Trực thăng NH90 Sea Tiger hoàn thành thử nghiệm bay, bàn giao vào năm 2025

 

NH90 Sea Tiger là biến thể hải quân mới nhất của trực thăng NH90, được phát triển để đáp ứng các yêu cầu của Hải quân Đức về khả năng tác chiến chống tàu ngầm (ASW) và tác chiến chống tàu nổi (ASuW) tiên tiến. Trực thăng này được thiết kế để hoạt động từ các khinh hạm và các tàu hải quân khác.

Tháng 11/2020, chính phủ Đức đã phê duyệt việc mua sắm 31 trực thăng NH90 Sea Tiger để thay thế cho đội bay Sea Lynx Mk88A đã cũ. Hợp đồng có giá trị khoảng 2,7 tỷ euro, bao gồm phụ tùng, phụ kiện và tài liệu đào tạo. Sea Tiger dựa trên nền tảng NH90 NFH (Trực thăng khinh hạm NATO) đã được chứng minh và kết hợp một số cải tiến để đáp ứng nhu cầu cụ thể của Hải quân Đức.

NH90 là trực thăng quân sự đa năng, hai động cơ, cỡ trung được phát triển để đáp ứng các yêu cầu của NATO về một máy bay trực thăng cánh quạt đa năng và hiện đại. Máy bay này do NHIndustries - một tập đoàn gồm Airbus Helicopters, Leonardo Helicopters và Fokker Aerostructures sản xuất.

Được thiết kế cho cả hoạt động trên bộ và trên biển, NH90 có hai biến thể chính: Trực thăng vận tải chiến thuật (TTH), được thiết kế riêng cho các nhiệm vụ của quân đội như vận chuyển quân và thiết bị, sơ tán y tế và các nhiệm vụ tiện ích, và Trực thăng khinh hạm NATO (NFH), được tối ưu hóa cho các ứng dụng hải quân bao gồm tác chiến chống tàu ngầm và chống tàu nổi, tìm kiếm cứu nạn và giám sát hàng hải.

Một tính năng đặc trưng của NH90 là hệ thống điều khiển bay hoàn toàn bằng dây (fly-by-wire), là hệ thống đầu tiên thuộc loại này trên trực thăng. Công nghệ này giúp tăng cường độ ổn định khi bay và giảm khối lượng công việc của phi công. Khung máy bay được chế tạo bằng cách sử dụng rộng rãi các vật liệu composite, tạo nên cấu trúc nhẹ hơn và bền hơn với độ phản xạ radar thấp hơn. Cabin rộng rãi có thể chứa tới 20 binh lính được trang bị đầy đủ hoặc 12 cáng để sơ tán y tế.

Kể từ khi đưa vào sử dụng năm 2007, NH90 đã được nhiều quốc gia áp dụng, bao gồm Bỉ, Đức, Pháp, Italy và Hà Lan. Đến đầu năm 2023, hơn 500 chiếc đã được giao, tích lũy được hơn 400.000 giờ bay. Mặc dù có thiết kế tiên tiến, chương trình này đã phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm các vấn đề kỹ thuật và lo ngại về chi phí bảo dưỡng và vận hành.

Để ứng phó, NHIndustries đã triển khai các chương trình nâng cấp để nâng cao hiệu suất và độ tin cậy của trực thăng. Một hợp đồng trị giá 600 triệu euro gần đây với Cơ quan quản lý trực thăng NATO cho thấy những nỗ lực đang diễn ra nhằm hiện đại hóa NH90 và kéo dài tuổi hoạt động của máy bay.

Được biết, các đặc điểm chung của trực thăng NH90: chiều dài: 16,13 m; trọng lượng rỗng: 6.400 kg; trọng lượng cất cánh tối đa: 10.600 kg; được gắn 2 động cơ trục tua bin General Electric CT7-8E, công suất 1.845 kW (2.474 mã lực) mỗi chiếc, hoặc 2 động cơ trục tua bin Rolls-Royce Turbomeca RTM322-1/9, công suất 1.802 kW (2.417 mã lực) mỗi chiếc.

NH90 có thể đạt tốc độ tối đa 300 km/h, tầm bay 800 km (TTH) và 1.000 km (NFH); trần bay 6.000 m; tốc độ leo 8 m/s; trực thăng được gắn 2 súng ở cửa, đồng thời cả tên lửa chống tàu ngầm và/hoặc tên lửa không đối đất - pháo 20 mm (phiên bản NFH) hay tên lửa (TTH). Phi hành đoàn NH90 gồm 2 phi công và một nhân viên vận hành cảm biến; có thể chứa 20 quân nhân ngồi, hoặc 12 cáng cứu thương, hoặc 2 pallet NATO, hoặc tải trọng treo ngoài 4.200 kg.

Trong 11 tháng qua, trực thăng NH90 Sea Tiger đã có hơn 140 giờ bay, khẳng định hiệu suất, khả năng hoạt động và khả năng sẵn sàng triển khai của nó. Giai đoạn thử nghiệm đã đánh giá khả năng thực hiện các nhiệm vụ đa dạng của Sea Tiger, bao gồm tác chiến chống tàu ngầm (ASW), tác chiến chống tàu nổi (ASuW) và giám sát hàng hải.

Chiến dịch này cũng tập trung vào việc tích hợp các hệ thống nhiệm vụ tiên tiến, chẳng hạn như sonar nhúng, hệ thống radar, tải trọng tên lửa và ngư lôi, đảm bảo hiệu suất trong các tình huống hoạt động phức tạp. NHIndustries và nhà chức trách Đức có kế hoạch bàn giao NH90 Sea Tiger trong năm 2025.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống