Theo các nguồn tin của Ukraine từ mặt trận, các nhóm trực thăng tấn công của Nga đang sử dụng các phương pháp mới để chống lại radar theo dõi mục tiêu của Ukraine. Cụ thể, trực thăng Ka-52 và Mi-35 được trang bị các thiết bị định hướng có khả năng làm nhiễu radar của Ukraine.
Thông tin này được công bố trong báo cáo mới nhất vào ngày 4/9 của Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI). Các chuyên gia bao gồm tiến sĩ Jack Watling và Nick Reynolds đã thực hiện một bài phân tích có tựa đề “Vượt bão: Chiến đấu xuyên qua hệ thống phòng thủ của Nga trong cuộc tấn công năm 2023 của Ukraine”.
Tài liệu trên đã làm sáng tỏ chiến thuật tác chiến điện tử (EW) được không quân Nga sử dụng để tấn công các vị trí của Ukraine. Quân đội Ukraine đã nhận thấy mối liên hệ giữa việc quân đội Nga tiến hành gây nhiễu GPS và các cuộc tấn công từ trên không ngay sau đó.
Các chuyên gia Anh cho rằng, nhiều đơn vị trực thăng của Nga hiện đang hoạt động rất gần khu vực tiền tuyến và đây là một trong những vấn đề đối với không quân Nga. Vì khi trực thăng hoạt động ở gần mặt trận, thì sở chỉ huy, các điểm tiếp tế vũ khí, trang bị và hậu cần cũng ở gần đó. Điều này có nghĩa là các trung tâm chỉ huy và trạm tiếp tế của quân đội Nga đều nằm trong tầm bắn của pháo binh Ukraine.
Các thiết bị định hướng của Nga hoạt động thế nào?
Các thiết bị định hướng mới được trực thăng Nga sử dụng có khả năng phát ra tín hiệu gây nhiễu theo các hướng cụ thể, cho phép chúng vô hiệu hoá các mục tiêu của đối phương mà không gây tổn hại đến các hệ thống của quân đội Nga.
Được trang bị công nghệ quét điện tử tiên tiến, những thiết bị này sẽ xác định và định vị chính xác vị trí phát sóng radar của đối phương. Sau khi phát hiện tín hiệu radar của kẻ địch, hệ thống gây nhiễu trên trực thăng sẽ nhanh chóng phân tích tần số, cách điều chế và các đặc điểm khác để tạo ra phản ứng gây nhiễu thích hợp.
Cách tiếp cận mục tiêu này giúp tối đa hóa hiệu quả gây nhiễu, giảm thiểu nguy cơ vô tình làm ảnh hưởng đến hệ thống radar hoặc các kênh liên lạc của những đơn vị bạn.
Nguyên tắc hoạt động cơ bản của thiết bị này là áp đảo máy thu radar đối phương bằng tín hiệu cường độ cao, khiến radar đối phương không thể phát hiện và theo dõi chính xác mục tiêu. Bằng cách phát ra tín hiệu trên cùng tần số với radar của đối phương, những thiết bị này có thể tạo ra nhiễu gây nhầm lẫn, khiến người điều khiển radar khó phân biệt được mục tiêu thật với mục tiêu giả.
Các ứng dụng khác của thiết bị định hướng
Ngoài việc gây nhiễu, các thiết bị định hướng radar của Nga có thể sử dụng các kỹ thuật tác chiến điện tử khác để đánh lừa radar của đối phương. Ví dụ, chúng có thể phát ra tín hiệu radar sai, được gọi là mồi nhử hoặc mục tiêu giả, để gây nhầm lẫn cho các thuật toán theo dõi radar của đối phương.
Bằng cách mô phỏng sự hiện diện của nhiều mục tiêu hoặc tạo ra tiếng vang ảo, những thiết bị này có thể tạo ra những tín hiệu khó phân tích, khiến radar đối phương khó xác định chính xác để tấn công các mục tiêu thực.
Khả năng đánh lừa này gây ra những phức tạp, làm giảm hiệu quả của radar đối phương, tăng khả năng sống sót cho trực thăng Nga.
Khả năng nâng cấp
Các thiết bị dẫn đường tác chiến điện tử của Nga trang bị trên trực thăng Ka-52 và Mi-35 được thiết kế có khả năng tương thích cao và nâng cấp mở rộng trong tương lai. Chúng bao gồm các thuật toán xử lý tín hiệu tiên tiến và kỹ thuật nhảy tần số để đối phó với các công nghệ radar tiên tiến của đối phương.
Một tính năng quan trọng của các thiết bị này là khả năng tự phân tích và thích ứng với lượng phát xạ radar của đối phương. Khả năng này đảm bảo rằng các thiết bị tác chiến điện tử vẫn giữ được hiệu quả trước các hệ thống radar tiên tiến.
Tính năng nâng cấp mở rộng sẽ đảm bảo cho thiết bị định hướng cập nhật kịp thời các thiết bị tác chiến điện tử mạnh mẽ, giúp nó có khả năng chống lại các mối đe dọa mới trên chiến trường tương lai.
Mặc dù thực tế lực lượng vũ trang Ukraine nắm được vị trí của các điểm tiếp nhiên liệu và vũ khí của trực thăng Nga, nhưng họ đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể.
Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh đã chỉ rõ những thách thức này như sau: “Sự thiếu hụt các hệ thống phòng không chiến thuật trong kho vũ khí Ukraine, cộng với những công nghệ tiên tiến mà quân đội Nga thay đổi liên tục trên chiến trường đang tạo ra những thách thức ghê gớm, trong việc chống lại các cuộc tấn công từ trên không”.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống