Khi các chính trị gia Đức trong chính quyền Thủ tướng Olaf Scholz lên tiếng ủng hộ việc cung cấp lên tửa Taurus cho Ukraine, điều Kiev đã đề nghị trong nhiều tháng, sự chú ý của các chuyên gia quân sự đang chuyển sang một loại vũ khí tầm xa hơn, đó là hệ thống tên lửa tác chiến lục quân (ATACMS) do Mỹ sản xuất.
Ngày 7/8, một người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Đức nói rằng nước này chưa thể đưa ra bất kỳ thông tin mới nào về việc chuyển giao tên lửa Taurus cho Ukraine, đề cập đến bình luận trước đó của Bộ trưởng Quốc phòng Đức Vladimir Pistorius.
“Chúng tôi cho rằng ở thời điểm hiện tại, việc cung cấp tên lửa này cho Ukraine không phải là ưu tiên hàng đầu của Đức. Chúng tôi không phải là quốc gia duy nhất không cung cấp loại vũ khí này cho Ukraine. Mỹ cũng từ chối trang bị cho Ukraine những tên lửa hành trình tầm xa. Tên lửa hành trình của chúng tôi có tầm bắn đặc biệt. Thời điểm để chúng tôi đưa ra quyết định gửi cho Ukraine vẫn chưa đến”, ông Pistorius cho hay.
Lợi thế của Taurus có thể giúp Ukraine giành lại Crimea
Newsweek dẫn lời một nhà quan sát cho rằng, tên lửa hành trình tầm xa Taurus, nhìn chung có những tính năng giống với tên lửa hành trình Storm Shadow/SCALP của Anh và Pháp, có thể mang lại lợi thế cho Ukraine trong việc giành lại quyền kiểm soát Bán đảo Crimea.
Vào tháng 5, Anh cho biết đã gửi tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow cho Ukraine. Các chuyên gia quân sự cho rằng tên lửa này sẽ cho phép Ukraine tấn công sâu hơn vào lãnh thổ do Nga kiểm soát, gây khó khăn cho hệ thống phòng không của Moscow.
Theo Fabian Hoffmann, nghiên cứu sinh tại Đại học Oslo ở Na Uy, mặc dù tên lửa Storm Shadow có thiết kế rất gần với Taurus, nhưng “thiết kế đầu đạn được cải tiến hơn một chút” của Taurus sẽ khiến nó trở thành vũ khí tốt hơn để nhắm mục tiêu vào các cây cầu.
Nga cho rằng Ukraine sử dụng tên lửa Storm Shadow do Anh cung cấp để thực hiện các cuộc tấn công vào các cây cầu ở Bán đảo Crimea. Ngày 6/8, thống đốc do Nga bổ nhiệm ở Kherson Vladimir Saldo, cho biết, Ukraine đã phóng khoảng 12 tên lửa Storm Shadow, trong đó ít nhất 3 quả vượt qua được hệ thống phòng không của Nga. Theo quan chức này, cuộc tấn công đã làm hư hỏng hai cây cầu bắc qua eo biển Chongar và eo biển Tonkiy.
Nga cũng cáo buộc Ukraine liên tục nhắm mục tiêu vào Crimea bằng thiết bị không người lái trên mặt nước và dưới nước, bao gồm cả việc nhắm vào căn cứ hải quân ở Biển Đen của Nga tại Sevastopol.
“Tuy nhiên, những cuộc tấn công nhằm vào các cây cầu bằng tên lửa Storm Shadow dường như không hiệu quả lắm”, ông Hoffmann nói, giải thích rằng các cuộc tấn công này chỉ làm hỏng các cây cầu, nhưng không phá hủy chúng trong một thời gian dài.
So sánh tên lửa Taurus và Storm Shadow
Theo ông Hoffmann, tên lửa Storm Shadow có thể xuyên thủng lớp bảo vệ đầu tiên của cây cầu nhưng không gây thiệt hại nghiêm trọng cho cấu trúc của nó. Tuy nhiên, tên lửa Taurus có thể có một đầu đạn thứ cấp phát nổ khi đạn xuyên qua lớp bảo vệ đầu tiên của cây cầu. Đầu đạn thứ hai sau khi phát nổ sẽ tối đa hóa sức công phá và thực sự có thể gây ra thiệt hại đáng kể.
“Đây là một khả năng mà tên lửa Taurus có thể mang lại lợi thế về sức công phá”, ông Hoffmann nói, đồng thời lưu ý Storm Shadow và Taurus có sự tương đồng đến 90%.
“Cả hai tên lửa đều có độ chính xác cao, sự khác biệt nằm ở thiết kế chính xác của đầu đạn. Hai tên lửa đều được thiết kế để tấn công boong-ke hơn là cầu nhưng chúng đều có khả năng phá hủy các lớp bê tông. Hiệu quả của Taurus hoặc Storm Shadow phụ thuộc vào cách Ukraine sử dụng, chẳng hạn như nhắm mục tiêu vào các trụ cầu hoặc đường bộ”, chuyên gia quân sự David Hambling cho hay.
Việc phá hủy các cây cầu khác nhau ở Crimea có thể cắt đứt tuyến tiếp tế của Nga tới bán đảo này. Cầu Chonhar trải dài từ trung tâm hậu cần quân sự của Nga tại Dzhankoi đến Melitopol, thành phố do Nga kiểm soát ở vùng Zaporizhzhia phía Nam Ukraine.
Theo Bộ Quốc phòng Anh, Dzhankoi là nơi có một trong những sân bay quân sự quan trọng nhất của Nga ở Crimea, đồng thời là “đầu mối đường bộ và đường sắt quan trọng để tiếp tế cho quân đội Nga ở miền Nam Ukraine”.
Các nhà phân tích cho rằng, việc gửi cho Ukraine tên lửa Taurus sẽ tăng cường khả năng tấn công tầm xa của nước này, vì tên lửa này chỉ khác một chút so với Storm Shadow.
Ông Hoffmann cho biết, Taurus và Storm Shadow đều do nhà sản xuất tên lửa châu Âu MDBA chế tạo, được phát triển song song và có mục đích sử dụng gần như giống nhau, được trang bị cùng hệ thống định vị. Tên lửa Taurus có thêm một số cải tiến nhỏ. Storm Shadow có tầm bắn trên 250km, trong khi đó Taurus có tầm bắn khoảng 500km.
Tên lửa Taurus có chiều dài 5m; sải cánh 2,1m; trọng lượng 1.400kg, vận tốc cận siêu thanh khoảng 1.100km/h. Taurus có thể tấn công mục tiêu như cầu, tàu trong cảng, đường băng, trung tâm chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc, cơ sở cảng và các tòa nhà căn cứ không quân. Tên lửa trang bị đầu đạn kép MEPHISTO nặng 500kg có thể xuyên thủng lớp bê tông dày tới 6m với độ chính xác tới 2-3m.
Điều giúp tên lửa Taurus trở nên uy lực là khả năng tàng hình và thiết kế theo dạng module, có thể lắp ráp theo nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào nhiệm vụ tấn công.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống