Tại sao Mỹ muốn triển khai tên lửa siêu vượt âm tầm trung mới tới châu Âu?

 

Như vậy, kể từ khi đơn phương rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vào tháng 8-2019, Mỹ đã có bước tiến quan trọng trong việc khởi động phát triển các loại tên lửa tầm trung để chuyển sang châu Âu trong vài năm tới.

INF là rào cản đối với Mỹ

Trong Chiến tranh Lạnh, các tổ hợp tên lửa tầm trung Pershing II được Mỹ triển khai tại châu Âu với mục đích tấn công Liên Xô trong chiến tranh hạt nhân tổng lực. Tuy nhiên, khi phương Tây nhìn thấy viễn cảnh châu Âu có thể chìm trong chiến tranh hạt nhân trước thay vì Mỹ ở bên kia đại dương nên đã gây sức ép để buộc Liên Xô và Mỹ đưa ra thỏa thuận liên quan tới vấn đề này. Đây chính là nền tảng để Moscow và Washington đã đàm phán và Hiệp ước INF ra đời vào năm 1987.

INF quy định Mỹ và Liên Xô phải loại biên các tổ hợp tên lửa tầm trung trên bộ có tầm bắn từ 500 tới 5.500km. Theo đánh giá của giới quan sát quân sự quốc tế, INF mang lại nhiều lợi ích về an ninh chiến lược hơn cho châu Âu và Liên Xô. Trong khi đó, do quy định của INF, Mỹ đã mất con bài chiến lược là đưa tên lửa hạt nhân áp sát và có thể tấn công Moscow trong vòng 6-8 phút.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel

Hệ thống tên lửa siêu vượt âm tầm trung mới Dark Eagle của Mỹ. Ảnh: Topwar

Khi Liên Xô tan vỡ vào năm 1991, INF dần không còn mang lại hiệu quả về an ninh đối với Mỹ, khi đối thủ của Washington không chỉ còn là Nga, quốc gia kế thừa của Liên Xô, mà còn là nhiều cường quốc mới nổi khác. Chính vì thế, không khó hiểu khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi hiệp ước này với lý do phía Nga vi phạm khi phát triển tổ hợp tên lửa Iskander. 

Chỉ vài tuần sau khi rút khỏi INF, Mỹ đã tiến hành phóng thử tên lửa hành trình Tomahawk phiên bản trên bộ với tầm bắn đạt tới 2.000km và tuyên bố chi tới hơn 1 tỷ USD cho các chương trình phát triển tên lửa mới vốn thuộc phạm vi cấm của INF. 

Giới chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá, Lầu Năm Góc gấp rút phát triển tên lửa tầm trung mới khi nhận thấy đang tụt hậu so với Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực vũ khí siêu vượt âm tương lai. Cả 2 quốc gia trên đều đã sở hữu trong tay ít nhất một dòng tên lửa có tốc độ bay vượt qua Mach 5 (gấp 5 lần tốc độ âm thanh). Trong khi đó, các chương trình vũ khí siêu vượt âm của Mỹ vẫn đang ở trong giai đoạn phát triển và Dark Eagle chính là “quả ngọt” đầu tiên của Washington. 

Kịch bản thời Chiến tranh Lạnh…

Theo thông tin từ Lầu Năm Góc, Dark Eagle là một phần của Chương trình vũ khí tấn công tầm xa tương lai (LRHW). Nó được cấu thành từ một tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn 2 tầng mang theo thiết bị lượn siêu vượt âm C-HGB. Tên lửa sẽ đóng vai trò như phương tiện vận chuyển đưa thiết bị lượn C-HGB lên tầng ngoại vi của khí quyển Trái đất. Thiết bị tấn công siêu thanh sẽ sử dụng thế năng để lướt tới mục tiêu với tốc độ siêu thanh.

Liên quan tới loại vũ khí này, trang tin quân sự Topwar cho biết, nguyên mẫu đầu tiên của Dark Eagle đã được bàn giao cho Quân đội Mỹ vào năm 2021 và liên tục được hoàn thiện và sửa đổi cho tới vụ phóng thử đầu diễn ra tuần qua. Tầm bắn của Dark Eagle ước khoảng 3.000km. Vũ khí siêu vượt âm mới của Mỹ được cho là có thể vượt qua các lá chắn tên lửa S-300V4 và S-400 của Nga. Đối thủ xứng tầm của Dark Eagle là hệ thống phòng thủ tên lửa A-235 Nudol đang bảo vệ Thủ đô Moscow.

“Quân đội Mỹ có kế hoạch đưa Dark Eagle vào trang bị chiến đấu trong vòng 1-2 năm tới”, Topwar đăng tải.

Điểm đáng chú ý là Mỹ dự kiến sẽ triển khai Dark Eagle tại Đức. Điều này tương tự như việc triển khai tên lửa đạn đạo chiến thuật Pershing II tại châu Âu thời Chiến tranh Lạnh. Do thuộc phân loại tên lửa tầm trung, Pershing II có thời gian chuyển trạng thái và tấn công mục tiêu rất ngắn, chỉ tính bằng phút. 

leftcenterrightdel
Oreshnik được cho là vũ khí tấn công tầm trung của Nga không thể bị ngăn chặn bởi bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào ở thời điểm hiện tại. Ảnh: Lenta

Bất kỳ sai sót nào đều không có thời gian để sửa chữa như đối với các dòng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Trong quá khứ, vào năm 1983, thế giới đã suýt rơi vào chiến tranh hạt nhân khi lực lượng cảnh báo sớm Liên Xô phát hiện ra dấu hiệu của một vụ phóng tên lửa hạt nhân tầm trung. Rất may là tín hiệu sau khi được phân tích và giải mã chỉ là báo động nhầm.

Điều này hiện tại cũng hoàn toàn đúng với Dark Eagle, nhưng với tính năng mạnh mẽ hơn là khả năng đạt tốc độ bay siêu vượt âm, quỹ đạo bay phức tạp, khó bị đánh chặn và khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Dù chưa có bất kỳ thông tin xác thực nào, nhưng với sự xuất hiện của Dark Eagle và trước đó là Oreshnik của Nga, châu Âu đang đứng trước ngưỡng cửa của cuộc Chiến tranh Lạnh mới với mối nguy cơ tấn công hạt nhân thường trực, tương tự như thời điểm INF chưa xuất hiện. 

TUẤN SƠN (tổng hợp)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan. 

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống