Triều Tiên diễn tập phản công hạt nhân, tuyên bố thử nghiệm hệ thống chỉ huy mới

 

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã trực tiếp chỉ đạo cuộc tập trận chiến thuật mô phỏng phản công hạt nhân, với sự tham gia của các đơn vị pháo binh tên lửa đa nòng siêu lớn.Theo Hãng thông tấn chính thức Triều Tiên KCNA, đây là tín hiệu cảnh báo rõ ràng tới các nước đối thủ.

Trong khi đó, Đài truyền hình nhà nước Triều Tiên KRT dẫn lời bà Kim Yo Jong,  Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng sức mạnh quân sự mạnh mẽ và áp đảo nhất để bảo vệ chủ quyền, an ninh và hòa bình khu vực. Tình hình khu vực đã rơi sâu hơn vào vòng xoáy nguy hiểm do các động thái quân sự không ngừng của các nước thù địch.”

Đây không phải là lần đầu tiên Triều Tiên thử nghiệm hệ thống tên lửa đồng thời với diễn tập mô phỏng phản công hạt nhân, song là lần đầu tiên nước này đưa vào sử dụng hệ thống chỉ huy và kiểm soát hạt nhân.

Theo chuyên gia Joseph Dempsey tại Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế, Triều Tiên đang cho thấy khả năng chuyển đổi bệ phóng tên lửa từ vũ khí thông thường sang vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên chuyên gia này cũng cho rằng vẫn khó đánh giá mức độ phát triển của hệ thống chỉ huy và kiểm soát hạt nhân của Triều Tiên.

Triều Tiên trong những tháng gần đây đã thử nghiệm một loạt vũ khí, bao gồm cả pháo tầm xa, một phương tiện lượn siêu thanh mà theo lý thuyết có thể mang đầu đạn vượt qua hệ thống phòng không của Hàn Quốc và Mỹ, và một tên lửa đạn đạo liên lục địa.  Trong khi đó, Mỹ và Hàn Quốc cũng đã nối lại các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn, gần đây nhất là Khóa huấn luyện bay Hàn Quốc 2024 kéo dài hai tuần, bắt đầu từ ngày 12/4. Theo những nước này, đây là sự kiện huấn luyện quan trọng nhằm bảo vệ lợi ích của Mỹ, Hàn Quốc, cũng như các đồng minh và đối tác.  

“Qua khóa đào tạo này, chúng tôi đã khẳng định tinh thần đồng đội chặt chẽ giữa các phi công Mỹ và Hàn Quốc , đồng thời có thể tái khẳng định liên minh vững chắc giữa 2 nước. Thông qua huấn luyện thực tế, chúng tôi đã củng cố niềm tin vào khả năng phản ứng mạnh mẽ của mình trước bất kỳ hành động khiêu khích nào”, ông Kim Seong Jeoan thuộc Quân đội Hàn Quốc cho biết.

Kể từ khi tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên cách đây hơn một thập kỷ, Triều Tiên đã nâng cao năng lực vũ khí của mình với tham vọng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để có thể lắp vào tên lửa tầm xa. Một báo cáo năm 2017 của Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ đã kết luận rằng Triều Tiên có thể đã đạt được mục tiêu chính là thu nhỏ vũ khí, nhưng chưa thể xác định liệu chúng có đủ nhỏ và nhẹ để lắp vào tên lửa hay không.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống