Quân đội Ấn Độ rút ra bài học từ xung đột ở Ukraine

 
Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: defense.info

Tờ Hindustan Times (Ấn Độ) mới đây đưa tin, quân đội Ấn Độ đã quyết định tăng cường hỏa lực, tập trung nhiều hơn vào tính cơ động, tấn công chính xác, tầm bắn, tấn công nhanh và khả năng sống sót, sau khi bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra.

Theo nguồn tin trên, quân đội Ấn Độ cũng đang tăng cường hỏa lực như súng, pháo và tên lửa. Chiến lược "5 mũi nhọn" của quân đội nước này, dự kiến tiêu tốn hàng tỷ USD, đã được phát triển sau khi họ đánh giá nhu cầu của các đơn vị pháo binh trên chiến trường.

Hindustan Times dẫn lời một quan chức Ấn Độ cho biết tất cả các trung đoàn pháo binh của quân đội nước này này sẽ được trang bị hệ thống pháo cỡ nòng 155 mm tiên tiến, tên lửa cảm biến và tên lửa có tầm bắn xa hơn, tổ chức lại hoạt động giám sát và rút ngắn chu kỳ cảm biến-khai hỏa/tấn công trong chiến đấu.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã tái khẳng định tính ưu việt của hỏa lực như một yếu tố giành chiến thắng trong trận chiến, do đó, quân đội Ấn Độ đã điều chỉnh hồ sơ vũ khí của mình. Một trong những bài học quan trọng rút ra từ cuộc xung đột kéo dài 19 tháng qua là triển khai thêm hệ thống pháo tự hành và pháo gắn trên bệ để cải thiện khả năng cơ động, đầu tư cho tên lửa có tầm bắn vượt trội, đảm bảo tăng khả năng sống sót trước đối phương.

Trong 5 năm qua, các hệ thống hỏa lực của Ấn Độ được mua hoặc đang trong quá trình mua sắm đều nhằm mục đích nâng cao khả năng sát thương, tăng tầm bắn và tính linh hoạt. Với pháo, Ấn Độ đặt trọng tâm là theo đuổi hiện đại hóa thông qua bản địa hóa. Tuy nhiên, pháo siêu nhẹ M777 lại được nhập khẩu từ Mỹ.

Đáng chú ý, Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) đã bắt đầu một dự án mang tên Hệ thống pháo kéo tiên tiến (ATAGS) vào năm 2013 nhằm thay thế các loại cũ bằng pháo binh 155mm hiện đại. 

Cụ thể, DRDO đã hợp tác với Bharat Forge và Tata Advanced Systems để sản xuất loại pháo có tầm bắn 48 km trên. Các ưu tiên cấp thiết của quân đội Ấn Độ còn bao gồm việc mua thêm pháo K9 Vajra-T tự hành do Larsen&Toubro sản xuất với sự chuyển giao công nghệ từ hãng Hanwha Techwin của Hàn Quốc. 

Đến nay, quân đội Ấn Độ đã trang bị 100 khẩu pháo K9 Vajra-T cỡ nòng 155mm/52 theo hợp đồng năm 2017 trị giá 720 triệu USD và một số trong số đó đã được triển khai ở Ladakh. Bên cạnh đó, quân đội Ấn Độ cũng đã triển khai trung đoàn pháo kéo Dhanush cỡ nòng 155 mm/45 đầu tiên gần biên giới Trung Quốc.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống