Các nguồn tin thạo tin tình báo Mỹ cho biết, nước này quan sát thấy Iran đang vận chuyển các trang thiết bị quân sự, trong đó có máy bay không người lái (UAV) và tên lửa hành trình.
Tuy nhiên, không rõ điều này cho thấy Iran đang chuẩn bị tấn công Israel từ lãnh thổ của mình, hay đang chuẩn bị ngăn chặn Israel hoặc Mỹ đáp trả trong trường hợp Tehran tấn công.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Israel và Mỹ đều cảnh báo Tehran có thể sắp tấn công trả đũa Israel sau cuộc không kích Đại sứ quán Iran ở Damascus (Syria) hôm 1/4 khiến khiến nhiều người thiệt mạng, trong đó có các chỉ huy quân sự cấp cao Iran.
Rất khó để thu hẹp loại UAV Iran có thể sử dụng trong một cuộc tấn công đáp trả Israel, nếu nó xảy xa. Khoảng cách giữa các khu vực cực Tây của Iran và Israel là khoảng 1.000-1.300 km. Với mạng lưới đồng minh trong khu vực, khoảng cách giữa các mục tiêu tiềm tàng ở Israel và các điểm phóng UAV Iran có thể giảm xuống chỉ còn 100 km.
Dưới đây là các mẫu UAV mà Iran có thể phóng từ lãnh thổ nước này vào lãnh thổ Israel trong một cuộc tấn công trực tiếp.
Shahed-136
Shahed-136 là một thiết kế máy bay không người lái cánh tam giác độc đáo, đơn giản và chi phí thấp do Công ty Công nghiệp Sản xuất Máy bay Iran và Shahed Aviation Industries chế tạo.
UAV Shahed-136 nặng 200 kg, dài 3,5 mét, sải cánh 2,5 mét. Shahed-136 có thể đạt tốc độ 185 km/h và có tầm hoạt động ước tính lên tới 2.500 km. Mẫu UAV này có thể được dẫn đường bằng vệ tinh và dẫn đường quán tính. Chúng được phân loại là UAV tự sát (hay UAV kamikaze) và có khả năng mang trọng tải 50kg, đủ để nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng, công sự, tàu chiến, doanh trại quân đội, cảng, sân bay, nơi tập trung nhân lực của đối phương cũng như các mục tiêu chiến lược và chiến trường khác.
Shahed-136 ra mắt vào năm 2021 và đã được triển khai hàng loạt trong lực lượng vũ trang Iran trong 3 năm qua.
Mohajer-10
Trong số các thiết kế UAV mới nhất trong kho vũ khí của Iran là Mohajer-10. Đây là mẫu UAV đa năng ra mắt vào năm 2023, được thiết kế để giám sát, tấn công tầm xa và chiếm ưu thế trong tác chiến điện tử.
Mohajer-10 do Công ty Công nghiệp Hàng không Qods – nhà sản xuất máy bay không người lái lâu đời nhất của Iran, thiết kế. Mohajer 10 là UAV có độ bền cao, kích thước 6,5x4,2x18,2 mét và tầm hoạt động lên tới 2.000 km. Mohajer-10 là một trong những UAV lớn nhất trong kho vũ khí của Iran.
UAV có thời gian bay liên tục 24 giờ, độ cao bay tối đa 7km và tốc độ tối đa lên tới 210 km/h. Mohajer 10 có trọng tải lên tới 300 kg, có thể mang theo nhiều tên lửa hoặc bom thả từ trên không cũng như thiết bị giám sát và tác chiến điện tử.
Dòng UAV Mohajer xuất hiện lần đầu tiên vào giữa những năm 1980, ban đầu phục vụ mục đích trinh sát. Mohajer-10 được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của lực lượng mặt đất của Quân đội Iran cũng như của lực lượng mặt đất và hải quân của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Arash-2
Arash-2 do Tổ chức Công nghiệp Quốc phòng chế tạo, là UAV chạy bằng cánh quạt với tầm bay 2.000 km, tốc độ tối đa lên tới 185km/h và trần bay là 3.600 mét.
Được đưa vào phục vụ quân đội năm 2020, UAV Arash-2 nặng 2.000 kg, dài 4,5 mét, sải cánh 4 mét, có thể mang tới 260 kg thuốc nổ và được thiết kế để tấn công các mục tiêu chiến lược. Một biến thể khác của Arash-2 được gọi là Kian-2 cũng đã được đưa vào sử dụng và bay với tốc độ khoảng 400 km/h.
Karrar
Karrar là thành một dòng UAV linh hoạt chạy bằng động cơ phản lực, được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2010. Mẫu UAV này được nhiều người cho là bản sao của UAV Beechcraft MQM-107 Streaker của Mỹ.
Karrar được quân đội Iran và IRGC chế tạo chủ yếu như một UAV mục tiêu để thực hành nhắm mục tiêu trong các cuộc diễn tập phòng không và chống tên lửa. Iran đã chuyển đổi các biến thể của Karrar thành UAV có khả năng mang theo bom nặng 225 kg, tên lửa chống hạm và ngư lôi, bom lượn dẫn đường bằng vệ tinh và thậm chí cả tên lửa không đối không.
Karrar có thể đạt tốc độ lên tới 900 km/h trong quá trình bay và có phạm vi hoạt động lên tới 1.000km khi thực hiện nhiệm vụ một chiều (tấn công tự sát). UAV nặng 700 kg, dài 4 mét và sải cánh 2,5 mét. Không giống như MQM-107 có động cơ đặt phía dưới, Karrars được trang bị thiết kế động cơ phản lực đặt phía trên.
Lực lượng dân quân Hezbollah ở Lebanon và được các đồng minh của chính phủ Syria được cho là đã sử dụng UAV Karrar.
Kaman-22
Kaman-22 là UAV chiến đấu tầm siêu xa do lực lượng Không quân Iran phát triển và sản xuất. Ra mắt vào năm 2021, Kaman-22 gây chú ý vì là UAV chiến đấu thân rộng đầu tiên của Iran với tầm bay lên tới 3.000 km, thời gian hoạt động 24 giờ, trần bay 8.000 mét và trọng tải vũ khí 300 kg.
Chiếc UAV cỡ lớn này được một số chuyên gia quân sự so sánh với MQ-1 Predator (nhưng có đuôi hình chữ V hướng lên trên thay vì hướng xuống dưới và thiết kế giống với UAV nội địa khác do Iran sản xuất như Shahed-129, Fotros và Hamaseh). Kaman-22 dài 6,5 mét, cao 2,5 mét và sải cánh tới 17 mét.
Ngoài các nhiệm vụ chiến đấu, UAV Kaman-22 được thiết kế để trinh sát và tác chiến điện tử, phát hiện và chụp ảnh các mục tiêu ở xa và sử dụng đạn thông minh. Nó cũng được thiết kế cho các nhiệm vụ phòng không và tấn công mặt đất sử dụng đạn dẫn đường bằng laser.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống