Trong bối cảnh chiến sự tiếp tục căng thẳng, Ukraine mới đây đã bày tỏ lo ngại về chất lượng đạn dược do các đồng minh phương Tây cung cấp, sau khi phát hiện một phần đáng kể đạn pháo không đạt tiêu chuẩn.
Theo thông tin từ tờ Handelsblatt của Đức, các quả đạn không phát nổ như dự định, thay vào đó chỉ phát nổ cách nòng pháo từ 20 đến 60 mét, gây nguy hiểm cho binh lính và làm hỏng các hệ thống pháo. Vấn đề này khiến Ukraine lo ngại về hiệu quả và an toàn của lực lượng phòng thủ của mình trước các cuộc tấn công từ Nga.
Loại đạn pháo gặp vấn đề được cho là do Mỹ cung cấp cho Ukraine, theo một sáng kiến của CH Séc. Trong thư gửi tới CH Séc, Chính phủ Ukraine nêu rõ: "Trong quá trình sử dụng các loại đạn pháo này trong chiến đấu, nhiều vụ nổ đã xảy ra ở khoảng cách từ 20 đến 60 mét từ nòng pháo, gây ra thương tích cho binh lính và thiệt hại cho các hệ thống pháo".
Nguyên nhân chính được cho là do các loại kíp nổ lỗi thời, cụ thể là M515 và M51A5, được phát triển từ thời Thế chiến II. Tỷ lệ đạn lỗi được ước tính là 0,05%, tức khoảng năm quả đạn phát nổ sớm trên khoảng 10.000 quả được bắn ra. Tuy tỷ lệ này có vẻ nhỏ, nhưng nó có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho các hoạt động chiến đấu, đặc biệt trong điều kiện tác chiến khắc nghiệt như ở Ukraine.
Sự cố đạn nổ sớm không chỉ gây thương vong cho binh lính Ukraine mà còn làm gián đoạn các chiến dịch quân sự. Đạn pháo là yếu tố quan trọng trong chiến thuật phòng thủ và tấn công của quân đội Ukraine, việc không đảm bảo tính an toàn và hiệu quả của các loại đạn này có thể ảnh hưởng đến khả năng chiến đấu của họ trên chiến trường.
Nguyên nhân dẫn đến đạn nổ sớm
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt đạn dược, vào tháng 2/2024, Chính phủ Séc đã đề xuất mua 800.000 quả đạn từ các thị trường toàn cầu để hỗ trợ Ukraine. Đức trở thành nhà tài trợ lớn nhất, khi cung cấp khoảng 180.000 quả đạn. Tuy nhiên, vấn đề đạn dược lỗi đã làm dấy lên câu hỏi về tính hiệu quả của việc cung cấp đạn dược. Chính phủ Séc xác nhận rằng một số ít đạn pháo gặp phải sự cố kỹ thuật, nhưng nhấn mạnh rằng những vấn đề này đã được khắc phục nhờ hợp tác với các nhà cung cấp.
Công ty sản xuất vũ khí CSG của Séc, đơn vị cung cấp đạn pháo cho Ukraine, cũng thừa nhận rằng một số loại đạn pháo gặp phải lỗi, nhưng chỉ trong một phần rất nhỏ trong tổng số đạn dược. Họ cho rằng lỗi có thể xuất phát từ sự kết hợp không phù hợp giữa các thành phần đạn, chẳng hạn như kíp nổ và thuốc phóng. Việc sử dụng các bộ phận không tương thích có thể gây ra hiện tượng nổ sớm, làm giảm hiệu quả sử dụng của đạn pháo.
Một nguyên nhân khác có thể liên quan đến việc đạn dược được lưu trữ quá lâu trước khi được gửi đến Ukraine. Theo một bài báo của tờ Financial Times, Chính phủ Anh đã cung cấp cho Ukraine một số lượng đạn dược vốn được chỉ định để tiêu hủy nhằm tiết kiệm chi phí. Điều này có thể dẫn đến việc đạn không còn hoạt động đúng cách sau thời gian dài bảo quản.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống