Quân đội Ukraine còn bao nhiêu xe tăng sau một năm xung đột?

 

Theo Sputnik, xung đột Nga - Ukraine cho thấy sự thiếu chính xác trong các dự báo đầu thế kỷ 21 cho rằng xe tăng đã lỗi thời trong chiến tranh hiện đại, khi hai bên tham chiến đều tung vào chiến trường nhiều xe tăng, xe thiết giáp hạng nặng. Cuộc xung đột này cũng làm tan vỡ quan điểm mặc định về ưu thế xe tăng công nghệ cao đắt đỏ của NATO.

Xe tăng chiến đấu chủ lực tiếp tục tạo lên các tin tức nổi bật về cuộc xung đột ở Ukraine, với các câu chuyện về nâng cấp, đấu tăng, và các nỗ lực đưa thêm xe tăng hạng nặng ra mặt trận.

Xe tăng T 72 và T-64 được trưng bày tại Nhà máy sửa chữa thiết giáp Lviv của Ukraine trước xung đột. (Ảnh: Sputnik)

Xe tăng T 72 và T-64 được trưng bày tại Nhà máy sửa chữa thiết giáp Lviv của Ukraine trước xung đột. (Ảnh: Sputnik)

Ukraine có những loại xe tăng nào trước tháng 2/2022?

Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, Ukraine đã sở hữu một trong những kho vũ khí lớn nhất thế giới với khoảng 8.700 xe tăng, 11.000 xe bọc thép và xe chiến đấu bộ binh, 18.000 khẩu pháo, 2.800 máy bay và trực thăng.

Trong những thập kỷ sau đó, phần lớn kho vũ khí này được bán cho các quốc gia khác hoặc nấu chảy để lấy thép, tệ hơn là biến thành đống phế liệu không ai quan tâm. Điều này xuất phát từ việc Ukraine rơi vào suy thoái kinh tế vào những năm 1990 cũng như thực hiện các điều khoản của Hiệp ước về hạn chế vũ khí thông thường ở châu Âu.

Ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine sau khi độc lập cũng kế thừa Nhà máy đầu máy Kharkov huyền thoại và Công ty Thiết kế chế tạo máy Kharkov. Hai doanh nghiệp này đã phát triển và chế tạo một số xe tăng nổi tiếng hàng đầu của thế kỷ 20 như T-34, T-64, T-80 và T-84.

Tuy nhiên dây chuyền sản xuất của hai doanh nghiệp trên đã giảm từ hàng trăm xe tăng trong những năm 1980 xuống chỉ còn vài chục chiếc vào đầu những năm 2010. Nhân lực của Nhà máy đầu máy Kharkov giảm từ 60.000 người trước đây xuống còn khoảng 5.000 người vào năm 2015.

Trước năm 2022, lực lượng xe tăng của Ukraine chủ yếu bao gồm các biến thể nâng cấp của T-64 , bao gồm T-64BM 'Bulat', được đưa vào sử dụng từ năm 2004 và T-64BV, được đưa vào sử dụng từ năm 1984. Theo ước tính của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, Kiev có khoảng 720 chiếc T-64 với nhiều biến thể khác nhau trong kho vũ khí của mình vào năm 2022, cùng với đó là  gần 580 chiếc trong niêm cất.

Ngoài ra Ukraine cũng có một kho dự trữ khoảng 200 chiếc T-80 và khoảng một chục chiếc xe tăng thuộc biến thể T-84 Oplot – được đưa vào trang bị từ đầu những năm 2000.  T-84 Oplot mẫu xe tăng hiện đại nhất do Ukraine tự chế tạo.

Tổng kết lại, quân đội Ukraine trước xung đột sở hữu khoảng 750 xe tăng các loại trong biên chế và khoảng 500 chiếc được niêm cất.

T-64 Bulat - dòng xe tăng chiến đấu chủ lực chính của Ukraine trước xung đột. (Ảnh: Reuters)

T-64 Bulat - dòng xe tăng chiến đấu chủ lực chính của Ukraine trước xung đột. (Ảnh: Reuters)

Ukraine mất bao nhiêu xe tăng sau một năm xung đột?

Quân đội Ukraine không công bố số liệu về tổn thất của lực lượng này sau một năm xung đột với Nga. Trong khi đó Bộ Quốc phòng Nga thường xuyên công bố các ước tính về tổn thất của Ukraine.

Trong một thông báo mới nhất vào ngày 1/7, Bộ Quốc phòng Nga cho biết nước này đã phá hủy tổng cộng 10.430 xe tăng và các phương tiện bọc thép của Ukraine trong một năm rưỡi giao tranh.

Trong số xe tăng, xe bọc thép Ukraine bị phá hủy bao gồm cả các khí tài mới được phương Tây viện trợ như xe tăng Leopard 2, xe chiến đấu bộ binh M2A2 Bradley và các vũ khí hạng nặng khác. Bên cạnh số khí tài bị phá hủy, Nga cũng thu giữ số lượng đáng kể phương tiện bọc thép từ Ukraine sau các lần giao tranh.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một tuyên bố vào đầu tuần nói, chỉ tính riêng đợt phản công trong tháng 6, quân đội Ukraine đã mất tới 259 xe tăng và 780 xe bọc thép. Phần lớn chúng đều do phương Tây viện trợ.

Theo Sputnik, việc các mẫu xe tăng hiện đại của phương Tây liên tục bị phá hủy ở Ukraine cũng đã được nhiều chuyên gia dự đoán trước đó rằng, bất kỳ loại vũ khí hiện đại nào đều có thể bị phá hủy trên chiến trường thực tế dù chúng “hoàn hảo” trong thử nghiệm. Xe tăng đối mặt với nhiều mối đe dọa trong thực chiến từ tên lửa chống tăng, đạn pháo, không kích cho đến cả mìn chống tăng.

Lực lượng xe tăng Nga và Ukraine đều thiệt hại nặng sau hơn một năm xung đột, tuy nhiên Kiev đã mất khả năng sản xuất xe tăng và dựa hoàn toàn vào nguồn cung viện trợ từ phương Tây.

Lực lượng xe tăng Nga và Ukraine đều thiệt hại nặng sau hơn một năm xung đột, tuy nhiên Kiev đã mất khả năng sản xuất xe tăng và dựa hoàn toàn vào nguồn cung viện trợ từ phương Tây.

Ukraine nhận bao nhiêu xe tăng từ NATO?

Căng thẳng ở miền Đông Ukraine leo thang thành xung đột Nga - Ukraine vào năm 2022 đã thúc đẩy Mỹ và các đồng minh NATO tăng đột biến viện trợ quân sự cho Ukraine, từ hàng tỷ USD trước tháng 2/2022 lên hàng chục tỷ USD sau thời điểm đó.

Trong những ngày đầu của xung đột, phương Tây theo đuổi chiến lược cung cấp cho Kiev những chiếc xe tăng phần lớn thuộc về các nước NATO từng nằm trong khối Hiệp ước Warsaw. Giới chức NATO cho rằng đấy là vì Ukraine có nhiều kinh nghiệm vận hành các vũ khí do Liên Xô sản xuất chứ không phải vì họ muốn thải vũ khí tồn kho.

Các xe tăng này bao gồm một số xe T-72M1 của Bulgaria, trên 170 xe tăng T-72 của Bắc Macedonia, trên 250 xe tăng T72 đã được hiện đại hóa và 60 xe tăng PT-91 Twardy của Ba Lan (Twardy là phiên bản chỉnh sửa xe T-72M1 được phát triển vào giữa thập niên 1990) và 28 xe tăng M-55S của Slovenia (M-55S là phiên bản chỉnh sửa xe tăng T-55 của Liên Xô).

Dần dần, khi chiến sự leo thang và Kiev chuẩn bị cho cuộc phản công mùa hè, NATO đồng ý gửi cho Ukraine các xe tăng, thiết giáp hạng nặng do Đức, Anh và Mỹ sản xuất, bất chấp các cảnh báo từ Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 3/2022 rằng làm vậy có thể dẫn tới “Thế chiến thứ 3”.

Các xe tăng chiến đấu chủ lực mà phương Tây gửi cho Ukraine bao gồm:

Các biến thế hiện đại của Leopard 1 - xe tăng Tây Đức ra đời vào thập niên 1960 và được sản xuất kể từ năm 1984. Đức, Đan Mạch và Hà Lan gửi 178 xe như thế này cho Ukraine.

Hàng chục xe tăng Leopard 2 (thế hệ nối tiếp Leopard 1) được sản xuất trong suốt thập niên 1980, với nhiều nâng cấp về lớp giáp, hệ thống liên lạc, kính ngắm nhiệt, hỏa lực tự động và hệ thống trấn áp nổ, hệ thống kiểm soát số và một pháo nòng trơn cỡ 120mm.

Các nước đã bàn giao hoặc hứa bàn giao xe tăng cho Ukraine bao gồm: Canada (8 chiếc), Đan Mạch (7 chiếc, sẽ được bàn giao vào năm 2024), Phần Lan (6 biến thể dùng để phá mìn, của Leopard 2), Đức (19 xe Leopard 2A6), Hà Lan (14 xe), Na Uy (8 chiếc), Ba Lan (14), Bồ Đào Nha (3), Tây Ban Nha (10) và Thụy Điển (10 chiếc biến thể Leopard 2A5).

Anh cam kết 14 chiếc Challenger 2. Một số xe tăng này được phát hiện trên chiến trường Ukraine lần đầu tiên vào tháng 6.

Mỹ cam kết 31 xe M1 Abrams. Nhưng các xe này phải đến ít nhất mùa thu 2023 mới được chuyển giao, do chưa được sản xuất. Hiện chưa rõ vì sao Mỹ không lấy tạm vài chục xe tăng M1 Abrams có sẵn trong kho xe tăng khổng lồ của họ hiện nay (gồm cả xe đang hoạt động và xe niêm cất).

Trước tháng 2/2022, Ukraine có trên 1.250 xe tăng chiến đấu chủ lực. Sau đó họ nhận thêm khoảng 480 xe tăng chiến đấu chủ lực của các nước từng thuộc khối Hiệp ước Warsaw, và gần 300 xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại của phương Tây. Mặc dù vậy, Kiev vẫn tiếp tục đề nghị phương Tây cung cấp thêm cho họ xe tăng để tiến hành cuộc phản công Nga.

Cựu Đại sứ Ukraine tại Đức Andriy Melnyk phát biểu vào giữa tháng 6: “Quân đội Ukraine rất cần thêm các xe tăng, xe chiến đấu bộ binh và xe bọc thép phương Tây. Đối với cuộc tiến công mang tính quyết định, mỗi chiếc Leopard 2 đều có giá trị bằng khối lượng vàng nặng tương đương trọng lượng của xe”.

Trà Khánh(Nguồn: Sputnik)

Bổ ích

Xúc động

Sáng tạo

Độc đáo

Phẫn nộ

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống