Tướng Oleg Salyukov Tư lệnh lục quân Nga cho biết, xe tăng T-90M hoạt động trong khu vực xung đột ở Ukraine đã được trang bị những quả đạn 3VOF128 Telnik có sức nổ cao, sự bổ sung này là một phần trong chiến lược tác chiến của Nga nhằm vô hiệu hoá lực lượng bộ binh Ukraine.
Được gọi là đạn nổ mảnh hoặc đạn phân mảnh, những quả đạn 3VOF128 Telnik có tính năng đặc biệt là khả năng tấn công quân địch bằng một loạt đạn con đã được chuẩn bị sẵn sau khi đạn mẹ phát nổ trên không.
Tướng Salyukov phát biểu trên tờ báo Krasnaya Zvezda rằng, “để tăng cường hiệu quả trong việc chống lại bộ binh của đối phương, xe tăng T-90M đã được trang bị loại đạn nổ mạnh Telnik mới. Những quả đạn này chứa đạn con và được lập trình để có thể phát nổ trên không tại một điểm đã xác định trước, dọc theo quỹ đạo bay của viên đạn”.
Những gì chúng ta biết về 3VOF128 Telnik
Xe tăng T-90M Proryv được đánh giá là phương tiện chiến đấu hiệu quả trên chiến trường Ukraine. Các chuyên gia quân sự cho rằng, chiếc xe tăng này sẽ được bổ sung thêm nhiều khả năng nhờ thiết kế mang tính mở của nó, đáng chú ý nhất là việc có thể tích hợp loại đạn nổ 3VOF128 Telnik.
T-90 có một quy trình phức tạp để triển khai sử dụng loại đạn 3VOF128 Telnik. Cụ thể, một máy tính đạn đạo trên xe tăng được thiết kế riêng cho việc tính toán và khai hỏa loại đạn mới này, một bộ phận cung cấp thông tin về đạn dược, một thiết bị kết nối và cuối cùng là nạp vào khẩu pháo chính 125 mm.
Đạn 3VOF128 Telnik thực chất là một loại đạn phân mảnh, được thiết kế để phát nổ giữa không trung dọc theo quỹ đạo bay của viên đạn và khi phát nổ nó sẽ bắn ra nhiều đạn con bao phủ một diện tích rộng.
Khả năng sát thương của đạn 3VOF128 Telnik khi được thử nghiệm là rất đáng kinh ngạc. Nó được cho là có hiệu quả gấp 6-8 lần so với đạn phân mảnh có sức nổ cao 3OF26 thông thường.
Tác dụng của 3VOF128 Telnik
Phạm vi sát thương của các mảnh vỡ sau khi phát nổ cũng tùy thuộc vào thiết kế và độ lớn của đầu đạn. Các kỹ sư Nga cảnh báo, ngay cả những người không nằm trực tiếp trong phạm vi nổ cũng có thể gặp nguy hiểm từ các mảnh đạn pháo. Tốc độ của những mảnh đạn này di chuyển rất nhanh khiến việc trốn tránh hoặc bảo vệ trở nên khó khăn.
Theo các nguồn tin của Nga, loại đạn 3VOF128 Telnik khi phát nổ sẽ làm văng ra 5,4 kg mảnh vụn và các thành phần gây sát thương khác, bao phủ toàn bộ khu vực bị ảnh hưởng bằng theo hình chóp nón.
Không chỉ gây sát thương thông thường
Các chuyên gia Nga cho biết thêm, một trong những đặc điểm nổi bật của việc sử dụng loại đạn 3VOF128 Telnik là khả năng gây ra thiệt hại cả về thể chất và tâm lý đối với các binh sĩ trên chiến trường.
Tính chất bất ngờ và dữ dội của vụ nổ, kết hợp với quỹ đạo khó đoán của các mảnh đạn, có thể tạo ra cảm giác sợ hãi, hoảng loạn cho những người trong khu vực bị ảnh hưởng. Tác động tâm lý có thể kéo dài, dẫn đến rối loạn căng thẳng sau chấn thương và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác.
Hơn nữa, sức công phá do đạn xe tăng gây ra có thể làm mất tinh thần đối với cả quân nhân và dân thường, bởi vì nó thể hiện sức mạnh hủy diệt và sự tinh vi của những vũ khí hiện đại.
T-90M bắn tên lửa dẫn đường
Bên cạnh đạn 3VOF128 Telnik, xe tăng T-90M của Nga còn có khả năng bắn nhiều loại tên lửa dẫn đường, giúp tăng cường đáng kể khả năng chiến đấu. Một trong những tên lửa được sử dụng phổ biến nhất là tên lửa chống tăng 9M119 Refleks (AT-Sniper).
Tên lửa chống tăng 9M119 Refleks sử dụng hệ thống dẫn đường bằng tia laser, cho phép bắn trúng những mục tiêu cố định ở khoảng cách xa một cách chính xác. Bên cạnh đó, với tầm bắn lên tới 5 km và được thiết kế để xuyên thủng các mục tiêu bọc thép dày, 9M119 Refleks được xem là loại tên lửa nguy hiểm trên chiến trường.
Một loại đạn tên lửa dẫn đường khác mà xe tăng T-90M có thể tích hợp là tên lửa 9M119M Refleks-M (AT-11B Sniper-B). Đây là phiên bản nâng cấp của tên lửa Refleks có tầm bắn lên tới 6 km, có khả năng xuyên qua những lớp giáp cải tiến, tên lửa này thực sự là mối đe dọa đối với các phương tiện chiến đấu của phương Tây.
Bên cạnh hai loại đạn tên lửa dẫn đường trên, xe tăng T-90M còn có thể phóng tên lửa 9M119 Svir (AT-11C Sniper-C). Tên lửa này được thiết kế đặc biệt để tấn công các máy bay trực thăng và máy bay bay thấp, tầm bắn lên tới 10 km và sử dụng hệ thống dẫn đường chỉ huy theo đường ngắm bán tự động, cho phép người điều khiển dẫn đường tên lửa tới mục tiêu bằng cần điều khiển.
Một phiên bản khác của 9M119 mà xe tăng T-90M cũng có thể sử dụng đó là đạn tên lửa dẫn đường 9M119M1 Invar-M (AT-11 Sniper-BM). Tên lửa này có tầm bắn 5 km và chủ yếu được sử dụng để chống lại các mục tiêu bọc thép, với đầu đạn song song cho phép xuyên thủng các hệ thống giáp phản ứng nổ trên xe tăng hiện đại. Tên lửa Invar-M cũng sử dụng hệ thống dẫn đường bằng tia laser để nhắm mục tiêu chính xác.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống