Vì sao Kazakhstan tiếp tục chọn tiêm kích Su-30SM?

 

Mới đây, không quân Kazakhstan đã nhận được 6 chiếc Su-30SM tiếp theo từ Nhà máy hàng không Irkutsk thuộc Tập đoàn chế tạo máy bay thống nhất (UAC) của Nga. Những chiếc máy bay chiến đấu này được triển khai thường trực tại Căn cứ không quân 602 ở Shymkent và sẽ thay thế những chiếc MiG-29 cũ từ thời Liên Xô.

Trước đó Kazakhstan đã mua 24 chiếc Su-30SM từ Nga và nhận đầy đủ vào năm 2020. Sau khi mất một chiếc vào năm 2021 do tai nạn, kế hoạch mua sắm mới đã được Astana công bố vào mùa thu năm 2023. Vì thế, số máy bay chiến đấu mới nhận có thể là lô đầu tiên trong số 10 tiêm kích Su-30SM được chính phủ Kazakhstan đặt hàng theo hợp đồng ký vào cuối năm ngoái. Cho tới nay, không quân Kazakhstan đã sở hữu tổng cộng 29 máy bay Su-30SM.

leftcenterrightdel

Tiêm kích Su-30SM của Kazakhstan. Ảnh: Airliners 

Tuy nhiên, vào cuối năm 2023 còn xuất hiện những thông tin gây xôn xao rằng sau khi cho nghỉ hưu các phi đội MiG-29 và MiG-31 của Liên Xô, Kazakhstan có thể trở thành nhà khai thác mới nhất của máy bay Rafale. Ở chiều ngược lại, cũng có thông tin cho rằng hãng Dassault Aviation của Pháp đã theo đuổi Kazakhstan và Uzbekistan trong một thời gian dài nhằm giới thiệu máy bay Rafale. Tuy nhiên vẫn chưa có thông tin xác nhận chính thức từ hai quốc gia Trung Á này. Song trong một tuyên bố, tướng Yerzhan Nildibayev, Phó tư lệnh Không quân Kazakhstan nêu rõ: “Tiêm kích Rafale quá đắt đỏ, nên chúng tôi chuyển sang máy bay Su-30SM khi xét đến tỷ lệ chất lượng - giá cả giữa hai lựa chọn này”.

Trong bài phân tích mới đây, tạp chí Military Watch đã có những đánh giá sâu hơn về quyết định của Kazakhstan.

Đầu tiên, Military Watch cho rằng trường hợp của Kazakhstan tương tự như quyết định của Algeria vào giữa những năm 2000, khi mà Pháp cũng tích cực quảng bá tiêm kích Rafale, song lại chỉ nhận được cái lắc đầu từ phía Algiers. Theo Military Watch, một trong những lợi ích chính của tiêm kích Su-30SM đối với cả hai quốc gia trên đó là máy bay có tầm hoạt động xa nên khả năng bao quát không phận lớn. Military Watch đánh giá tiêm kích Rafale cũng có tầm hoạt động tương đối xa so với nhiều máy bay chiến đấu hạng nhẹ khác, song vẫn ngắn hơn khi so sánh với các đối thủ nặng ký như Su-30 hoặc F-15 của Mỹ. Tiêm kích Su-30SM có thể bay tới 3.000km mà không cần tiếp nhiên liệu và sẽ kéo dài tầm hoạt động nhờ khả năng tiếp nhiên liệu trên không.

leftcenterrightdel
Cho tới nay, không quân Kazakhstan sở hữu tổng cộng 29 máy bay Su-30SM. Ảnh: Bộ Quốc phòng Kazakhstan 

“Không phận mà Không quân Algeria cần đảm nhiệm bảo vệ rộng gần tương đương với của Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy, Bỉ, Thụy Sĩ và Hy Lạp cộng lại. Trong khi lãnh thổ của Kazakhstan thậm chí còn lớn hơn 14% nữa”, Military Watch nhấn mạnh.

Thứ hai, Military Watch cho biết Su-30SM không chỉ có thể bay xa hơn và với tải trọng vũ khí lớn hơn nhiều, mà khả năng nhận thức tình huống của nó cũng lớn hơn đáng kể với radar N011M BARS có kích thước xấp xỉ gấp đôi radar RBE2 của Rafale. Theo công bố từ nhà sản xuất, loại radar này có cự ly tìm kiếm lên tới 400km và tầm theo dõi lên tới 200km. Ngoài ra, nó còn có khả năng phát hiện một nhóm xe tăng ở khoảng cách 40-50km, hoặc một mục tiêu to cỡ tàu khu trục ở khoảng cách 80-120km. Nhờ đó, Su-30SM trở thành một máy bay chiến đấu đa năng, vừa có thể đảm nhiệm cả hai nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không và nhiệm vụ cường kích tấn công mặt đất và mặt biển.

Thứ ba, động cơ AL-31FP trên máy bay Su-30SM được Military Watch đánh giá là mạnh mẽ hơn động cơ M88 của tiêm kích Rafale. Mỗi chiếc Su-30SM sử dụng hai động cơ AL-31FP với lực đẩy khoảng hơn 12 tấn và đạt tốc độ tối đa đến Mach 2 (gần 2.500km/giờ). Dù được ra mắt từ cuối những năm 1970, song động cơ AL-31FP luôn nhận được nhiều ca ngợi vì lực đẩy và độ tin cậy cao, được trang bị bộ đốt sau một giai đoạn và bảo đảm hiệu suất vững chắc ở cả tốc độ dưới âm và siêu thanh. Gần đây, các kỹ sư Nga liên tục tìm cách làm tăng khả năng chiến đấu của Su-30SM, trong đó đã phát triển động cơ AL-41F-1S mạnh hơn 20% và tăng tuổi thọ sử dụng gấp 4 lần từ 1.000 lên 4.000 giờ hoạt động so với người tiền nhiệm. Một trong những thành tựu chính của các nhà thiết kế là việc tích hợp hệ thống điều khiển tự động kỹ thuật số và hệ thống đánh lửa plasma vào động cơ AL-41F-1S, giúp tiết kiệm nhiên liệu và dễ điều khiển hơn. Động cơ mới sẽ đi vào sản xuất hàng loạt từ năm 2025 để đưa lên biến thể tiêm kích 30-SM2.

leftcenterrightdel
Tiêm kích Su-30SM có thể mang nhiều loại vũ khí có dẫn đường và không dẫn đường. Ảnh: Bộ Quốc phòng Kazakhstan 

Ngoài ra, Military Watch cũng chỉ ra một nhược điểm lớn của tiêm kích Rafale là các nhà cung cấp vũ khí phương Tây có thể áp đặt lệnh cấm vận đối với phụ tùng thay thế và tìm cách hạn chế cách sử dụng tài sản của họ ở nước ngoài. Một lý do khác là máy bay chiến đấu của Pháp sẽ gặp khó khăn về khả năng tương thích với các trang thiết bị trong biên chế của Kazakhstan có nguồn gốc từ Nga và Liên Xô, cũng như khó hoạt động trong đội hình chung với các khí tài của lực lượng Nga trong tình huống phối hợp tác chiến. Về giá thành, ước tính giá của tiêm kích Su-30SM là khoảng 50 triệu USD/chiếc, trong khi đó tiêm kích Rafale đắt hơn gấp đôi, khoảng 115 triệu USD.

Máy bay Su-30SM trang bị 1 pháo GSh-30-1 cỡ nòng 30mm và cơ số đạn 150 viên và mang nhiều loại vũ khí dẫn đường và không dẫn đường như các phiên bản Su-30 khác, như tên lửa không đối không, không đối đất, hay bom dẫn đường bằng laser…, cho phép máy bay có thể hoạt động tùy theo từng nhiệm vụ chiến thuật khác nhau.

Su-30SM là máy bay chiến đấu đa năng đã được biên chế trong Quân đội Nga từ đầu những năm 2010 và hiện Moscow đang sử dụng tiêm kích Su-30SM trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

THÁI HÀ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới để tiếp tục cập nhật, xem các tin, bài về vũ khí, trang bị, khí tài và hoạt động tác chiến của các nước trên thế giới.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống