Thiết bị plasma mới giúp máy bay chiến đấu ‘tàng hình’ trước mọi radar

 

Không giống như những thiết bị trước đó tạo ra đám mây plasma phủ toàn bộ máy bay, cải tiến mới có thể được điều chỉnh để phù hợp với các phần nhạy cảm của máy bay quân sự như vòm radar, buồng lái hoặc các vị trí khác dễ bị radar của kẻ thù phát hiện.

Thiết bị mới có nhiều ưu điểm như “cấu trúc đơn giản, phạm vi điều chỉnh công suất rộng và mật độ plasma cao”, Tan Chang, một nhà khoa học tham gia dự án, viết trong một bài báo được bình duyệt đăng trên Tạp chí Khoa học Vô tuyến Trung Quốc vào tháng 12.

Công nghệ tàng hình plasma mới sẽ được trang bị trên các máy bay chiến đấu Trung Quốc trong thời gian tới

Công nghệ tàng hình plasma mới sẽ được trang bị trên các máy bay chiến đấu Trung Quốc trong thời gian tới

Công nghệ tàng hình plasma mới nhiều khả năng sẽ được trang bị trên các máy bay chiến đấu Trung Quốc trong thời gian tớiTan và các đồng nghiệp từ Trung tâm Công nghệ Plasma của Viện Sức đẩy Hàng không Vũ trụ Xian thuộc Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc cho biết, giải pháp kỹ thuật mới có thể sớm được trang bị trên nhiều loại máy bay quân sự.

Theo nhóm của Tan, hai loại thiết bị tàng hình plasma đã được đưa vào thử nghiệm. Một thiết bị phủ lên các khu vực dễ bị radar của máy bay một chất đồng vị phóng xạ, phát ra các tia năng lượng cao làm ion hóa không khí xung quanh. Điều này tạo ra một lớp plasma, dày và đặc đủ để bao phủ bề mặt và phân tán tín hiệu radar. Thiết bị còn lại sử dụng điện cao thế tần số cao kích hoạt và ion hóa môi trường khí bên ngoài máy bay, tạo ra vùng plasma.

“Cả hai phương pháp đạt được khả năng tàng hình thông qua plasma nhiệt độ thấp này đều đã trải qua các chuyến bay thử nghiệm và được chứng minh là thành công”, trích báo cáo kết quả nghiên cứu.

Plasma với các hạt tích điện, tương tác với sóng điện từ theo một cách độc đáo. Khi sóng điện từ – chẳng hạn như sóng phát ra từ radar – tương tác với plasma, chúng làm cho các hạt chuyển động nhanh và va chạm vào nhau, làm tiêu tán năng lượng của sóng và làm giảm cường độ tín hiệu phản xạ.

Sự tương tác này chuyển đổi năng lượng của sóng điện từ thành năng lượng cơ và nhiệt của các hạt tích điện, làm giảm cường độ sóng và sau đó làm suy yếu tín hiệu radar phản xạ trở lại. Ngay cả một máy bay chiến đấu thông thường, không được thiết kế để tàng hình, cũng có thể giảm đáng kể tín hiệu radar bằng thiết bị tàng hình plasma này.

Khái niệm công nghệ tàng hình plasma có nguồn gốc từ thời Chiến tranh Lạnh, khi cả Mỹ và Liên Xô đổ nguồn lực vào nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên, do những hạn chế về công nghệ, các dự án chưa bao giờ vượt quá giai đoạn thí nghiệm. Máy bay tàng hình ngày nay, như F-22 và F-35, dựa vào lớp phủ hấp thụ radar và thiết kế hình học đặc biệt để tàng hình, thường phải đánh đổi bằng hiệu suất khí động học. Ví dụ, F-22 gặp khó khăn khi cận chiến, trong khi F-35 không thể duy trì tốc độ hành trình siêu âm. Những máy bay chiến đấu tàng hình này cũng có mức giá đắt đỏ.

Plasma có thể thay đổi tần số tín hiệu phản xạ, khiến radar của đối phương phát hiện dữ liệu không chính xác về vị trí và tốc độ máy bay. Nó cũng có thể đóng vai trò như một “lá chắn” vô hình chống lại vũ khí vi sóng công suất cao.

Ngày càng nhiều nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc tin rằng công nghệ này sẽ đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đối đầu trong tương lai giữa các cường quốc quân sự.

Tuy nhiên, công nghệ tàng hình plasma hiện tại có một số nhược điểm. Khi tiếp xúc với môi trường mở, plasma khó được định hình chính xác và duy trì mật độ cao ổn định. Những khoảng trống trong plasma có thể cho phép sóng điện từ phản xạ trở lại, làm lộ vị trí của máy bay.

Theo nhóm của Tan, nhiều nhà nghiên cứu ở Trung Quốc, bao gồm cả lực lượng không quân, đang cố gắng phát triển công nghệ tàng hình plasma khép kín. Điều này sẽ giữ plasma trong một khoang kín, giúp tạo ra plasma mật độ cao dễ dàng hơn và thay đổi các thông số đặc trưng của nó để hấp thụ sóng điện từ đa dải, từ đó cung cấp sự bảo vệ bổ sung cho các khu vực quan trọng của máy bay.

Thế Việt(Nguồn: SCMP)

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống