Hé lộ thông tin về tổ hợp S-500 trang bị cho Quân đội Nga
Theo tuyên bố của Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Liên bang Nga, Đại tướng Valery Gerasimov, trung đoàn S-500 đầu tiên đã được thành lập và ra mắt chính thức. Điều này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong kế hoạch triển khai các khả năng tác chiến không gian tiên tiến của Moscow. Tuy nhiên, không rõ có bao nhiêu tổ hợp S-500 được tiếp nhận.
Căn cứ vào thông tin của Tập đoàn Almaz-Altey, mỗi trung đoàn tên lửa phòng không S-400 Triumph có 16 bệ phóng tên lửa đất đối không, cùng với hệ thống radar trinh sát, dẫn bắn và trung tâm chỉ huy. Tuy nhiên, do sự khác biệt về nhiệm vụ, các thành phần của tổ hợp S-500 có nhiều khác biệt.
Toàn bộ các thành phần của tổ hợp S-500 Prometheus được đặt trên khung gầm xe vận tải chuyên dụng. Ảnh: Rian |
Điểm khác biệt rõ ràng nhất là mỗi xe phóng tự hành của S-500 chỉ mang theo 2 đạn tên lửa đánh chặn với khả năng đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách tới 600km. Con số này gấp tới 3 lần so với các tổ hợp tên lửa đánh chặn THAAD và Patriot của Mỹ. Tuy nhiên, vì số lượng đạn tên lửa hạn chế trên xe phóng tự hành, số lượng xe phóng có thể tăng lên để đảm bảo dự trữ chiến đấu.
Mỗi trung đoàn S-500 bao gồm hai tổ hợp độc lập với 8 bệ phóng mỗi đơn vị. Theo đánh giá của chuyên gia quân sự Nga, Đại tá về hưu Anatoly Matviychuk, tổ hợp vũ khí phòng không mới không được phát triển để thay thế các dòng vũ khí cũ và tạo ra mạng lưới phòng không hợp nhất của Nga giữa cấp độ chiến thuật như S-300 và S-400 và cấp độ chiến lược A-235 Nudol.
Trước khi thành lập trung đoàn đầy đủ đầu tiên, các tổ hợp S-500 đã được triển khai nhiều lần trước đó cho mục đích thử nghiệm và tác chiến. Vào tháng 6-2024, có nhiều thông tin về việc S-500 được triển khai cho nhiệm vụ chiến đấu ở khu vực phía Nam nước Nga. Trong biên chế Quân đội Nga, trong khi tổ hợp S-400 có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung thì hệ thống S-500 tấn công mục tiêu siêu thanh, thậm chí là cả vũ khí siêu vượt âm. Sự kết hợp của những khả năng này với khả năng cơ động cao khiến S-500 trở nên hoàn toàn độc đáo.
Với tầm bắn rất xa, S-500 có thể tấn công các máy bay tiếp liệu trên không, máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không, vốn rất quan trọng đối với hoạt động của lực lượng không quân của Mỹ và phương Tây, để làm giảm hiệu quả hoạt động của chúng.
S-500 được đánh giá là điểm nối giữa phòng không chiến thuật và chiến lược của Quân đội Nga. Ảnh: Lenta |
“Chỉ huy chiến trường” của hệ thống phòng không Nga
Đánh giá về tổ hợp S-500, cựu lãnh đạo Lực lượng Hàng không-vũ trụ (VKS) Nga, Thượng tướng Sergey Surovikin cho biết, S-500 sẽ đóng vai trò như vũ khí phòng thủ tên lửa ở giai đoạn tiếp cận (vai trò tương tự như tổ hợp THAAD của Mỹ). S-500 có khả năng đánh chặn các đầu đạn của tên lửa tầm trung-xa, tên lửa xuyên lục địa (ICBM) ở pha cuối của hành trình bay. Cùng với đó, tổ hợp vũ khí phòng không này cũng có thể ngăn chặn các phương tiện bay siêu vượt âm, máy bay chiến đấu..., nhưng đó là nhiệm vụ thứ cấp. Trong tương lai, với việc bổ sung các loại đạn đánh chặn mới, S-500 có khả năng bắn hạ các vệ tinh địa tĩnh hoạt động ở quỹ đạo thấp của trái đất.
S-500 cũng sử dụng được loại đạn tên lửa đánh chặn phổ biến nằm trong trang bị của tổ hợp S-400 Triumph là 40N6 với tầm bắn 400km. Tuy nhiên, để bắn hạ các mục tiêu ở tầm xa và độ cao lớn, nó có thể sử dụng đạn tên lửa 77N6.
Trong cơ cấu hệ thống phòng không Nga, S-500 đóng vai trò như trung tâm chỉ huy chiến trường khi được kết nối với các tổ hợp S-400, S-350, S-300, Buk-M2, Tor-M2, Pantsir-S1...
Radar mạnh mẽ giúp S-500 kết nối các tổ hợp phòng không chiến thuật trong hệ thống chỉ huy chiến trường hợp nhất. Ảnh: TASS |
Tổ hợp vũ khí phòng không mới của Nga được thiết kế dạng module mở để tích hợp các loại tên lửa tầm xa, vươn tầm phòng thủ lên không gian trong tương lai. Truyền thống này đã được thực hiện trên tổ hợp S-400. Về cơ bản, S-500 là bước chuyển của hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga từ các giếng phóng cố định sang khung gầm cơ động nhờ việc thu gọn các thành phần chiến đấu để nâng cao hiệu quả bảo vệ thay vì chỉ có miền Trung và Thủ đô Moscow như hệ thống A-235.
TUẤN SƠN (tổng hợp)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống