Ukraine tuyên bố tên lửa HIMARS phá hủy 1 hệ thống S-400 của Nga

 

Trước đó, vào cuối tháng 6/2023, bệ phóng S-400 này  đã thực hiện cuộc tấn công vào Kramatorsk ở tỉnh Donetsk (khu vực do Ukraine kiểm soát).

Cụ thể, Trung tâm Truyền thông Chiến lược và An ninh Thông tin của Ukraine (Stratcom) đăng tải tweet hôm 14/7, hệ thống tên lửa HIMARS MLRS Ukraine đã phá hủy bệ phóng S-400 của Nga để đáp trả cuộc tấn công trước đó vào thị trấn Kramatorsk ở tỉnh Donetsk ngày 27/6.

Tuyên bố của Stratcom Ukraine có đoạn: “Hệ thống HIMARS của Ukraine đã phá hủy thành công tên lửa S-400 của Nga”, đồng thời họ nhấn mạnh thêm rằng HIMARS vẫn là vũ khí tấn công rất hiệu quả.

Những bức ảnh do Stratcom đăng tải cho thấy một bệ phóng S-400 cháy hoàn toàn. Tổ hợp phòng không này được xem là những thiết bị hiện đại nhất của lực lượng phòng không Nga hiện nay.

Các nguồn tin Ukraine cho biết, vào ngày 27/6 quân đội Nga đã tiến hành cuộc trận tấn công bằng tên lửa vào vùng Kramatorsk. Thống đốc khu vực Pavlo Kyrylenko thông báo vụ tấn công gây ra nhiều thương vong và thiệt hại về cơ sở hạ tầng.

Ngay sau vụ việc, các đánh giá sơ bộ và nguồn tin tình báo Ukraine cho biết, cuộc tấn công được thực hiện bằng tên lửa đất đối không S-300. Tuy nhiên, sau đó Cảnh sát Quốc gia Ukraine cho rằng vụ tấn công được tiến hành bởi tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander.

Xe chở dàn phóng 5P85SM2-01 TEL bị phá hủy.

Xe chở dàn phóng 5P85SM2-01 TEL bị phá hủy.

Một số chuyên gia quân sự nhận định, sở dĩ Kramatorsk trở thành mục tiêu tấn công của tên lửa Nga là do thành phố này nằm gần tiền tuyến và có trụ sở đóng quân của quân đội Ukraine. Kramatorsk chỉ cách vùng chiến sự và điểm nóng Bakhmut ở Donetsk khoảng 55 km.

Điều đáng nói nhất trong tuyên bố của Stratcom là hệ thống S-400 bị phá huỷ bởi bệ phóng HIMARS. Trước đó, có những báo cáo cho rằng HIMARS đã bị Nga vô hiệu hoá và không còn hoạt động hiệu quả.

Vào tháng 1/2023, cũng đã xuất hiện những bức ảnh xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy một tổ hợp S-400 của Nga bị phá huỷ trên chiến trường Ukarine. Sau đó nhiều tờ báo cũng đưa tin, quân đội Nga đã mất một bệ phóng S-400 Triumf ở khu vực Zaporizhzhia, miền đông Ukraine.

Nga dùng S-400 tấn công Ukraine

Tình báo Ukraine tiết lộ, gần đây Nga sử dụng các loại tên lửa phòng không như S-300 và S-400 với tần suất cao hơn để tấn công các mục tiêu trên mặt đất sâu trong lãnh thổ Ukraine.

Người phát ngôn của Không quân Ukraine, ông Yuriy Inhat xác nhận các lực lượng Nga đã triển khai số lượng lớn S-300 tấn công các mục tiêu trên mặt đất. Không chỉ S-300, tên lửa hiện đại S-400 cũng được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ này.

Hình ảnh được cho là radar 92N2E bị phá hủy.

Hình ảnh được cho là radar 92N2E bị phá hủy.

S-300 và S-400 là những hệ thống phòng không hiện đại, chúng được chế tạo để tấn công các mục tiêu trên không. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho rằng Nga đã sửa đổi các hệ thống phòng không này để chúng có khả năng thực hiện tấn công các mục tiêu trên mặt đất thay cho các loại tên lửa tầm xa.

Theo các báo cáo trước đó, ngày 14/01 tên lửa phòng không S-400 đã được ghi nhận tham gia tấn công vào Kiev. Một số nguồn tin phương Tây suy đoán các tên lửa S-400 được khai hỏa vào thời điểm đó rất có thể được phóng đi từ căn cứ không quân Zyabrovka ở Belarus. 

Đầu đạn 48N6DM của tên lửa S-400 có trọng lượng là 180 kg và có tầm bắn tối đa 250 km đối với cả mục tiêu trên không và mặt đất. Tốc độ tối đa của tên lửa có thể đạt tới Mach 14.

Tên lửa có thể được kích nổ ngay cả ở độ cao thấp hoặc khi tiếp xúc trực tiếp với bề mặt của mục tiêu, tạo ra sức công phá rất lớn. Tuy vậy, theo một số nguồn tin, đầu đạn 48N6DM có độ chính xác kém ngay cả ở cự ly gần, khiến chúng thường xuyên bắn trượt mục tiêu. Và để đảm bảo độ chính xác của đòn tấn công, cơ chế dẫn đường của tên lửa 48N6DM ở chế độ “đất đối đất” được sửa đổi để radar có thể dẫn đường trực tiếp cho tên lửa.

Các nguồn tin Ukraine lưu ý, lực lượng phòng không và chống tên lửa của nước này gặp rất nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn những vụ tấn công do tên lửa S-300 hoặc S-400. Bởi rất khó để phân biệt đó là một vụ tấn công vào mục tiêu trên không hay mặt đất.

Các chuyên gia quân sự nhận định, “trong những điều kiện như vậy, không phải lúc nào cũng có thể cảnh báo kịp thời cho các lực lượng về mối đe dọa tên lửa. Vụ pháo kích mới nhất cho thấy hệ thống cảnh báo trên không ở thủ đô Kiev không có đủ thời gian để nhận biết”.

HIMARS từng mang lại nhiều lợi thế trên chiến trường cho quân đội Kiev và gây ra nhiều thiệt hại cho các lực lượng Nga. Tuy nhiên, sau đó quân đội Nga đã tìm cách hoá giải và làm giảm đáng kể khả năng hoạt động của những hệ thống HIMARS. Cho đến hiện tại vũ khí này vẫn gây nhiều tranh cãi về khả năng của nó trên chiến trường Ukraine.

Lê Hưng(Nguồn: EurAsian Times)

Bổ ích

Xúc động

Sáng tạo

Độc đáo

Phẫn nộ

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống