Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) hôm qua (10/8) cho biết vẫn đang cân nhắc các giải pháp, kể cả can thiệp quân sự nhằm khôi phục lại trật tự hiến pháp tại Niger.
Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp bất thường của nhóm này tại Nigeria, Tổng thống Nigeria Bola Tinubu nhấn mạnh: "Kết quả của hội nghị thượng đỉnh này là minh chứng cho sức mạnh của sự hợp tác và đoàn kết. Chúng tôi đã tái khẳng định cam kết của mình với người dân Niger và sự tiến bộ của toàn bộ cộng đồng ECOWAS của chúng tôi. Tất cả các lựa chọn đều đang được cân nhắc, kể cả việc sử dụng vũ lực như là phương sách cuối cùng. Chúng tôi vẫn kiên định với cam kết hỗ trợ Ni-giê trong hành trình hướng tới ổn định hòa bình và dân chủ ở nước này".
Trước đó, trong tuyên bố chung tại Hội nghị, Cộng đồng Kinh tế Tây Phi cho biết đã đặt lực lượng dự phòng của mình trong trạng thái sẵn sàng can thiệp để khôi phục trật tự hiến pháp tại Cộng hòa Niger. Tuy nhiên, tuyên bố chung cũng nhấn mạnh tiếp tục cam kết khôi phục trật tự hiến pháp thông qua các biện pháp hòa bình.
Cuộc họp trên diễn ra sau khi thời hạn của tối hậu thư do Cộng đồng Kinh tế Tây Phi đưa ra đối với chính quyền quân sự ở Niger đã trôi qua. Trong tối hậu thư này, lãnh đạo các nước thành viên Cộng đồng Kinh tế Tây Phi cảnh báo sẽ có biện pháp can thiệp quân sự nếu các tướng lĩnh tiến hành vụ đảo chính không khôi phục quyền lực cho Tổng thống Mohamed Bazoum trước ngày 6/8. Cho đến nay, giới lãnh đạo đảo chính ở Niger chưa sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán do cộng đồng quốc tế thúc đẩy.
Trước thông tin về việc Cộng đồng Kinh tế Tây Phi đang cân nhắc tất cả các giải pháp, kể cả biện pháp quân sự tại Niger, người dân quốc gia châu Phi này đã bày tỏ mong muốn, giải pháp hòa bình, thay vì chiến tranh nên được ưu tiên cho tình hình tại quốc gia này:
"Trước hết phải là đối thoại. Chúng tôi không muốn bất cứ điều gì xảy ra ở Niger, đặc biệt là chiến tranh".
"Chúng tôi chỉ muốn hòa bình cho đất nước của chúng tôi mỗi ngày. Tất cả người dân Niger đều nhận thức được điều này và không làm gì khác ngoài việc cầu xin hòa bình. Bất cứ điều gì Cộng đồng Kinh tế Tây Phi làm là việc của họ song điều quan trọng nhất là họ nên tìm cách đoàn kết, không gây ra chiến tranh ở đất nước chúng tôi".
Cuộc đảo chính hôm 26/7 ở Niger làm dấy lên lo ngại về nguy cơ đẩy khu vực Tây Phi vào vòng xoáy bất ổn. Vùng Sahel thuộc Tây Phi là một trong những khu vực nghèo nhất trên thế giới và phải đối mặt với mối đe dọa khủng bố kéo dài. Do đó, khu vực này có nguy cơ rơi vào bất ổn hơn nữa nếu cuộc khủng hoảng tại Niger trở nên trầm trọng hơn.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống