc gia, nhưng chương trình này gặp phải không ít vấn đề kỹ thuật, chậm trễ giao hàng, bảo trì khó khăn và tỷ lệ khả dụng thấp. NH90 là một trong những loại trực thăng mà NGRC đang hướng tới thay thế. Hai quốc gia sử dụng NH90 - Australia và Na Uy - đã ngừng sử dụng đội bay của họ, và Thụy Điển cũng đã công bố kế hoạch loại bỏ NH90. Mục tiêu của NGRC là tránh được những vấn đề của chương trình NH90 trong khi phát triển một loại trực thăng cải tiến, phù hợp với môi trường chiến đấu của thế kỷ 21.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống