Hôm 19/4, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, một máy bay Tu-22M3 của lực lượng hàng không vũ trụ đã bị rơi ở Stavropol trong lúc quay trở về căn cứ sau khi hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu. Thời điểm gặp nạn, không có bom đạn trên máy bay.
Chiếc Tu-22M3 bị rơi ở khu vực hoang vu và không gây thiệt hại trên mặt đất. Thông tin sơ bộ cho thấy, chiếc máy bay gặp nạn do trục trặc kỹ thuật.
Trong khi đó, phía Ukraine tuyên bố các lực lượng nước này đã lần đầu tiên bắn rơi một máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-22M3 của Nga.
Máy bay Tu-22M3 thường được Nga sử dụng để phóng tên lửa hành trình Kh-22 về phía Ukraine. Với tầm bắn của Kh-22 lên đến 600 km, máy bay Tu-22M3 có thể thực hiện cuộc tấn công mà không cần bay vào không phận Ukraine.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR) Kyrylo Budanov xác nhận với The War Zone rằng tên lửa S-200 đã được sử dụng để bắn rơi máy bay ném bom Tu-22M3, trong khi tuyên bố chính thức từ GUR nói rằng chiếc máy bay này bị bắn hạ bằng “các phương pháp và thiết bị tương tự như những gì được sử dụng trong vụ bắn rơi chiếc A-50”.
“Mỗi lần sử dụng một hệ thống khác nhau. Lần này, chúng tôi đã sử dụng những gì được tạo ra từ những bộ phận cũ. Một thứ mà chúng tôi đã hiện đại hóa. Các kỹ sư đã làm việc rất tốt, hãy tin tôi đi”, ông Budanov cho biết khi đề cập đến vụ bắn rơi máy bay A-50 và Tu-22M3.
Cơ quan Tình báo Quốc phòng Anh ngày 20/4 nhận định, gần như chắc chắn rằng các báo cáo về việc Ukraine sử dụng tên lửa S-200 bắn rơi máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 là chính xác.
“Tên lửa này có thể giống với vũ khí được sử dụng để bắn hạ máy bay phát hiện radar tầm xa A-50 Mainstay của Nga vào ngày 23/2/2024”, báo cáo của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Anh nêu rõ.
Phạm vi bắn hạ mục tiêu xa hơn
Trong cuộc trả lời phỏng vấn The War Zone, ông Bydanov cho biết, Tu-22M3 bị bắn trúng ở khoảng cách 308 km tính từ bệ phóng. trong khi theo chương trình truyền hình Ukraine, máy bay A-50 bị bắn rơi từ khoảng cách hơn 200 km.
Dựa trên những dữ liệu rải rác này, trang Defense Express cho rằng trong các nhiệm vụ bắn hạ Tu-22M3 và A-50, Ukraine đã sử dụng hai phiên bản S-200 khác nhau. Sự khác biệt về phạm vi bắn hạ cho thấy đã có sự thay đổi đối với tên lửa hoặc thiết bị dùng để phát hiện mục tiêu và dẫn đường đã được thay thế.
Theo Defense Express, S-200 ban đầu có hai phiên bản: S-200M Vega-M với tầm bắn lên tới 255 km và S-200D có tầm bắn lên tới 300 km. Bất kể biến thể nào được cải tiến, các bệ phóng đều phải có khung gầm vì cả hai biến thể đều là hệ thống cố định.
Một cách giải thích khác cũng rất hợp lý: tầm bắn khác nhau chỉ là một điều kiện tình huống, hoặc chỉ là các giai đoạn cải tiến dần dần của cùng một sửa đổi đối với hệ thống phòng không đã được triển khai để bắn hạ cả Tu-22M3 và A-50 của Nga.
Mặt khác, các vụ bắn rơi máy bay cảnh báo sớm trên không A-50 và máy bay ném bom Tu-22M3 cho thấy Ukraine, do thiếu vũ khí và đạn dược tiên tiến từ phương Tây, phải tạo ra những phiên bản mới từ kho vũ khí cũ và chúng đã chứng tỏ hiệu quả.
Hiệu quả hồi sinh vũ khí đã loại biên
S-200, còn gọi là SA-5 Gammon, là hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa do Liên Xô phát triển, lần đầu tiên được đưa vào sử dụng vào cuối những năm 1960. Kể từ đó, hệ thống này đã được hiện đại hóa nhiều lần.
Ban đầu, nó được thiết kế để tấn công máy bay ném bom và các máy bay chiến lược khác của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh.
Hệ thống S-200 được Liên Xô xuất khẩu rộng rãi, sang Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Syria và Libya.
Ukraine vận hành S-200 cho đến năm 2013. Những khẩu đội cuối cùng đã chính thức ngừng hoạt động sau khi chính phủ quyết định loại biên các hệ thống này do chúng đã lỗi thời. Không rõ liệu những hệ thống S-200 có được cất giữ trong kho hay không và ở trong tình trạng nào.
Ông Andrii Kharuk, một nhà sử học quân sự và chuyên gia vũ khí, nói với Kyiv Independent rằng, dù Ukraine hiện đang sử dụng tên lửa S-200, nhưng chúng có thể không phải từ kho mà Kiev đã loại biên.
“Những quả tên lửa đó được bảo quản trong tình trạng tốt, có thể do Ba Lan hoặc Bulgaria cung cấp, những nước này vẫn đang sử dụng chúng”, ông Kharuk nói thêm.
“S-200 là hệ thống tầm xa duy nhất có khả năng bao trùm các khu công nghiệp lớn, bắn hạ máy bay khi nó tiếp cận biên giới Ukraine và vẫn là một trong những yếu tố răn đe khả thi”, trang Militarnyi của Ukraine nhận định.
Năm 2018, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine khi đó là Ivan Rusnak nói rằng một số doanh nghiệp sẵn sàng đưa hệ thống S-200 về trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Khi đó ông cho biết, Ukraine cần một năm để khôi phục chúng, trong khi tên lửa vẫn sẵn có.
Những đồn đoán về việc Ukraine sử dụng trở lại tên lửa S-200 bắt đầu vào mùa hè năm 2023.
“Trong hoàn cảnh hiện tại, chúng tôi phải tìm lối thoát. Chúng tôi đã nghĩ đến S-200 và có vẻ như chúng vẫn hoạt động tốt cho đến nay”, một nguồn tin chính phủ giấu tên nói với BBC vào tháng 8/2023.
Theo Defense Express, S-200 có thể được hoán cải để sử dụng cho các cuộc tấn công mặt đất, nhưng cần có một số chỉnh sửa để giúp tên lửa tấn công hiệu quả và chính xác hơn, bao gồm việc thiết kế lại hệ thống dẫn đường và đầu đạn cũng như phát triển bệ phóng di động trên mặt đất.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống