
Theo tờ Kyiv Independent, nhiệm vụ chiến đấu đầu tiên có sự tham gia của UGV do Ukraine tự phát triển được ghi nhận vào tháng 12/2024, khi Lữ đoàn Charter sử dụng thiết bị này tại tỉnh Kharkiv. Đây là lần đầu tiên một thiết bị UGV nội địa tham gia chiến đấu trong điều kiện thực địa.
Kể từ thời điểm đó, quá trình ứng dụng UGV đã có những bước tiến nhanh chóng. Tuần trước, lực lượng Ukraine ghi nhận một chiến dịch đáng chú ý khi bắt giữ binh sĩ đối phương mà không cần triển khai bộ binh, chỉ sử dụng kết hợp máy bay không người lái (drone) và robot mặt đất.
Chuyên gia phân tích quốc phòng Jakub Janovsky, thuộc tổ chức nghiên cứu quốc phòng Oryx (trụ sở tại Hà Lan), nhận định: “Tác động lớn nhất của UGV có thể là giảm nhu cầu huy động binh sĩ ra tiền tuyến. Thậm chí, chúng có thể hỗ trợ các hoạt động hậu cần, sơ tán thương binh và một số công việc bảo đảm chiến đấu”.
Thống kê từ Kiev cho thấy mỗi tháng Nga huy động được khoảng 40.000–45.000 binh sĩ mới, trong khi con số này tại Ukraine chỉ dao động từ 25.000–27.000. Dù đã mở rộng chính sách nghĩa vụ quân sự và đưa ra nhiều biện pháp khuyến khích, nhưng Ukraine vẫn gặp khó khăn trong bổ sung lực lượng. Trong bối cảnh đó, UGV trở thành giải pháp hỗ trợ đáng kể, đặc biệt trong các nhiệm vụ có độ rủi ro cao.
UGV là gì?

UGV (Unmanned Ground Vehicle) là các phương tiện hoạt động trên mặt đất, được điều khiển từ xa, không cần người điều khiển trực tiếp trên chiến trường. Chúng có thể thực hiện các nhiệm vụ quân sự mà không đặt binh sĩ vào tình huống nguy hiểm.
UGV có nhiều hình dạng và quy mô khác nhau, từ xe nhỏ bánh xích đến các xe lớn bọc thép. Thiết kế mô-đun giúp tích hợp các thiết bị cảm biến, vũ khí, hoặc công cụ y tế tùy theo mục đích sử dụng.
Dù chưa hoàn toàn tự động, các hệ thống này đã hỗ trợ đáng kể trong các khu vực nguy hiểm, nhờ khả năng vận chuyển đạn dược, nhu yếu phẩm hoặc thậm chí là sơ tán thương binh khỏi vùng chiến sự. Đây là những nhiệm vụ vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho lực lượng cứu thương.
Tuy vậy, các chuyên gia lưu ý rằng UGV chưa thể thay thế hoàn toàn con người. Đại úy Oleksandr Yabchanka thuộc Tiểu đoàn Da Vinci Wolves cho biết: “Việc vận hành UGV vẫn cần một tổ điều khiển riêng. Chúng tôi không giảm số lượng người, mà là giảm thiểu mức độ nguy hiểm cho họ”.
Một số mẫu UGV đang được Ukraine sử dụng

Một số thiết bị UGV tiêu biểu đang được Ukraine đưa vào sử dụng bao gồm Liut, Termit, D-21-12R và Murakha.
Liut là hệ thống được trang bị súng máy 7,62 mm, đã vượt qua các thử nghiệm thực địa. Với động cơ điện vận hành êm ái cùng thiết kế bền bỉ, Liut có thể hoạt động ban đêm và thích nghi với điều kiện địa hình phức tạp hoặc thời tiết khắc nghiệt. Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine (HUR) gần đây đã công bố đoạn video ghi lại cảnh hệ thống này tiêu diệt mục tiêu trong thực chiến.
Termit là một mẫu UGV thế hệ mới có khả năng vận chuyển tới 300 kg hàng hóa. Với thiết kế bánh xích thấp, trọng lượng phân bổ hợp lý, nó di chuyển hiệu quả trên nhiều loại địa hình. Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết Termit có thể tích hợp mô-đun chiến đấu, thực hiện các nhiệm vụ vận tải hoặc hỗ trợ sơ tán thương binh.
Được trang bị súng máy cỡ lớn, D-21-12R chuyên phục vụ các nhiệm vụ do thám, tuần tra, hỗ trợ hỏa lực hoặc tấn công phương tiện bọc thép hạng nhẹ. Thiết bị có thể hoạt động trong điều kiện địa hình khó khăn như đồi núi, bùn lầy hoặc vùng nước nông và được điều khiển từ vị trí an toàn.
Murakha là nền tảng robot bánh xích cỡ lớn, được thiết kế phục vụ lực lượng tiền tuyến trong điều kiện phức tạp, như khi đối mặt với hỏa lực pháo hoặc ở khu vực có mìn. Với khả năng chở hơn 500 kg hàng hóa trên quãng đường hàng chục km, đây là một trong những mẫu UGV có tải trọng lớn nhất hiện nay tại Ukraine. Thiết bị này cũng được ghi nhận là có thể hoạt động hiệu quả trong khu vực bị tác động bởi các thiết bị tác chiến điện tử (EW).
Chuyên gia Janovsky nhận định hậu cần và sơ tán y tế là hai lĩnh vực ứng dụng hiệu quả và ổn định nhất của UGV trong giai đoạn hiện tại.
“Chúng đang phát triển rất nhanh, song cả thiết kế và phương thức sử dụng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện”, ông cho biết.
Định hướng phát triển lâu dài
Nhằm đảm bảo hiệu quả trong việc tích hợp UGV vào chiến lược tổng thể, Ukraine đã thành lập Lực lượng Hệ thống Không người lái từ đầu năm 2024. Đơn vị này chịu trách nhiệm chuẩn hóa quy trình huấn luyện, triển khai và sử dụng UGV.
Tháng 4 vừa qua, Chính phủ Ukraine đã tổ chức sự kiện thử nghiệm Brave 1, với hơn 70 mẫu UGV từ 50 nhà sản xuất trong nước được đánh giá trong điều kiện sát thực tế chiến đấu. Các tiêu chí được kiểm tra bao gồm khả năng vận tải, tính cơ động, độ bền trước gây nhiễu điện tử và hiệu quả hỗ trợ bộ binh.
Hiện tại, hơn 200 công ty Ukraine đang tham gia phát triển UGV. Chính phủ cũng đang đơn giản hóa các thủ tục sản xuất và cấp phép để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao. Theo ông Hlib Kanevskyi, Giám đốc Mua sắm của Bộ Quốc phòng, Ukraine đặt mục tiêu đưa vào sử dụng khoảng 15.000 phương tiện mặt đất không người lái phục vụ chiến đấu từ nay đến cuối năm 2025.
Với năng lực sản xuất trong nước ngày càng được mở rộng và sự hỗ trợ tích cực từ phía chính phủ, năm 2025 có thể sẽ là thời điểm các robot chiến đấu trở nên phổ biến trên toàn bộ mặt trận Ukraine.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống