Tiến sâu vào Rafah, Israel đang chịu sức ép ngoại giao từ mọi phía

 

Hôm qua xe tăng của Israel tiến vào miền đông Jabalia ở phía bắc Dải Gaza sau một đêm ném bom dữ dội trên không và trên bộ, khiến 19 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Ngoại trưởng Antony Blinken thay mặt chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đưa ra một số lời chỉ trích công khai mạnh mẽ nhất về cách thức Israel tiến hành cuộc chiến ở Gaza, cho rằng các chiến thuật của Israel đồng nghĩa với “sự mất mát khủng khiếp về sinh mạng của thường dân vô tội” mà không thể vô hiệu hóa các thủ lĩnh và chiến binh Hamas.

Trả lời phỏng vấn trên truyền hình, Ngoại trưởng Blinken cho biết, Hamas đã tái xuất hiện ở 1 số khu vực của Gaza, với nguy cơ kéo dài cuộc chiến nếu Israel không có kế hoạch tránh sa lầy ở Gaza và kế hoạch quản trị thời hậu chiến. Ông cho biết Mỹ đã làm việc với các nước ARập và các nước khác trong nhiều tuần qua để phát triển “các kế hoạch đáng tin cậy về an ninh, quản trị và tái thiết” ở Gaza, nhưng không có bất cứ sáng kiến nào từ Israel. Trong cuộc điện đàm hôm qua với Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, Ngoại trưởng Blinken nhắc lại sự phản đối của Mỹ đối với cuộc tấn công ngày càng gia tăng của Israel ở Rafah, kêu gọi tạo điều kiện hơn nữa cho hàng viện trợ vào Gaza.

Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan trong điện đàm hôm qua với người đồng cấp Israel, Tzachi Hanegbi, cũng nêu lên mối lo ngại về một chiến dịch trên bộ ở Rafah và thảo luận về “các phương án hành động thay thế” nhằm đảm bảo Hamas bị đánh bại. Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan bảo vệ quyết định của tổng thống Mỹ về việc tạm dừng vận chuyển bom cực mạnh tới Israel, cho rằng “sẽ có thương vong dân sự  lớn” nếu số bom đó được thả xuống Rafah. Ông nói thêm rằng hoạt động hiện nay của Israel khó có thể đánh bại Hamas mà còn gây ra tổn hại nghiêm trọng.

Những chỉ trích công khai của các quan chức cấp cao Mỹ được đưa ra sau những căng thẳng ngày càng tăng giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về cách thức tiến hành chiến tranh. Chính quyền Mỹ muốn tạo áp lực với đồng minh Israel trong bối cảnh phải đối mặt với những áp lực trong nước về việc hỗ trợ đồng minh, thể hiện rõ nhất ở các cuộc biểu tình tại các trường đại học Mỹ. Làn sóng phản đối của công chúng Mỹ có thể đóng một vai trò quan trọng trong kết quả của cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.

Sức ép ngoại giao buộc Israel dừng kế hoạch tấn công Rafah cũng đến từ các quốc gia Arập. Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry hôm qua cho rằng cần có “ý chí chính trị” để tạo ra kết quả trong cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Israel và Hamas.  Ai Cập thông báo ý định chính thức tham gia vụ kiện của Nam Phi tại Tòa án Công lý Quốc tế với cáo buộc Israel phạm tội diệt chủng ở Gaza. Ai Cập cũng phát tín hiệu với Mỹ và các chính phủ châu Âu rằng cuộc tấn công đã đặt hiệp ước hòa bình kéo dài hàng thập kỷ với Israel - nền tảng của sự ổn định khu vực - vào nguy cơ cao.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng cho rằng Mỹ và các nước châu Âu chưa làm đủ để gây áp lực buộc Israel đồng ý ngừng bắn ở Gaza:

“Hamas đã thực hiện một bước rất quan trọng trên con đường hướng tới lệnh ngừng bắn lâu dài. Phản ứng của chính phủ Netanyahu vẫn không thay đổi, tiếp tục tấn công ở Rafah. Liệu thủ tướng Netanyahu có thấy những hậu quả nghiêm trọng nào đối với hành vi của mình hay không? Không. Cả châu Âu và Mỹ đều chưa thể hiện phản ứng đáng kể nào để buộc Israel phải ngừng bắn.”

Thêm 1 quốc gia là Slovenia tuyên bố đang khởi xướng thủ tục công nhận nhà nước Palestine như một hình thức đòn bẩy nhằm chấm dứt xung đột ở Gaza, cho rằng, sự công nhận sẽ là "động lực để các cuộc đàm phán này tiến hành nhanh hơn. Tại Hội nghị các nhà tài trợ quốc tế diễn ra hôm qua  ở Kuwait, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng kêu gọi ngừng bắn "ngay lập tức" trong cuộc chiến Israel-Hamas.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống