Theo trang Defense Express, mới đây, Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) đã phân tích các yếu tố quyết định sự thành công lâu dài của hệ thống tên lửa phóng loạt M142 HIMARS và M270 đang được Lực lượng Vũ trang Ukraine sử dụng trong cuộc xung đột với Nga.
Ngay sau khi phương Tây chấp thuận gửi các tổ hợp tên lửa này tới Ukraine, M142 HIMARS và M270 ngay lập tức trở thành nhân tố “thay đổi cuộc chơi” trong cuộc xung đột đã kéo dài một năm. Với các cuộc tấn công có hệ thống vào các cơ sở hậu cần, M142 HIMARS và M270 đã buộc Quân đội Nga phải giảm cường độ hỏa lực pháo - vốn là yếu tố quyết định của cuộc tấn công vào mùa hè năm 2022.
Song không chỉ được coi là loại “vũ khí kỳ diệu”, thành công của M142 HIMARS và M270 còn nhờ nhiều yếu tố khác.
Trên thực tế, các hệ thống M142 HIMARS và M270 cùng có hai đặc điểm nổi bật quyết định sự thành công trong tay Quân đội Ukraine - đó là tầm bắn và độ chính xác. Nhờ đó, các hệ thống này đã được coi là “bất khả xâm phạm” trước bất kỳ đòn phản công nào của vũ khí phản lực Nga.
Ngoài ra, các nhiệm vụ đối với M270 và HIMARS của Ukraine đã được đơn giản hóa đặc biệt. Dù xây dựng cơ cấu hậu cần nghiêm ngặt, song Quân đội Nga chủ yếu phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng đường sắt, hoặc các phương tiện giao thông khác, với tuyến đường có thể dự đoán được. Nga không thể xây dựng hệ thống hậu cần mà không dựa vào mạng lưới đường sắt. Điều này giúp Ukraine có thể dễ dàng phán đoán các mục tiêu của pháo phản lực Nga.
Và khả năng dự đoán các mục tiêu này có tác động tích cực đến một yếu tố khác - đó là tốc độ xử lý dữ liệu để chỉ định mục tiêu. Để thiết lập trao đổi dữ liệu nhanh, Ukraine cần có khả năng xử lý dữ liệu này một cách nhanh chóng. Theo một số nguồn tin, các đơn vị Quân đội Mỹ ở châu Âu sẽ hỗ trợ Ukraine thực hiện nhiệm vụ này.
Một yếu tố quan trọng không kém ảnh hưởng đến Lực lượng vũ trang Ukraine là sau một năm xung đột, Nga đã không kịp phát triển các biện pháp để đối phó với các hệ thống HIMARS và M270. Dù Quân đội Nga đã thành công khi thiết lập “tuyến trinh sát - tấn công” bằng cách sử dụng hệ thống tên lửa đạn đạo Iskander hoặc tên lửa dẫn đường Tornado-S, nhưng nó chỉ có thể nhắm trúng các mục tiêu cố định, chứ không phải các mục tiêu đang di chuyển với hệ thống đường tiền tuyến rộng lớn.
Về lý thuyết, Nga cũng có thể sử dụng máy bay chiến thuật để săn lùng hệ thống MLRS của Ukraine. Nhưng trên thực tế, điều đó là không thể, vì các phi công của Không quân Nga không thể mạo hiểm băng qua tiền tuyến do mật độ phòng không dày đặc của Ukraine.
Cho đến nay, các hệ thống tên lửa M270 và M142 HIMARS mà phương Tây viện trợ cho Ukraine là những vũ khí đáng gờm nhất trong số các loại vũ khí được bàn giao cho Kiev.
HIMARS là hệ thống pháo phản lực tầm trung do Lockheed Martin sản xuất, có khả năng phóng loạt đạn tên lửa dẫn đường chính xác. Theo nhà sản xuất vũ khí này, HIMARS có thể phóng tất cả các loại đạn của pháo phản lực đa nòng. Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hệ thống HIMARS M142. Mỗi HIMARS được trang bị 6 tên lửa dẫn đường bằng định vị GPS cỡ nòng 227 mm và mỗi tên lửa có tầm bắn là 84 km.
M270 MLRS cũng do Lockheed Martin phát triển. Bệ phóng được đặt trên bệ Bradley của Mỹ và bắn được khoảng 20 loại đạn. Nó có thể tấn công mục tiêu ở cự ly 32 km đến 500 km. Hệ thống này đang phục vụ cho quân đội của 17 quốc gia.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống