Gần đây, nhà thầu quốc phòng Rheinmetall của Đức công bố một thỏa thuận trị giá hàng triệu USD để cung cấp cho 3 UGV Mission Master SP vào tháng 1-2025, còn hãng chế tạo Milrem Robotics có trụ sở tại Estonia cho biết sẽ bàn giao 3 UGV THeMIS trong năm tài chính 2024 để phục vụ các hoạt động thử nghiệm bởi Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản (JGSDF). Đồng thời, JGSDF cũng tiếp nhận “chó robot” Vision 60 do công ty Ghost Robotics của Mỹ phát triển. Chương trình xây dựng quốc phòng (DBP) của Nhật Bản cũng xác định yêu cầu kết hợp hiệu quả giữa UGV và máy bay không người lái (UAV) nhằm tăng cường khả năng tác chiến và bảo vệ các đơn vị đồn trú, căn cứ quân sự hay những cơ sở quan trọng khác trong thời gian tới.
Quân đội Nhật Bản thử nghiệm “chó robot” Vision 60. Ảnh: JASDF |
Theo Defense News, Mission Master SP được thiết kế nhỏ gọn, có thể linh hoạt thực hiện vận chuyển hàng hóa, giám sát, thậm chí đóng vai trò là trạm vũ khí điều khiển từ xa. Vision 60 phù hợp cho các nhiệm vụ kiểm tra, trinh sát, lập bản đồ, chuyển tiếp liên lạc. Trong khi Mission Master SP và Vision 60 là những gương mặt mới trên thị trường thì THeMIS đã được sử dụng tại 16 quốc gia trên thế giới, với chức năng trinh sát, xác định mục tiêu, xử lý vật liệu nổ, cứu hộ, vận chuyển hàng hóa và binh sĩ bị thương. Đáng chú ý, cả 3 hệ thống này đều có thể trang bị vũ khí để chi viện hỏa lực khi cần thiết. “Chúng tôi sẽ lần lượt xác minh hiệu suất cũng như tính năng của các UGV này trong từng điều kiện cụ thể”, Defense News dẫn lời một người phát ngôn của Cơ quan Trang bị, công nghệ và hậu cần (ATLA) thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết.
Một trong những lý do Nhật Bản tích cực đầu tư vào UGV xuất phát từ thực tế nước này bị đánh giá là đang tụt hậu so với nhiều quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, Nga, Hàn Quốc, Israel... trong việc nghiên cứu, phát triển, triển khai với số lượng lớn hệ thống này trong tập trận và thực tế chiến đấu.
Mặt khác, việc triển khai UGV sẽ giúp giảm bớt gánh nặng về con người cho quân đội, cho phép họ tập trung vào lập kế hoạch chiến lược hay các nhiệm vụ cấp cao hơn và “nhường” những nhiệm vụ lặp đi lặp lại hoặc nguy hiểm cho UGV. Điều này càng có ý nghĩa đối với Nhật Bản-quốc gia dựa vào nghĩa vụ quân sự tự nguyện. Theo đó, trong bối cảnh xứ mặt trời mọc đã trở thành một xã hội “siêu già” vì tỷ lệ sinh thấp kỷ lục và kéo dài, lực lượng vũ trang nước này đang đứng trước nguy cơ sẽ suy yếu do vấn đề thiếu nhân sự. The Japan Times nêu rõ, bất chấp việc Tokyo đã nâng độ tuổi tối đa cho các tân binh từ 26 lên 32 vào năm 2018, số lượng người đăng ký phục vụ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) luôn thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đề ra. Lần gần nhất quân đội Nhật Bản đạt chỉ tiêu tuyển quân là năm 2013.
Với những thành tựu về trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa và các công nghệ khác, trong lĩnh vực quân sự ngày càng xuất hiện nhiều phương tiện không người lái nói chung để dần đóng vai trò then chốt trong các hoạt động chiến lược. Trong số đó, UGV cũng hứa hẹn sẽ là một phân khúc quan trọng. Theo thống kê của hãng tư vấn Fortune Business Insights (Ấn Độ), quy mô thị trường UGV toàn cầu ước tính khoảng 3,1 tỷ USD năm 2023 và dự kiến đạt 6,4 tỷ USD vào năm 2032 với tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm là 8,6%.
VĂN HIẾU
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống