Nga ngày 10/7 cáo buộc Ukraine sử dụng tên lửa đất đối không tầm xa S-200 có từ thời Chiến tranh Lạnh (mã danh NATO là SA-5 Gammon) để tấn công các mục tiêu trên bộ của Nga. Video về một cuộc tấn công cho thấy tên lửa được cho là S-200 gần như lao thẳng vào mục tiêu ở khu vực Bryansk, phía Tây nước Nga, giáp với Ukraine.
Trong khi Nga sử dụng hệ thống phòng không tiên tiến, sở hữu năng lực tấn công đất đối đất đáng gờm để tấn công những mục tiêu cố định của Ukraine, thì việc Kiev sử dụng những tên lửa S-200 cho công vai trò tấn công mặt đất là điều đáng chú ý.
S-200 từng đóng vai trò xương sống trong lực lượng phòng không tầm xa của Liên Xô và những năm 1990, sau đó Nga đã loại bỏ dần tên lửa này và thay thế bằng các hệ thống tiên tiến hơn như S-300 và S-400. S-200 có tầm bắn từ 150 đến 300km, nhưng nó có thể tiếp cận các mục tiêu cách xa hơn 500km nếu sử dụng tên lửa đạn đạo.
Theo các nhà phân tích, S-200 nếu được sửa đổi có thể cung cấp cho Ukraine khả năng nhắm bắn mục tiêu tương tự như tên lửa đạn đạo tầm ngắn với độ chính xác cao hơn so với phiên bản ban đầu. Về nguyên tắc, tên lửa không đối không và không đối đất có rất nhiều điểm khác biệt nhưng S-200 có một số đặc tính cần thiết giúp nó có thể đảm nhận vai trò tấn công mặt đất.
Liên Xô đưa vào sử dụng hệ thống phòng không S-200 vào cuối những năm 1960, chủ yếu dùng để đối phó máy bay ném bom và máy bay trinh sát của Mỹ. Một tổ hợp S-200 thường có 6 bệ phóng đơn, được tích hợp radar giám sát tầm xa radar tìm kiếm và phát hiện mục tiêu, radar dẫn được cho tên lửa cùng nhiều hệ thống hỗ trợ khác. S-200 dài gần 11m, nặng 7 tấn có khả năng kết nối và chia sẻ dữ liệu với những hệ thống phòng không hiện đại hơn. S-200 được trang bị động cơ chính sử dụng nhiên liệu lỏng và một cụm bốn tầng đẩy sơ tốc sử dụng nhiên liệu rắn. Hệ thống có thể được trang bị đầu đạn thông thường nặng 217 kg hoặc đầu đạn hạt nhân.
Ngoài vụ tấn công tại Bryansk, Nga cũng cáo buộc Ukraine sử dụng tên lửa S-200 nhằm vào căn cứ không quân Morozovsk ở tỉnh Rostov. Có lẽ đáng chú ý nhất là vụ tấn công cầu Kerch – nối lục địa Nga với bán đảo Crimea. Truyền thông Ukraine đưa tin, các lực lượng nước này đã sử dụng tên lửa S-200 tấn công cây cầu.
Trong khi các nguồn tin Nga cho biết, hệ thống phòng không nước này đã bắn hạ ít nhất một tên lửa ngay phía bắc Bán đảo Taman, nơi giáp biển Azov ở phía Bắc, eo biển Kerch ở phía Tây và Biển Đen ở phía Nam. Mảnh vỡ tên lửa được cho là đã bị rơi xuống biển Azov. Không rõ Ukraine có bao nhiêu hệ thống S-200 kể từ khi xung đột nổ ra. Nhưng những tên lửa này chủ yếu sử dụng bệ phóng cố định, không có tính cơ động cao và chỉ phù hợp để đối phó với các mục tiêu trên cao.
Có nguồn tin cho rằng, tính đến năm 2010, Ukraine vẫn có 4 khẩu đội S-200 đang hoạt động. Một số báo cáo khác cho biết, Ukraine đã dừng sử dụng các hệ thống S-200 vào năm 2013. Kiev vẫn có nguồn dự trữ tên lửa này nhưng có thể không còn nhiều. Không loại trừ khả năng Ukraine đã phát triển một số bệ phóng di động, cho phép phóng tên lửa từ nhiều địa điểm khác nhau. Ngoài nguồn dự trữ sẵn có, Ukraine có thể tiếp nhận S-200 từ một số quốc gia khác. Nhiều nước châu Âu tham gia nỗ lực viện trợ quân sự cho Ukraine, chẳng hạn như Bulgaria và Ba Lan đều có tên lửa này.
Việc sử dụng tên lửa đất đối không để tấn công các mục tiêu trên mặt đất không phải là điều mới mẻ. Trong Chiến tranh Lạnh, nhiều bên tham chiến đã sử dụng vũ khí phòng không thực hiện nhiệm vụ này. Ukraine được cho là đã từng sửa đổi các hệ thống vũ khí từ thời Liên Xô thành vũ khí tấn công tầm xa.
Theo các chuyên gia quân sự, S-200 vẫn có khả năng phóng tên lửa đất đối đất, nhưng khả năng này bị hạn chế đáng kể do nó sử dụng bệ phóng cố định. Ưu điểm của hệ thống là có thể mang đầu đạn hạt nhân, giúp bù đắp đáng kể cho việc thiếu chính xác khi tấn công các mục tiêu trên mặt đất.
Tên lửa S-200 sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính và phương pháp dẫn đường chiếu xạ vô tuyến để hiệu chỉnh đường bay; ở pha cuối, tên lửa dùng radar bán chủ động để lao tới mục tiêu và kích nổ đầu đạn. Sự kết hợp giữa hệ thống dẫn đường quán tính và phương pháp chiếu xạ vô tuyến sẽ cung cấp đủ độ chính xác để tấn công các mục tiêu trong một khu vực rộng lớn. Theo các chuyên gia, đầu đạn của tên lửa có thể được sử dụng để tấn công mặt đất nhưng Ukraine cũng có thể thay thế bằng một loại đầu đạn khác phù hợp hơn với vai trò này.
Dù độ chính xác giảm, nhưng việc sử dụng hệ thống S-200 để tấn công các mục tiêu trên mặt đất sẽ cung cấp cho Ukraine lợi thế giống như việc sử dụng tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Đến thời điểm hiện tại Kiev vẫn chưa tiết lộ liệu họ có sử dụng S-200 để tiến hành các cuộc tấn công trên mặt đất hay không. Nếu thực sự Ukraine dùng S-200 trong vai trò này, thì rõ ràng họ đã đạt được một số tiến bộ trong công nghệ tên lửa. Điều đó chắc chắn sẽ khiến Nga phải lưu tâm về mối đe dọa mới.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống