Theo dự báo của Bộ trưởng Lecornu, năm 2025 có thể đánh dấu kỷ lục mới trong xuất khẩu quốc phòng của Pháp, trong bối cảnh gia tăng nhu cầu đối với các sản phẩm quốc phòng vốn là thế mạnh của Pháp như tàu mặt nước, tàu ngầm, ra-đa, pháo binh, trực thăng và tất nhiên cả máy bay chiến đấu Rafale. Người đứng đầu quân đội Pháp cho hay, các nỗ lực xuất khẩu của Pháp sẽ tập trung vào phiên bản mới nhất của hệ thống phòng không SAMP/T chống tên lửa chiến thuật do liên doanh Pháp-Italy sản xuất, nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiều quốc gia muốn tăng cường năng lực phòng không để đối phó với các mối đe dọa tên lửa đạn đạo trong tương lai.
Defense News bình luận, Pháp “trông cậy vào xuất khẩu vũ khí để giúp chi trả cho quyền tự chủ chiến lược”. Dù quy mô nền kinh tế chỉ bằng một phần nhỏ so với Mỹ và Trung Quốc-hai cường quốc hàng đầu thế giới, Pháp vẫn duy trì thành công năng lực chế tạo máy bay chiến đấu và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy, trong giai đoạn 2019-2023, Pháp là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, chiếm 11% lượng vũ khí xuất khẩu toàn cầu.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham quan mô hình máy bay chiến đấu Rafale tại Triển lãm Hàng không Paris, ngày 19-6-2023. Ảnh: AFP |
Năm 2024, chỉ riêng các đơn đặt hàng cho dòng máy bay chiến đấu Rafale của Dassault Aviation và tàu ngầm của Naval Group đã lên tới ngót 10 tỷ euro. Dĩ nhiên ngành sản xuất quốc phòng Pháp còn phải nỗ lực rất nhiều để kim ngạch xuất khẩu vũ khí nước này vượt qua con số kỷ lục 27 tỷ euro của năm 2022.
Một trong những thách thức Pháp phải đối mặt, như cảnh báo của Bộ trưởng Lecornu, là việc Chính phủ Pháp không thông qua được ngân sách năm 2025 vào năm ngoái trong một quốc hội chia rẽ đang đe dọa đến khả năng tài trợ đầy đủ cho lực lượng vũ trang nước này. “Quân đội phải nhận được khoản ngân sách dành cho chi tiêu quốc phòng giai đoạn 2024-2030 như đã nêu trong kế hoạch ngân sách, để bảo đảm hiệu quả thực sự của nền quốc phòng Pháp", ông Lecornu nhấn mạnh.
Tốc độ sản xuất vũ khí đang gia tăng ở các quốc gia có chiến tranh, xung đột, cũng như tại các cường quốc quân sự, trong đó, nhiều quốc gia vừa là đồng minh vừa là đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí. “Pháp chỉ mới bước vào giai đoạn đầu của một nền kinh tế chiến tranh... Nó sẽ giúp ngành công nghiệp quốc phòng Pháp cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên thị trường xuất khẩu nhờ các yếu tố về thời gian giao hàng nhanh và giá cả phải chăng, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt diễn ra trong một thế giới đang chạy đua tái vũ trang”, Defense News dẫn lời Bộ trưởng Quân đội Pháp. Ông Lecornu không quên lưu ý rằng các kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU) nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng của khối là hữu ích “nhưng không nên dẫn đến việc tiền thuế của người châu Âu lại dùng để mua vũ khí do Mỹ sản xuất”, vì điều đó khiến EU “ảo tưởng về quyền tự chủ chiến lược” và do đó, có thể phải “nếm mùi cay đắng” một khi đồng minh Washington bất ngờ “thay lòng đổi dạ”, bởi bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra trong nhiệm kỳ thứ hai của vị tổng thống vốn nổi tiếng khó đoán định Donald Trump.
Năm 2025, Pháp dồn ưu tiên vào việc triển khai, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong toàn lực lượng vũ trang nước này. Cùng với đó là công nghệ lượng tử, công nghiệp không gian và tác chiến điện tử chống máy bay không người lái, những lĩnh vực được cho là sẽ tác động lớn đến cách thức tiến hành chiến tranh trong tương lai.
HÀ PHƯƠNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống