Bộ đôi Iskander và Kinzhal, cùng với tên lửa hành trình phóng từ trên không Kh-101 (ALCM), tên lửa hành trình phóng từ biển Kalibr và máy bay không người lái cảm tử Geranium-2 (Geran-2), là trụ cột trong các cuộc tấn công tầm xa của Nga vào các thành phố của Ukraine cũng như các mục tiêu chiến trường.
Chúng nhắm vào mục tiêu như các trung tâm “ra quyết định”; kho đạn dược và vũ khí; các trung tâm vận chuyển đưa vũ khí vào Ukraine hay hệ thống cung cấp điện…
Ở tiền tuyến, chúng tấn công các trung tâm chỉ huy và kiểm soát, nơi tập trung quân cũng như vũ khí và nơi đặt tổ hợp phòng của Ukraine.
Nga đang cải tiến tên lửa Iskander và Kinzhal
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu gần đây đã đề xuất cải thiện “đặc tính hiệu suất” của tên lửa Iskander và Kinzhal trong chuyến thăm Cục Thiết kế Kỹ thuật Cơ khí ở Kolomna.
Izvestia dẫn lời ông Shoigu cho hay: “Các hệ thống tên lửa Iskander và Kinzhal cần phải được sửa đổi dựa trên kinh nghiệm sử dụng chúng ở Quân khu phía Bắc”.
Chuyên gia quân sự Dmitry Kornev đã nêu những thay đổi và điều chỉnh tiềm tàng mà các nhà khoa học quốc phòng Nga có thể thực hiện đối với 2 loại tên lửa nói trên. Theo ông, những thay đổi này liên quan đến đặc điểm bay và khả năng xuyên thủng lá chắn phòng thủ của đối phương cũng như tăng thêm loại máy bay có thể triển khai chúng.
Hiện nay, tên lửa Kh-47M2 Kinzhal có thể được triển khai trên các biến thể máy bay đánh chặn MiG-31K và MiG-31I.
Gần đây, tiêm kích-ném bom Su-34 cũng đã được sử dụng để phóng tên lửa siêu thanh Kinzhal trong khuôn khổ chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Tuy nhiên, sự kết hợp này làm giảm hiệu quả của tên lửa do nó được phóng từ máy bay Su-34 có tốc độ chậm hơn so với MiG-31K.
Iskander-M và Kinzhal có chung một số đặc điểm về hiệu suất động học. Kinzhal có thể được đánh giá là tên lửa Iskander-M trừ tầng đầu tiên. Điều này có nghĩa là Iskander hai giai đoạn bay rất giống Kinzhal sau khi thả tầng đẩy giai đoạn đầu.
Cả hai tên lửa đều không đi theo quỹ đạo “đạn đạo” hình parabol cổ điển, điều này khiến các radar phòng không khó có thể tính toán hoặc dự đoán vị trí của chúng dựa trên tốc độ và độ cao của tên lửa ở thời điểm phát hiện.
Iskander bay theo quỹ đạo bán đạn đạo, tức là bay như tên lửa hành trình và đạt tốc độ Mach 4. Điều này khiến nó khó bị đánh chặn.
Tên lửa siêu thanh Kinzhal có tốc độ cao hơn và phòng không đối phương chỉ có thể phát hiện ra nó ở giai đoạn cuối khi tên lửa đã khóa mục tiêu. Kết hợp với khả năng đổi hướng giữa hành trình trong giai đoạn dẫn đường, việc đánh chặn Kinzhal gần như bất khả thi.
Ukraine đã nhiều lần tuyên bố đã đánh chặn tên lửa Kinzhal nhưng cho đến nay Kiev vẫn chưa đưa ra bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào.
Tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M
Tên lửa “tác chiến-chiến thuật” 9K720 Iskander-M, có tầm bắn từ 150-500 km, được đưa vào biên chế năm 2006. Nga tiến hành trang bị tên lửa Iskander-M trên quy mô lớn cho tất cả các lữ đoàn tên lửa trong giai đoạn 2010-2011. Đến năm 2020, tất cả các đơn vị đều đã nhận được tên lửa Iskander-M.
Iskander-M có 2 biến thể hoàn toàn khác nhau về hình dạng và khả năng: tên lửa đạn đạo 9M723 và tên lửa hành trình 9M728. Nga được cho là sử dụng biến thể 9M728 khi thực hiện các cuộc tập kích vào Ukraine, kết hợp với tên lửa Kh-101 và UAV Geran.
Với việc cả Mỹ và Nga đều đã rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), tầm bắn của Iskander có thể được tăng lên chứ không chỉ giới hạn ở mức 500km hiện tại.
“Nếu tính đến những tiến bộ mới nhất về nhiên liệu rắn hỗn hợp, hoàn toàn có thể lắp động cơ mới cho 9M723, giúp nó có tầm bắn 1.000 km trong khi vẫn duy trì khối lượng đầu đạn ít nhất 500 kg. Nhiều khả năng Nga đã bắt đầu cải tiến tên lửa theo hướng này”, ông Kornev nói.
Tên lửa siêu thanh Kinzhal
Tên lửa Kh-47M2 Kinzhal có thể mang nhiều loại đầu đạn khác nhau. Đứng đầu trong số đó là đầu đạn có sức xuyên phá cao (được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu kiên cố và được bảo vệ nghiêm ngặt. Nó có thể xuyên thủng sàn bê tông và bắn trúng mục tiêu dưới lớp đất dày.
Mục tiêu mà tên lửa này tấn công ở Ukraine vào ngày 18/3/2022 là một nhà kho ngầm lớn thời Liên Xô ở làng Delyatyn thuộc vùng Ivano-Frankivsk, được xây dựng vào năm 1955.
Tên lửa có tầm bắn 2.000 km này còn có thể mang đầu đạn nổ phân mảnh thông thường nặng 482 kg hoặc đầu đạn chùm có thể phóng ra 54 quả bom con ở độ cao 900 đến 1.400 mét, phát nổ ở độ cao khoảng 10 mét.
Nga có thể cải tiến một đầu đạn nặng hơn với sức công phá lớn hơn để sử dụng trong cuộc tấn công phi hạt nhân. Đầu đạn này có thể nặng tới 800kg hoặc hơn. Nhờ động cơ mới, tầm bắn của Iskander-M vẫn được giữ nguyên ở phạm vi 500 km trong khi sức nổ tăng gấp đôi. Theo Kornev, đây sẽ là một sự hiện đại hóa hoàn toàn hợp lý.
Một hướng phát triển được công bố rộng rãi đối với Kinzhal là khiến nó tương thích với máy bay tầm xa Tu-22M3M và Tu-160M.
“Với sự kết hợp này, Nga có thể thực hiện các cuộc tấn công quy mô lớn hơn bằng tên lửa siêu thanh phóng vào nhiều mục tiêu đồng thời và từ các hướng khác nhau”.
Kinzhal được tạo ra trên cơ sở và sử dụng các giải pháp công nghệ của 9M723 Iskander-M. Tầm hoạt động 2.000 km cho phép nó tấn công bất kỳ mục tiêu nào trên lục địa châu Âu chỉ trong vài phút, với tốc độ bay tối đa đạt Mach 10 (gấp 10 lần tốc độ âm thanh).
Những tên lửa này cũng có thể sử dụng mồi nhử để đánh lạc hướng hệ thống phòng không đối phương. Công nghệ này đã được Nga sử dụng ở Ukraine. Theo EurAsian Times tên lửa Kh-101 đã nhả mồi bẫy khi bay tầm thấp trong quá trình tấn công vào mục tiêu ở Ukraine.
Tên lửa thông minh có thể liên lạc với nhau
Ông Kornev cho rằng Nga có thể phát triển phần mềm để tên lửa Iskander và Kinzhal có thể tự động liên lạc với nhau. Tuy nhiên, đây được xem là một mục tiêu đầy tham vọng.
“Các nhóm tên lửa Iskander và Kinzhal có thể phối hợp để giải quyết các mục tiêu phức tạp bằng cách tiến hành một cuộc tấn công theo mô hình giống như bầy đàn. Trình độ phát triển công nghệ hiện nay tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc tấn công tên lửa phức tạp đến mức các hệ thống phòng thủ hiện tại không thể chống trả được”, ông Kornev nêu ý kiến.
Công nghệ như vậy cũng sẽ đơn giản hóa đáng kể trình tự phóng và giảm bớt các quy trình theo dõi mục tiêu đầy căng thẳng và khó chịu đối với kíp vận hành.
“Mặc dù ngày nay điều này có vẻ tham vọng, nhưng chúng ta có thể chứng kiến nó trở thành hiện thực trong tương lai”, ông Kornev nhận định.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống