Hệ thống tên lửa chống tăng 9M133 Kornet do Nga sản xuất (NATO gọi là AT-14 Spriggan) là hệ thống tên lửa chống tăng (ATGM) có điều khiển cực kỳ hiệu quả, được đưa vào sử dụng năm 1998 để đối phó với những tiến bộ trong việc phát triển thiết giáp của phương Tây.

9M133 Kornet do Cục thiết kế khí cụ KBP của Nga chế tạo. Kể từ đó, hệ thống đã trở thành một trong những ATGM hiệu quả và được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới, nổi bật với khả năng chống lại các xe bọc thép hạng nặng và tính linh hoạt trong nhiều tình huống chiến đấu khác nhau.
9M133 Kornet được triển khai rộng rãi trên toàn cầu, đặc biệt là trong các cuộc xung đột ở Ukraine, Syria và Lebanon. Hệ thống có tầm bắn và khả năng xuyên phá vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh.
Phát triển và thiết kế
Hệ thống tên lửa Kornet được phát triển vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990. Mục đích của các nhà sản xuất là tạo ra một hệ thống mô-đun, phổ quát có khả năng tấn công nhiều loại mục tiêu, với hệ thống dẫn đường bằng laser đáng tin cậy. Kornet được thiết kế để trở thành một ATGM hạng nặng, vượt trội hơn các hệ thống dẫn đường bằng dây trước đó như 9K111 Fagot (NATO gọi làAT-4 Spigot) và 9K113 Konkurs (NATO gọi là AT-5 Spandrel).
Hệ thống tên lửa được công bố vào tháng 10/1994 và biên chế cho quân đội Nga vào năm 1998. Kể từ đó, nó đã nhiều lần trải qua quá trình nâng cấp. 9M133 Kornet-EM là phiên bản tiên tiến của hệ thống, có tầm bắn xa hơn, đầu đạn được cải tiến và bộ theo dõi mục tiêu tự động với chế độ bắn và quên.
Thông số kỹ thuật và tính năng
Mỗi tổ hợp chiến đấu Kornet có ba thành phần chính gồm: Tên lửa, bộ điều khiển ngắm bắn và giá đỡ. Tên lửa của hệ thống có trọng lượng 27kg, chiều dài 1,2m, đường kính thân 152mm, và sải cánh 460mm. Tên lửa được trang bị đầu đạn nổ mạnh chống tăng HEAT có khả năng xuyên qua lớp giáp phản ứng nổ ERA và lớp giáp dày tới 1.200mm,
Tên lửa của 9M133 Kornet có khối lượng 27 kg (29 kg với ống phóng) và chiều dài 1.200 mm. Tên lửa được trang bị đầu đạn chống tăng nổ mạnh (HEAT) song song được thiết kế để đánh bại giáp phản ứng nổ (ERA). Tên lửa có thể xuyên thủng tới 1.200 mm giáp cán đồng nhất (RHA).
Phiên bản tiên tiến Kornet-EM mở rộng phạm vi hoạt động lên 8.000m khi thực hiện các nhiệm vụ chống tăng và 10.000m cho nhiệm vụ kích hoạt những vụ nổ mạnh. Tên lửa có hệ thống dẫn đường bằng laser bán tự động, đòi hỏi người vận hành phải duy trì tầm nhìn trong suốt hành trình bay của tên lửa. Hệ thống dẫn đường này cung cấp độ chính xác và độ tin cậy đáng kể.
Hiệu quả hoạt động
Một trong những điểm mạnh chính của hệ thống Kornet là tính linh hoạt. Nó có thể được triển khai từ nhiều phương tiện khác nhau, trong đó có phương tiện cá nhân của các binh sỹ hay chiến xa được thiết kế riêng để chống lại các phương tiện cơ giới bọc thép của đối phương, đặc biệt là xe tăng như 9P163M-1 Kornet-T. Tính linh hoạt này cho phép nó được sử dụng trong nhiều tình huống chiến thuật, từ phục kích đến giao tranh trực tiếp với xe tăng đối phương.
Đầu đạn HEAT của Kornet đặc biệt hiệu quả khi tấn công xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) hiện đại được trang bị ERA. Khả năng xuyên giáp dày và tầm bắn xa của tên lửa khiến Kornet trở thành vũ khí đáng gờm trên chiến trường.
Hệ thống tên lửa chống tăng Kornet đã được sử dụng rộng rãi trong cuộc xung đột Nga-Ukraine hiện tại và đạt hiệu quả rất lớn. Nhờ tầm bắn và đầu đạn mạnh mẽ, Kornet được cho là đối thủ đáng gờm của xe tăng Ukraine, thậm chí với cả những phương tiện hiện đại, có lớp bảo vệ kiên cố do phương Tây sản xuất như M1 Abrams. Mặc dù không phổ biến bằng máy bay không người lái FPV của Nga, nhưng Kornet cũng lợi hại không kém.
So sánh Kornet với Javelin
Khi so sánh Kornet với các hệ thống tên lửa chống tăng khác, chẳng hạn như Javelin, có rất nhiều điểm khác biệt và cả những điểm tương đồng. Tổ hợp Javelin, do các tập đoàn Lockheed Martin và Raytheon phát triển, được biết đến với tính năng tấn công đột nóc, cũng như khả năng bắn và quên, cho phép người vận hành bắn tên lửa rồi ẩn nấp ngay lập tức. Tính năng này mang lại lợi thế chiến thuật đáng kể, đồng thời có thể đảm bảo an toàn cho người vận hành.
Ngược lại, hệ thống dẫn đường SACLOS của Kornet yêu cầu người vận hành phải duy trì tầm nhìn thẳng với mục tiêu, điều này có thể khiến họ bị hỏa lực của đối phương tấn công. Tuy nhiên, Kornet lại có tầm bắn xa hơn và khả năng xuyên phá cao hơn. Phiên bản Kornet-EM có tầm bắn tối đa là 8.000 mét, trong khi Javelin có tầm bắn tối đa 4.000 mét.
Cả hai hệ thống đều đã chứng minh được hiệu quả trong chiến đấu, nhưng thiết kế khác nhau của chúng phản ánh các ưu tiên chiến lược của các nhà phát triển. Việc tập trung đảm bảo sự an toàn cho người vận hành và tính dễ sử dụng của Javelin khiến nó phù hợp với các đơn vị bộ binh. Còn Kornet, với sự sự tập trung vào tầm bắn và sức mạnh xuyên phá, đã trở thành tài sản có giá trị cho các hoạt động chống thiết giáp.
Lý do Kornet được cho là vũ khí đáng gờm
Việc sử dụng rộng rãi hệ thống tên lửa Kornet có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với Nga, đồng thời khiến Mỹ và các đồng minh phải lo ngại. Khả năng đánh bại thiết giáp tiên tiến và tính linh hoạt của hệ thống trong nhiều tình huống chiến đấu khác nhau khiến nó trở thành loại vũ khí có giá trị đối với các quân đội lẫn các nhóm vũ trang. Kornet đã được nhiều lực lượng vũ trang và nhóm chiến binh sử dụng, trong đó có cả Hezbollah và Hamas, làm nổi bật tính dễ tiếp cận và hiệu quả của hệ thống.
Hệ thống tên lửa chống tăng 9M133 Kornet là một bước tiến đáng kể trong công nghệ chống thiết giáp và là mối đe dọa lớn đối với thiết giáp phương Tây. Sự kết hợp giữa tầm bắn, sức mạnh xuyên phá và tính linh hoạt đã khiến nó trở thành một trong những ATGM được sử dụng rộng rãi nhất của Nga. Mặc dù có một số hạn chế so với các hệ thống khác như Javelin, nhưng sức mạnh của Kornet vẫn khiến hệ thống trở thành vũ khí đáng gờm.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống