Trung Quốc lần đầu không tổ chức họp báo Thủ tướng tại “Lưỡng hội” sau hơn 30 năm

 

Kỳ họp thứ hai Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Nhân đại, tức Quốc hội) Trung Quốc khóa XIV sẽ khai mạc vào sáng 5/3 tại Bắc Kinh, với trọng tâm là báo cáo công tác chính phủ đầu tiên của Thủ tướng Lý Cường. Đây là một trong hai kỳ họp mà Trung Quốc gọi là “Lưỡng hội” – sự kiện chính trị thường niên quan trọng của đất nước tỷ dân.

Theo thông tin tại cuộc họp báo ngày 4/3, kỳ họp lần này sẽ kéo dài 7 ngày và bế mạc vào chiều 11/3, ngắn hơn một ngày rưỡi so với kỳ họp đầu khóa tổ chức năm ngoái.

Trong phiên khai mạc sáng ngày 5/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường sẽ trình bày báo cáo công tác chính phủ đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình. Các vấn đề kinh tế và quốc kế dân sinh dự kiến ​​sẽ là trọng tâm của báo cáo này. Tuy nhiên, khác với thường niên, năm nay Trung Quốc sẽ không tổ chức cuộc họp báo của Thủ tướng sau phiên bế mạc hội nghị.

Ông Lâu Cần Kiệm (Lou Qinjian), người phát ngôn kỳ họp Quốc hội Trung Quốc năm nay, cho biết: “Sau bế mạc Kỳ họp thứ hai Nhân đại Toàn quốc khóa 14 năm nay sẽ không tổ chức cuộc họp báo của Thủ tướng. Nếu không có gì đặc biệt, họp báo của Thủ tướng cũng sẽ không tổ chức trong vài năm tới của Nhân đại toàn quốc khóa này”.

Theo truyền thông Trung Quốc, việc tổ chức họp báo của người đứng đầu chính phủ bắt đầu từ thời Thủ tướng Chu Ân Lai, nhưng đến năm 1987 mới chính thức trở thành thể chế.

Từ năm 1988, Trung Quốc bắt đầu truyền hình trực tiếp các buổi họp báo tại “Lưỡng hội”. Đến tháng 6/1991, tại Kỳ họp thứ tư Nhân đại toàn quốc khóa VII, Thủ tướng Trung Quốc khi đó Lý Bằng đã lần đầu tiên tham dự họp báo trên cương vị Thủ tướng.

Kể từ đó, trừ năm 1992, họp báo Thủ tướng tại “Lưỡng hội” đã được tổ chức thường niên và thể chế hóa từ năm 1993.

Họp báo Thủ tướng luôn là hoạt động được giới truyền thông hết sức trông đợi tại hai kỳ họp của Trung Quốc suốt nhiều năm qua. Trong cuộc họp báo kéo dài hơn một giờ năm ngoái, Thủ tướng Lý Cường khi đó vừa mới nhậm chức đã trả lời câu hỏi của phóng viên đến từ 10 hãng truyền thông trong và ngoài nước về hàng loạt vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế, cải cách mở cửa và quan hệ đối ngoại của Trung Quốc.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống