Philippines mạnh tay đối phó với kẻ phát tán tin tức giả bằng deepfake AI

 

Kế hoạch được thực hiện sau khi mạng xã hội lan truyền một video giả mạo Tổng thống Philippines cùng với lời kêu gọi quân đội hành động chống lại một quốc gia khác.

Văn phòng Truyền thông Tổng thống Philippines cho biết đã hợp tác với Bộ Công nghệ Thông tin và Truyền thông (DICT) và Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) tích cực điều tra vấn đề. Video giả mạo hình ảnh và giọng nói của Tổng thống đã bị xóa. Mục tiêu không chỉ là nhận dạng mà còn có hành động thích hợp chống lại những kẻ truyền bá thông tin sai lệch. Văn phòng truyền thông của Tổng thống cũng kêu gọi người dân ngừng lan truyền tin tức giả mạo, cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng có thể gây thiệt hại cho quan hệ đối ngoại và an ninh quốc gia.

Theo các chuyên gia, các video giả mạo đang càng ngày càng siêu thực và tinh vi. Nếu trước đây chủ yếu chỉ giới hạn ở các thẻ trích dẫn trên mạng xã hội, nhưng bây giờ giọng nói cũng bị làm giả ở mức độ siêu thực.  Vì vậy, điều quan trọng là phải ngăn chặn loại tin giả này vì có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng cho quan hệ đối ngoại và an ninh quốc gia.

Hiện các nền tảng truyền thông xã hội lớn như Google, TikTok, X (trước đây là Twitter) và Meta - sở hữu Facebook và Instagram bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ chính phủ chống lại các mối đe dọa trực tuyến.

Những video giả mạo của Tổng thống Philippines Marcos một lần nữa cho thấy các quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với những tin tức giả mạo lan tràn, nhằm gây ảnh hưởng đến chính trị trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo bùng nổ. Gần đây trí tuệ nhân tạo cũng đã tạo ra một video về Tổng thống Indonesia Joko “Jokowi” Widodo nói tiếng Trung trôi chảy hay một đoạn video do AI tạo ra về việc ứng cử viên Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto phát biểu bằng tiếng A-rập gây sốt trên mạng xã hội. Nhiều quốc gia cũng đang đưa ra các biện pháp để chống lại các tin tức giả mạo lan tràn.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống