Phát biểu bên lề Hội nghị An ninh Munich, Thượng nghị sĩ J.D Vance cho biết: “Tại Thượng viện, tôi đã bỏ phiếu chống lại gói viện trợ dành cho Ukraine. Lý do rất đơn giản. Thứ nhất, tôi không nghĩ sẽ chi thêm 61 tỷ USD nữa sẽ thực sự giúp ích cho Ukraine nhiều, bởi vì, nguồn cung cấp đạn dược của chúng ta về cơ bản đã cạn kiệt. Chúng ta có thể làm được rất nhiều điều với số đô la bổ sung đó. Thứ hai, tôi nghĩ rằng chúng ta phải thức tỉnh trước thực tế là mọi vấn đề sẽ kết thúc bằng một giải pháp thương lượng theo một cách nào đó, một dạng nào đó. Tôi nghĩ chính sách và ngoại giao của Mỹ nên cố gắng mang lại điều đó càng nhanh càng tốt”.
Thượng nghị sĩ J.D Vance cũng lưu ý rằng, trong khi Mỹ vẫn trung thành với NATO, đảng Cộng hòa muốn châu Âu làm nhiều hơn nữa. Theo ông, Mỹ sẽ chuyển hướng chính sách tập trung vào Đông Á. Với thực tế đó, châu Âu phải đóng vai trò tích cực hơn trong việc phòng thủ của chính họ và cụ thể Mỹ sẽ cố gắng hết sức để thuyết phục các đồng minh châu Âu chi 2% GDP cho quốc phòng.
Thượng viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ quân sự trị giá 95,34 tỷ USD cho Ukraine và các đồng minh khác của Mỹ nhưng không rõ liệu Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát có chấp nhận đề xuất này hay không. Sự phê duyệt từ cả 2 viện Quốc hội là cần thiết trước khi Tổng thống Joe Biden có thể ký thành luật.
Viện trợ chậm trễ của Mỹ đang tạo thêm gánh nặng cho châu Âu. Đức (nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine) cho biết cho đến nay nước này đã cung cấp và cam kết viện trợ khoảng 28 tỷ euro (30,2 tỷ USD).
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống