ATACMS và F-16 đứng đầu danh sách vũ khí mong muốn của Ukraine
Cuộc tấn công của Ukraine vào thành phố cảng Sevastopol ở Crimea bằng tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh và SCALP của Pháp vào lúc rạng sáng 13/9 đã tạo ra bước ngoặt mới trong cuộc xung đột.
Theo giới phân tích, vụ việc này cho thấy Kiev có thể tấn công các mục tiêu từ khoảng cách hơn 250km với độ chính xác cao, gia tăng áp lực lên các cứ điểm quân sự và các tuyến tiếp tế của Nga ở phía sau chiến tuyến.
Nhưng đối với Ukraine, việc sở hữu tên lửa Storm Shadow và SCALP vẫn là chưa đủ, bởi chúng được cung cấp với số lượng hạn chế và chỉ có thể được phóng từ trên không. Điều này tạo ra những thách thức về hậu cần trong không phận Ukraine.
Đó là lý do trong hơn một năm qua, Tổng thống Zelensky liên tục hối thúc Mỹ cung cấp tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS có thể tấn công các mục tiêu cách xa khoảng 305km với đầu đạn chứa khoảng 170kg chất nổ và tương thích với nhiều bệ phóng tên lửa hiện có của Ukraine. Kiev cho rằng, loại vũ khí này sẽ đặt gần như toàn bộ các lực lượng Nga trên lãnh thổ Ukraine nằm trong phạm vi tấn công.
Cho đến thời điểm hiện tại, chính quyền Tổng thống Biden vẫn ngần ngại cung cấp ATACMS cho Ukraine, lo ngại điều này có thể làm leo thang căng thẳng với Nga, khiến xung đột vượt ra ngoài biên giới Ukraine hoặc dẫn tới việc sử dụng những loại vũ khí có sức tàn phá mạnh trên chiến trường, chẳng hạn như vũ khí hạt nhân.
Tuy vậy, Tổng thống Ukraine vẫn kỳ vọng vào việc tiếp nhận loại tên lửa này khi ông chuẩn bị đến thăm Washington ngày 21/9 sau khi tham dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York. “Chúng tôi đang ở vạch đích. Tôi chắc chắn về điều đó”, ông Zelensky phát biểu khi trả lời phỏng vấn của CNN.
Hiện có rất nhiều báo cáo khác nhau về việc liệu chính quyền Biden có chấp nhận cung cấp tên lửa ATACMS tới Ukraine hay không. ABC News hôm 9/9 đưa tin Mỹ đang nghiêng về việc gửi ATACMS tới Ukraine, ngay cả khi quyết định cuối cùng chưa được đưa ra. Vào ngày 15/9, Axios báo cáo rằng chính quyền Biden vẫn vẫn đang cân nhắc và có thể khó đạt được quyết định cuối cùng khi ông Zelensky tới thăm Mỹ. Trong khi một quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng: “Cuộc trò chuyện đó có thể xảy ra khi Tổng thống Zelensky gặp Tổng thống Biden”.
Giới quan sát cho rằng, kế hoạch của Ukraine trong thời gian sắp tới có thể tập trung chủ yếu vào tìm kiếm sự hỗ trợ để duy trì và đổi mới kho vũ khí khi nước này sử dụng hết phần lớn nguồn cung trong bối cảnh giao tranh vẫn diễn ra ác liệt.
Mark F. Cancian, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho rằng: “Hai loại vũ khí đứng đầu danh sách mong muốn của Ukraine là ATACMS và F-16. Nếu được cung cấp, chúng sẽ mang ý nghĩa biểu tượng mạnh mẽ đối với cuộc phản công của quốc gia này”.
Phương Tây hiện đang đào tạo cho các phi công Ukraine cách vận hành máy bay chiến đấu F-16. Các quan chức Mỹ cho biết, tiêm kích này sẽ được chuyển giao cho Ukraine vào cuối năm nay. Hà Lan và Đan Mạch cũng đã cam kết cung cấp 61 chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine dù con số chính xác của mỗi nước vẫn chưa rõ ràng.
Dù Ukraine khẳng định, chiến đấu cơ tiên tiến của phương Tây sẽ mang lại nhiều lợi thế và có thể giúp Kiev thay đổi cán cân sức mạnh trên chiến trường. Nhưng đến thời điểm hiện tại, mạng lưới các hệ thống phòng không dày đặc mà hai bên triển khai đã hạn chế đáng kể hoạt động của máy bay chiến đấu, khiến xung đột chủ yếu trở thành cuộc chiến trên bộ.
ATACMS là hệ thống vũ khí mới cuối cùng trong danh sách dài trang thiết bị mà các quan chức Ukraine kêu gọi phương Tây cung cấp kể từ khi xung đột bắt đầu. Mặc dù các phương tiện và vũ khí có giá trị lớn như F-16 và ATACMS đang trở thành tâm điểm trong vấn đề viện trợ quân sự cho Ukraine, nhưng các chuyên gia cho rằng việc duy trì tính bền vững trong nỗ lực viện trợ, mới là điều quan trọng.
Điều Ukraine cần nhất ở phương Tây
Báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội (CRS) Mỹ cho rằng: “Trọng tâm của Ukraine có thể chuyển sang tính bền vững của việc duy trì kho vũ khí vì các đối tác phương Tây gần như đã cạn kiệt nguồn cung cấp những trang thiết bị mới”.
Mykola Bielieskov, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia ở Kiev lưu ý: “Đối với Ukraine, nguồn cung cấp đạn dược ổn định là điều quan trọng nhất để có thể duy trì đà tấn công. Trong cuộc chiến tiêu hao mà Kiev đang phải đối mặt dọc tuyền tuyến, việc duy trì tốc độ tấn công ổn định bằng pháo binh rất cần thiết”.
Cùng chung quan điểm này, chuyên gia Mark F. Cancian nhận định: “Những đơn vị chiến đấu trên chiến trường phải tiêu tốn một lượng lớn vũ khí, đạn dược và vật tư. Nếu không được bổ sung đạn pháo, thiết bị kỹ thuật, xe tải, vật tư y tế, khả năng quân sự của Ukraine sẽ giảm sút”.
Giới chức Ukraine cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hệ thống phòng không để giúp bảo vệ tiền tuyến cũng như các khu đô thị của Ukraine khi mùa đông đến gần. Trong suốt mùa hè, Ukraine đã phải gồng mình vượt qua các chiến hào và bãi mìn trải rộng trước các thành trì quan trọng của Nga ở phía Đông và Đông Nam Ukraine. Mỹ đã cung cấp cho Ukraine một số hệ thống rà phá bom mìn nhưng Nga lại nhắm mục tiêu vào những hệ thống này nhằm làm chậm tiến độ cuộc phản công của Ukraine.
Chính quyền Biden có sẵn sàng đảo ngược lập trường?
Dù chưa rõ Mỹ có quyết định cung cấp tên lửa ATACMS cho Ukraine hay không, nhưng việc chính quyền Biden thảo luận một cách nghiêm túc về vấn đề này cho thấy sự dao động đáng kể về lập trường. Cách đây hơn một năm, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan đã bác bỏ khả năng cung cấp ATACMS cho Ukraine. Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen, ông Jake Sullivan nói: “Có một số vũ khí nhất định mà Tổng thống Biden cho biết ông chưa sẵn sàng cung cấp cho Ukraine. Một trong số đó là tên lửa tầm xa ATACMS. Chính quyền muốn đảm bảo chúng ta không rơi vào tình thế phải đối mặt với một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba”.
Trước đó, Mỹ đã nhiều lần đảo ngược chính sách để cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng không Patriot, bệ phóng tên lửa HIMARS tầm xa, xe tăng M1 Abrams và máy bay chiến đấu F-16. Ngoài ra, Washington cũng chuyển giao cho Ukraine bom chùm và đạn chống tăng.
William B. Taylor, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine cho rằng, sự thay đổi nói trên cho thấy chính quyền Biden đang tự bước qua các rào cản để viện trợ quân sự cho Ukraine. “Chính phủ Mỹ đã từng bước cung cấp vũ khí với số lượng lớn hơn và ngày càng tiên tiến hơn cho Ukraine”.
Tiến sĩ Margarita Konaev – Phó Giám đốc phân tích tại Trung tâm an ninh và công nghệ mới nổi lưu ý, “đã có một cuộc cách mạng thực sự” trong sự hỗ trợ an ninh mà Mỹ dành cho Ukraine. “Mặc dù chính quyền Biden rất thận trọng để tránh leo thang căng thẳng với Nga nhưng họ cũng nhận thấy rằng Nga không muốn rơi vào cuộc xung đột trực tiếp với NATO, vì thế họ sẽ có nhiều cơ hội hành động hơn”.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống