Với yêu cầu phải thay thế nhanh số xe tăng tổn thất trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine, cũng như nâng cao khả năng sống sót của các dòng xe tăng lỗi thời - quân đội Nga đang tái sử dụng số lượng lớn T-62 cho chiến dịch quân sự đặc biệt.
Một trong điểm chính của gói nâng cấp đang được quân đội Nga thực hiện trên các dòng xe tăng hiện tại đều tập trung vào hệ thống giáp bảo vệ, xe tăng T-62 cũng không ngoại lệ.
Theo Forbes, một bức ảnh về xe tăng T-62MV của Nga đang tham chiến ở Ukraine được đăng tải mới đây cho thấy biến thể nâng cấp của dòng tăng hạng trung này với hệ thống giáp phản ứng nổ trên tháp pháo, giống như xe tăng chiến đấu chủ lực T-90M.
T-90, một trong những mẫu xe tăng hiện đại nhất trong biên chế quân đội Nga hiện nay, sử dụng giáp phản ứng nổ Kontakt-5. Biến thể nâng cấp T-90M được gắn giáp Relikt, có thể giảm 50% khả năng xuyên phá của đạn thanh xuyên tách vỏ dưới cỡ (APFSDS) hoặc đầu đạn chống tăng nổ lõm (HEAT) liều kép.
Chiếc T-62 này có thể còn được trang bị kính ngắm Sosna-U hoặc sản phẩm nội địa PNM-T, hệ thống phóng lựu đạn khói ngụy trang như T-90M và một số thiết bị hiện đại khác.
Cũng từ bức ảnh trên, chuyên gia quân sự của Forbes David Axe nhận định, với giáp phản ứng nổ mới cùng kính ngắm hiện đại dành cho xạ thủ vận hành pháo chính 115 mm, có thể coi đây là chiếc T-62 được nâng cấp toàn diện nhất.
Tuy nhiên theo các chuyên gia quân sự của Forbes, việc trang bị giáp phản ứng nổ cho T-62 sẽ ảnh hưởng đến khả năng cơ động của mẫu xe tăng này. Lớp giáp phản ứng nổ mới nặng khoảng ba tấn, khiến chiếc T-62MV có trọng lượng vượt 45 tấn và trở nên nặng nề hơn trên chiến trường. Chưa rõ Nga có thay động cơ mới cho mẫu xe tăng này để tăng khả năng cơ động hay không.
Dù vậy việc trang bị giáp phản ứng nổ về cơ bản giúp tăng gấp đôi khả năng bảo vệ của xe tăng T-62MV trước các loại đạn, tên lửa chống tăng.
Theo biên tập viên Axe, khả năng cơ động là điều quan trọng trong chiến thuật tấn công chớp nhoáng của xe tăng mà cả Nga và Ukraine đều sử dụng.
"Xe tăng do phương Tây sản xuất như M1A1 và Leopard 2 có lợi thế vì chúng có bộ truyền động tốt và có tốc độ lùi nhanh, không cần mất đến vài chục giây để quay đầu thoát khỏi vùng hỏa lực", Axe cho biết.
Ngược lại, hầu hết xe tăng kiểu Liên Xô đều có số lùi cực kỳ chậm và điều này có thể khiến tổ lái của những chiếc xe tăng này thiệt mạng trong một cuộc đột kích mà mỗi giây đều quan trọng. Một chiếc T-62 không có ba tấn giáp bảo vệ có thể lùi với tốc độ 8 km/h, trong khi đó một chiếc M1 Abramskhi chạy lùi có thể đạt tốc độ tối đa 40 km/h.
Xe tăng T-62 được Liên Xô phát triển từ đầu thập niên 1960 để đối phó mẫu FV4201 Chieftain của Anh và M60 Patton Mỹ, thay thế xe tăng hạng trung T-55 trong biên chế. Quá trình sản xuất diễn ra trong giai đoạn 1961-1975, với tổng cộng gần 23.000 chiếc được xuất xưởng.
Đầu thập niên 1980, Liên Xô bắt đầu chương trình hiện đại hóa T-62, với phiên bản T-62M ra mắt năm 1983 trang bị lớp giáp bổ sung mặt trước, giúp nó có khả năng phòng thủ gần tương đương xe tăng chủ lực T-64A và T-72. Tuy nhiên, lớp giáp này không thể chống lại được các vũ khí chống tăng hiện đại ngày nay trên chiến trường Ukraine.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống