Nhiều quốc gia có truyền thống xây dựng những công trình phòng thủ để bảo vệ mình khỏi sự tấn công từ bên ngoài, hoặc nhằm ngăn cản bước tiến của đối phương. Theo thời gian, các công trình này không còn hữu dụng vì quân đội ngày càng trở nên cơ động và có thể tìm cách để hóa giải chúng. Trong suốt lịch sử chiến tranh của nhân loại, đã có nhiều công trình phòng thủ được xây dựng, trong đó một số công trình rất kỳ lạ và gây ấn tượng với mọi người.
Phòng tuyến nước Hà Lan
Hà Lan là quốc gia chịu rất nhiều ảnh hưởng bởi biển. Quốc gia này từ lâu đã giữ khoảng cách với đại dương bằng hàng loạt đê, tường và các rào cản khác. Đáng chú ý, khoảng 17% diện tích Hà Lan là đất được cải tạo từ việc lấp Biển Bắc, 26% diện tích lãnh thổ của Hà Lan nằm dưới mực nước biển và sẽ rất nguy hiểm nếu như không có những biện pháp bảo vệ trước những con sóng biển.
Vào thế kỷ 17, người Hà Lan lên kế hoạch cải tạo đại dương để tạo ra những rào cản bất khả xâm phạm. Năm 1629, Hoàng tử Frederick Henry bắt đầu xây dựng Phòng tuyến nước Hà Lan, một công trình phòng thủ dài 224 dặm bao gồm các ngôi làng kiên cố hoặc pháo đài được quy hoạch xung quanh vùng ngập nước.
Hệ thống này cũng đã góp phần không nhỏ trong việc ngăn chặn Quân đội Pháp trong Chiến tranh Pháp - Hà Lan 1672-1678. Tuy nhiên, đến thế kỷ 20, hệ thống này đã lỗi thời, nó quá dễ bị tấn công bởi bom máy bay và đạn pháo hiện đại.
Vạn Lý Trường Thành
Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc là dự án nhân tạo lớn nhất trên Trái đất. Là một bức tường kiên cố được làm từ đá và đất, Vạn Lý Trường Thành trải dài từ vùng sa mạc Gobi đến Thái Bình Dương. Vạn Lý Trường Thành thực chất là một loạt các bức tường nối với nhau có tổng chiều dài 23.171 km, được xây dựng, trùng tu theo từng đợt dưới các triều đại phong kiến Trung Quốc. Mỗi phần có chiều cao trung bình là 5-8m và chiều rộng 4-5m; nó bao gồm các trạm quan sát, các trận địa và các vị trí chiến đấu.
Vạn Lý Trường Thành không phải là phòng tuyến bất khả xâm phạm, nó đã bị tàn phá nhiều lần bởi các cuộc chiến tranh. Bức tường chỉ có thể làm chậm những kẻ xâm lược chứ không hoàn toàn ngăn được chúng.
Vạn Lý Trường Thành được xem là công trình mang tính biểu tượng thể hiện sức mạnh của các triều đại phong kiến Trung Quốc. Nhưng vai trò thực sự của Vạn Lý Trường Thành chỉ là để cảnh báo kẻ thù rằng, việc tấn công những quốc gia khác có lẽ sẽ dễ dàng hơn thay vì vượt qua tuyến phòng thủ này.
Phòng tuyến McNamara
Vào giữa những năm 1960, khi Mỹ bắt đầu leo thang chiến tranh tại Việt Nam bằng việc triển khai bộ binh, Lầu Năm Góc đã quyết định phải làm gì đó để ngăn chặn tuyến đường tiếp tế đưa quân và hàng hóa của miền Bắc vào miền Nam Việt Nam.
Việc sử dụng không quân để đánh phá và cắt đứt Đường mòn Hồ Chí Minh tỏ ra không hiệu quả và phía Mỹ cũng không thể duy trì lực lượng kiểm soát thường xuyên trên tuyến đường này. Để đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng Robert S. McNamara đã tham khảo ý kiến của nhóm học giả JASON, một nhóm gồm các nhà khoa học chuyên đưa ra khuyến nghị về chính sách và công nghệ quân sự.
Nhóm JASON khuyến nghị sử dụng một số thiết bị cảm biến để phát hiện hoạt động của lực lượng quân đội miền Bắc Việt Nam. Một thiết bị có tên là ACOUSID, về cơ bản là một micrô nổi được thiết kế để phát hiện tàu ngầm của đối phương, được sửa đổi để thu âm thanh của động cơ xe tải hoặc thậm chí là tiếng người nói chuyện.
Một thiết bị khác có tên là ADSID, đây là một máy thu thập địa chấn được thả xuống từ máy bay, có thể phát hiện sự chuyển động của xe tải đối phương. Sau đó, các dữ liệu này sẽ được chuyển đến các trạm phân tích và thông báo đến các đơn vị không quân hoặc pháo binh gần đó để tấn công vào các vị trí phát ra tín hiệu.
Hệ thống này chưa bao giờ hoạt động như mong muốn của những người thiết kế và không có tác động rõ rệt đến diễn biến của cuộc chiến. Đôi khi, quân đội miền Bắc Việt Nam và những người lính giải phóng sử dụng những thiết bị này để đánh lừa bộ phận tiếp nhận thông tin, khiến không ít lần máy bay Mỹ tấn công vào vị trí quân của mình.
Pháo đài biển Maunsell
Trong những ngày đầu của Chiến tranh thế giới thứ hai, chính phủ Anh nhận ra rằng các máy bay ném bom của Đức bay dọc theo phía tây sông Thames để tiến thẳng vào London. Để ngăn chặn điều này, Hải quân Hoàng gia Anh đã xây dựng bốn pháo đài ngoài khơi bờ biển phía đông nước Anh, trong khi Quân đội Anh xây dựng ba pháo đài ở cửa sông Thames. Đây được gọi là Pháo đài Maunsell, được đặt theo tên nhà thiết kế của chúng, Guy Maunsell.
Pháo đài nằm ngay trên đường bay của máy bay Đức, nó được làm bằng bê tông và thép, được trang bị pháo phòng không 90 mm và 40 mm. Các pháo đài cũng có chức năng như một đài quan sát cảnh báo sớm, đưa ra thông báo trước về việc máy bay Đức đang tiếp cận Vương quốc Anh.
Các pháo đài ở cửa sông ước tính đã bắn hạ 22 máy bay quân Đức và 30 quả bom bay V-1 đang bay về hướng Luân Đôn. Nhiều pháo đài vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, mặc dù không có pháo đài nào được coi là thích hợp để sinh sống. Này nay, chúng trông thực sự đáng sợ.
Phòng tuyến Promenthouse của Thụy Sĩ
Thụy Sĩ là một quốc gia trung lập trong tất cả các cuộc xung đột vũ trang kể từ năm 1815. Chính sách này giúp đất nước không bị vướng vào các cuộc chiến tranh. Ưu điểm là Thụy Sĩ đã có hơn 200 năm hòa bình. Nhược điểm là nước này không có đồng minh và phải thực thi tính trung lập, cũng như phải tự tìm cách bảo vệ mình.
Lo sợ cuộc xâm lược của Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai, người Thụy Sĩ bắt đầu xây dựng một tuyến phòng thủ được gọi là Phòng tuyến Promenthouse, đặc biệt là sau thất bại của Pháp năm 1940. Mặc dù Thụy Sĩ là một quốc gia trung lập nhưng Đức Quốc xã đã chiếm đóng các quốc gia trung lập khác như Na Uy, Hà Lan, Bỉ và rất có thể họ sẽ chiếm được Bern.
Phòng tuyến Promenthouse là những khối bê tông được dựng lên để làm chậm xe tăng địch. Ngoài ra, còn có hơn 100 ngôi nhà hoặc nhà gỗ giả đã được xây dựng trên khắp Thụy Sĩ để làm nơi ở cho Quân đội Thụy Sĩ và vũ khí của họ. Những cánh cửa màu xanh lá cây trông giống như những cánh cửa bình thường của một ngôi nhà chứa đại bác, còn tầng hầm làm nơi nghỉ ngơi cho quân lính. Ngay cả nhà vệ sinh cũng có lỗ để ném lựu đạn nếu cần.
Hầm bê tông được trang trí trông giống như những ngôi nhà truyền thống của Thụy Sĩ, hoàn chỉnh bằng sơn trên mái ngói, cửa sổ và đồ trang trí. Việc cải trang là cần thiết vì Thụy Sĩ muốn thể hiện sự trung lập của họ với Đức.
Các bức ảnh trinh sát trên không của đối phương sẽ lầm tưởng đây là những ngôi làng trông có vẻ bình thường nhưng trên thực tế, chúng thực sự là những trận địa nguy hiểm. Đức và Italia cũng đã lên ý tưởng cho Chiến dịch Tannenbaum, một cuộc xâm lược vào Thụy Sĩ trong Thế chiến thứ hai, tuy nhiên kế hoạch này đã bị hủy bỏ, một phần vì chi phí của cuộc chinh phục được cho là cao đến mức không thể chấp nhận được.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống