Tính năng tàng hình trên máy bay chiến đấu còn là ưu tiên hàng đầu?

 

Thực tế, một số dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 được trang bị công nghệ tàng hình khi đưa vào trang bị đã chứng minh việc đánh đổi, hy sinh nhiều đặc điểm khí động học để đổi lấy khả năng tàng hình không phải là ưu điểm, mà còn là gánh nặng khi giảm khả năng chiến đấu của máy bay.

Tính năng tàng hình là sự đánh đổi

Trên các dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35 Lightning II của Mỹ, để tối đa hóa khả năng tàng hình, nó phải hy sinh khả năng cơ động và bay ở vận tốc siêu âm. Trong khi đó, dù là máy bay chiến đấu đắt giá nhất thế giới, nhưng máy bay chiến đấu F-22 để có khả năng tàng hình cũng phải hy sinh khả năng cơ động, trang bị vũ khí mang theo, thậm chí là còn thua kém các máy bay thế hệ thứ 4.

Để có được khả năng tàng hình, các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 được áp dụng thiết kế khí động học đặc biệt, ứng dụng sâu vật liệu chế tạo composite trong chế tạo khung thân và lớp sơn phủ tàng hình. Những công nghệ đặc biệt này đều rất đắt tiền. Theo báo cáo của Ủy ban Ngân sách thuộc Chính phủ Mỹ, chi phí sửa chữa và duy trì các dòng máy bay F-22 và F-35 đã bội chi đáng kể do các vấn đề liên quan tới lớp sơn phủ tàng hình.

leftcenterrightdel

Để có tính năng tàng hình, máy bay chiến đấu phải hy sinh nhiều đặc điểm khí động học, khả năng mang vũ khí, cũng như cần chi phí đắt đỏ. Ảnh: Defense News 

Khác biệt với các loại sơn máy bay thông thường, lớp sơn phủ tàng hình dành cho máy bay thế hệ thứ 5 được áp dụng nhiều công nghệ đặc biệt trong pha chế và môi trường sơn phủ. Trong hoạt động chiến đấu, nhiều máy bay F-22 và F-35 bị phát hiện bóc tróc lớp phủ tàng hình khi hoạt động trong điều kiện nóng ẩm hoặc bị ăn mòn nhanh do thời tiết. Chi phí mỗi lần sơn phủ lại của máy bay thế hệ thứ 5 lên tới hàng triệu USD và cần môi trường bảo ôn đặc biệt để ổn định lớp sơn phủ này.

Một vấn đề khác mà máy bay thế hệ thứ 5 phải hy sinh để có được khả năng tàng hình chính là việc chúng được thiết kế để hoạt động trong dải nhiệm vụ rất hẹp. Những hạn chế về khoang vũ khí trong thân, khối lượng nhiên liệu mang theo làm giảm đáng kể tầm hoạt động của máy bay trang bị công nghệ tàng hình so với các dòng máy bay chiến đấu truyền thống thế hệ thứ 4.

Để tăng tầm hoạt động và hỏa lực, máy bay thế hệ thứ 5 phải mang theo bình nhiên liệu và vũ khí treo ngoài, nhưng sẽ suy giảm đáng kể, thậm chí là mất đi khả năng tàng hình. Hãng chế tạo Lockheed Martin từng giới thiệu chế độ quái thú của máy bay F-35 với việc hy sinh khả năng tàng hình để tăng tối đa hỏa lực và tầm hoạt động.

Cùng với đó, để duy trì khả năng tàng hình, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 cũng buộc phải hoạt động ở dải tốc độ tối ưu, thường là cận âm và hạn chế tối đa việc tăng tốc đột ngột vì lớp sơn phủ tàng hình có thể bị bong tróc do ma sát với không khí. Ngoài ra, việc sử dụng radar hàng không trên máy bay cũng phải hạn chế tối đa để tránh bộc lộ tín hiệu điện từ trước các hệ thống trinh sát điện tử của đối phương.

Giới chuyên gia quân sự quốc tế nhận định, máy bay thế hệ thứ 5 có thể đạt được khả năng tàng hình ở thời điểm đầu những năm 2000. Tuy nhiên, khả năng này đang bị suy giảm đáng kể với sự tiến bộ của công nghệ radar và tên lửa phòng không hiện đại. Dù chưa từng đụng độ trực tiếp trên chiến trường, nhưng công nghệ radar biến tần và hệ thống đầu dò đa chế độ trên các tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại như S-400 và S-500 có thể khiến máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 mất đi thế mạnh tàng hình như quảng cáo.

Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi khái niệm tàng hình là khó quan sát, nhận diện trước một số bước sóng radar. Công nghệ tàng hình có thể hiệu quả với các băng tần radar sóng ngắn, năng lượng cao, nhưng lại khó đạt được hiệu quả trước ở các băng tần radar sóng dài hoặc radar đa phổ. Đã có rất nhiều ví dụ về việc các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 như F-35 bị phát hiện không chỉ bởi radar giám sát quân sự, mà còn cả các loại radar dân sự.

leftcenterrightdel
Hướng phát triển các dòng máy bay thế hệ 4++ kết hợp giữa trang bị điện tử của máy bay thế hệ 5, khả năng mang vũ khí của máy bay thế hệ 4 đang được nhiều quốc gia theo đuổi. Ảnh: Defense News

Lựa chọn hướng phát triển khác?

Với bài học hàng trăm tỷ USD từ chương trình phát triển máy bay chiến đấu liên quân thế hệ thứ 5 F-35 Lightning II, nhiều quốc gia đang xem xét lại tham vọng phát triển máy bay chiến đấu tương lai không còn ưu tiên hàng đầu là khả năng tàng hình. Với nền tảng công nghệ hiện tại, việc sử dụng nguồn lực vào phát triển và chế tạo thế hệ máy bay chiến đấu 4++ mang lại lợi ích lớn hơn.

Xu hướng này vừa tận dụng công nghệ tàng hình nhờ ứng dụng ngược công nghệ của máy bay thế hệ thứ 5, khả năng cơ động, khối lượng vũ khí mang theo lớn và hệ thống điện tử mạnh mẽ giúp mang lại hiệu quả chiến đấu tối ưu.

leftcenterrightdel
Xu hướng phát triển máy bay chiến đấu tương lai có thể là công nghệ tàng hình mới hoặc mở rộng khả năng chiến đấu thông qua các phi đội "người-máy". Ảnh: Topwar 

Điển hình cho xu hướng này là các chương trình phát triển máy bay chiến đấu TF-X của Thổ Nhĩ Kỳ, KF-X của Hàn Quốc… Đây có thể là hướng đi khôn ngoan cho tới khi công nghệ máy bay chiến không người lái hoàn thiện và thay đổi bộ mặt không chiến.

Xu hướng phát triển công nghệ tàng hình của không quân và phương án đối phó sẽ vẫn tiếp tục trong tương lai. Tuy nhiên, việc hy sinh các tính năng chiến đấu của máy bay để đổi lấy khả năng tàng hình đang dần chấm dứt để tập trung cho những hướng phát triển hiệu quả hơn như không người lái hay phi đội phức hợp “người-máy” trong tương lai.

TUẤN SƠN (tổng hợp)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan. 

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống