Nguồn gốc của bom xăng tự chế và tên gọi “Molotov Cocktail”

 

Khi Liên Xô chiếm đóng Hungary năm 1956, một thành viên trong chính phủ Hungary đã tuyên bố: “Chừng nào còn chai lọ cũ, xăng và giẻ lau để làm chất nổ, không xe tăng nào của Nga có thể an toàn”. Quan chức này khi đó nói về “Molotov Cocktail”, thứ mà người Hungary sử dụng để phá hủy hàng trăm xe tăng Liên Xô trong suốt cuộc chiến tranh.

Vậy thứ vũ khí thô sơ nhưng có hiệu quả cao khi đối phó xe tăng này có nguồn gốc từ đâu?

Mặc dù cái tên Molotov Cocktail bắt nguồn từ Chiến tranh Mùa Đông giữa Liên Xô và Phần Lan (1939-1940) vào năm 1939, nhưng bom xăng (còn gọi là chai cháy, bom chai) có lịch sử lâu đời hơn thế.  

Loại vũ khí này bao gồm một chai chứa đầy chất lỏng dễ cháy và có gắn bấc để đánh lửa, được sử dụng rất hiệu quả trong các cuộc chiến tranh, cách mạng và bạo loạn kể từ đó.

“Lựu đạn của người nghèo”

Bom xăng được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1922. Khi đó, tổ chức bán quân sự Quân đội Cộng hòa Ireland (IRA) đã sử dụng những chai chứa đầy xăng và parafin làm vũ khí gây cháy nổ.

Bởi vì có một số lo ngại rằng vũ khí này không hiệu quả trước xe bọc thép nên IRA không sử dụng nhiều những quả bom xăng này.

Một loại vũ khí tương tự cũng được sử dụng trong cuộc Nội chiến ở Tây Ban Nha giai đoạn 1936-1939.

Nhờ sự hậu thuẫn của Liên Xô, quân cộng hòa Tây Ban Nha đã có được xe tăng T-26 - một loạt xe tăng hạng nhẹ, nhỏ, rất phù hợp để tác chiến đô thị. Những loại vũ khí thông thường không thể chống lại những chiếc xe tăng hiện đại, vì vậy tướng Francisco Franco lãnh đạo lực lượng chủ nghĩa dân tộc Tây Ban Nha đã ra lệnh sử dụng các thiết bị gây cháy tự chế để đốt lớp cao su bọc bánh xe.

Loại vũ khí tự chế này đã phát huy hiệu. Chúng được sử dụng trong suốt cuộc nội chiến và góp phần mang lại chiến thắng cho phe dân tộc Tây Ban Nha. Nhưng phải đến khi một cuộc xung đột khác nổ ra, những quả đạn đơn giản nhưng mạnh mẽ này mới có tên gọi là Molotov Cocktail và nó được đặt theo tên của Ngoại trưởng Liên Xô.

Nguồn gốc tên gọi Molotov Cocktail

Năm 1938, sau khi Liên Xô và Phần Lan không đạt được kết quả đàm phán về lãnh thổ, đặc biệt là việc Phần Lan không chấp nhận cho Liên Xô thuê cảng Hango vì rủi ro an ninh, Ngoại trưởng Vyacheslav Molotov đại diện Liên Xô đơn phương hủy bỏ Hiệp ước bất khả xâm phạm giữa 2 nước ký năm 1932 và có giá trị trong 10 năm. Mùa đông lạnh giá cuối năm 1939, Hồng quân Liên Xô tràn vào Phần Lan với lý do "quân Phần Lan bắn đại bác" sang lãnh thổ Liên Xô.

Ngày 30/11/1939, Chiến tranh Mùa Đông bắt đầu nổ ra khi quân Liên Xô tràn vào Phần Lan với lý do "quân Phần Lan bắn đại bác" sang lãnh thổ Liên Xô.

Trong cuộc xung đột kéo dài chỉ hơn 3 tháng này, Liên Xô đã thả những quả bom RRAB-3 - một dạng bom chùm tại những nơi mà lực lượng nước này sẽ đi qua để dọn đường trước. Thế nhưng trên đài phát thanh nhà nước Liên Xô, Ngoại trưởng Liên Xô Molotov lại giải thích rằng việc ném bom này thực ra là thả hàng viện trợ nhân đạo, không giống như cáo buộc của người Phần Lan.

Người Phần Lan đã chế giễu gọi những quả bom chùm RRAB-3 là “Giỏ bánh mì Molotov” hay “Giỏ đồ ăn dã ngoại Molotov” và tuyên bố đáp trả bằng “Molotov Cocktail”.

Giống như bom chai được người Ireland và Tây Ban Nha sử dụng, Molotov Cocktail của Phần Lan là một hỗn hợp gồm xăng, ethanol, và hắc ín được đóng vào chai thủy tinh. Những que diêm dài và dày được buộc vào thành chai để binh lính có thể dễ dàng châm lửa. Người Phần Lan đôi khi cũng cho thêm cả nhựa đường, chất này có thể tạo ra một lượng khói lớn.

Nhà sử học người Mỹ William R. Trotter từng nói về loại vũ khí này trong cuốn sách Frozen Hell (2000) của ông. Ông giải thích rằng người Phần Lan nhận ra rằng bom chai hiệu quả nhất được chế từ vỏ chai vodka 1 lít sản xuất tại Nhà máy chưng cất ở Rajamäki. Kết quả là, hàng nghìn chai đã được sản xuất ở đó để chế tạo vũ khí.

“Phiên bản Phần Lan… khá mạnh mẽ, bao gồm hỗn hợp xăng, dầu hỏa, hắc ín và clorua kali, được đốt cháy không phải bằng giẻ rửa chén mà bằng một ống axit sulfuric dán vào cổ chai”, ông Trotter mô tả.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống