Cuộc đua vũ khí mồi nhử
Trong khi xe tăng và vũ khí giả đã được sử dụng từ lâu trong chiến tranh thì "việc Ukraine đứng trước một cuộc đua vũ khí mồi nhử khi xung đột tiếp diễn là điều tất yếu", George Barros, người đứng đầu nhóm tình báo không gian địa lý, đồng thời là một chuyên gia về Nga tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh nhận định.
Tháng trước, một video được quay từ UAV dường như cho thấy các xe tăng T-72 được bơm phồng của Nga xuất hiện trên một cánh đồng. Trước khi được các tài khoản thông tin nguồn mở đăng tải trên mạng xã hội, video trên dường như được đăng lần đầu tiên lên Telegram bởi một nhóm thuộc Lữ đoàn Cơ giới 116 của Ukraine. Nhóm này cảnh báo quân đội Ukraine nên "thận trọng" để "không tiêu tốn đạn dược" một cách không cần thiết vào các mồi nhử.
Trong khi đơn vị này có thể xác định được xe tăng thật và xe tăng giả thì cảnh báo trên Telegram cho thấy họ có thể chưa xác định ngay lập tức liệu có phải tất cả xe tăng đều là thật hay không.
Một phần chức năng của các vũ khí mồi nhử là gây bối rối và đánh lừa đối phương, khiến cho họ tấn công và phá hủy các mục tiêu giả. Điều này sẽ làm hao hụt đạn dược của đối phương hoặc làm lãng phí các UAV tấn công một chiều, gia tăng sức ép lên các lực lượng dự trữ và buộc các nhà máy phải tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu.
Ngoài những xe tăng T-72 giả trong video trên, Nga đã tạo ra những mục tiêu mồi nhử để khiến Ukraine lãng phí đạn dược và có thể cung cấp thông tin về các vị trí của họ. Đây là một yếu tố của chiến thuật “maskirovka” (hay chiến thuật ngụy trang). Đầu năm nay, Ukraine ghi được cảnh tượng các mô hình xe tăng có thể bơm phồng của Nga được triển khai gần Zaporizhzhia. Các lực lượng của Nga cũng triển khai hầu hết các tiêm kích MiG-31 giả, các hệ thống tên lửa S-300 mồi nhử và thậm chí cả các trạm radar được ngụy trang. Đây là chiến thuật được Nga sử dụng từ lâu, thậm chí trước cả khi xung đột ở Ukraine nổ ra.
Sự phát triển của công nghệ đặt ra những thách thức mới
Nhìn chung, các chiến thuật này không phải là mới. Việc sử dụng mồi nhử có từ hàng nghìn năm trước trong nhiều cuộc xung đột. Lấy ví dụ thời hiện đại, các xe tăng làm từ gỗ đã được sử dụng trong Thế chiến I và Thế chiến II hoặc các bệ phóng tên lửa di động Scud giả của Liên Xô được sử dụng trong Chiến tranh vùng Vịnh. Trong cuộc chiến Kosovo vào cuối những năm 1990, các lực lượng của Serbia đã đặt các thùng cát và để nhiên liệu bốc cháy trong các xe tăng giả để đánh lừa đối phương.
Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ đã khiến việc đánh lừa trở nên khó khăn hơn. Các công nghệ hiện đại như UAV trinh sát với camera nhiệt hồng ngoại, đồng nghĩa với việc một bên có thể dễ dàng phát hiện các mục tiêu giả. Việc thiếu vệt xe tăng để lại trên đường là một điều bất thường và đối phương sẽ không mấy khó khăn để biết mục tiêu trước mắt là lựu pháo giả nếu nó được đặt một mình trên cánh đồng thay vì một vị trí khai hỏa thực tế hơn với ít nhất là các thiết bị phòng thủ cơ bản xung quanh.
Cả Nga và Ukraine đều có khả năng chế tạo các hệ thống giả trông giống thật nhưng họ cũng ngày càng cải thiện khả năng phát hiện các mục tiêu giả của đối phương. Những thách thức mới đang khiến các mồi nhử cần được thiết kế tinh vi hơn.
Đã có những ví dụ thực tế về nỗ lực này của cả hai bên. Trong video các xe tăng T-72 giả, dường như 2 trong số những xe tăng này được bố trí gần một khu vực có nhiều bụi cây và được bao phủ trong những vật liệu ngụy trang. Điều này cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng để biến những mồi nhử này trở nên giống thật hơn.
Một công ty của Ukraine đang sản xuất lựu pháo, trạm radar và súng cối giả chất lượng cao nhận định với Wall Street Journal rằng các mẫu được thiết kế tương đối giống thật hiện không có đủ và các xe tăng giả cần được phủ lưới và được bao quanh bởi các chiến hào để tạo ấn tượng chúng là thật.
Gần đây, công ty thép Metinvest của Ukraine đã sao chép các vũ khí được triển khai và hoạt động ở nước này. Trước xung đột, đây là công ty luyện kim lớn nhất của Ukraine, song không tham gia vào sản xuất vũ khí. Trên thực tế, đến nay công ty này vẫn không tham gia vào quá trình trên mà chỉ sản xuất các mô hình vũ khí giống y như thật nhưng không được trang bị hỏa lực và chi phí sản xuất không cao. Theo người phát ngôn của công ty này, hoạt động trên có 2 mục đích: Đó là cứu sống binh lính Ukraine và đánh lừa hỏa lực của Nga, khiến họ lãng phí các UAV cảm tử, đạn pháo và tên lửa đắt đỏ.
Phép thử thực sự hiện nay - biện pháp đo lường thành công của mỗi vũ khí mồi nhử là việc chúng tồn tại bao lâu trên chiến trường. Nếu một thiết kế tồn tại quá lâu, các nhà thiết kế sẽ xem lại bản vẽ và điều chỉnh nó.
"Chúng tôi không tính số lượng mồi nhử mình đã sản xuất mà là số lượng mồi nhử bị phá hủy. Đây là điểm quan trọng. Các mồi nhử càng sớm bị phá hủy, điều đó càng tốt cho chúng tôi", Người phát ngôn công ty Metinvest cho hay.
"Ý tưởng về những mồi nhử ngày càng tinh vi đang được sử dụng để đối phó với các hệ thống vũ khí của đối phương", chuyên gia Barros nhận định.
Với việc sử dụng ngày càng gia tăng UAV và công nghệ cảm biến, cả Nga và Ukraine đều cần khôn ngoan hơn trong cách triển khai các vũ khí mồi nhử trong khi tiến gần đối phương.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống