Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/5 thông báo lá chắn phòng thủ tên lửa Vòm Vàng có chi phí khoảng 175 tỷ USD và dự kiến hoàn thành vào năm 2029.
“Tôi rất vui mừng thông báo chúng tôi đã chính thức lựa chọn thiết kế cho hệ thống hiện đại này, dự kiến sẽ triển khai các công nghệ thế hệ tiếp theo trên bộ, trên biển và trong không gian, bao gồm cảm biến và hệ thống đánh chặn trong không gian”, ông Trump cho biết.

Theo ông Trump, lá chắn tên lửa Vòm Vàng sẽ có khả năng đánh chặn tên lửa được phóng từ bên kia bán cầu và thậm chí cả trong không gian. Tổng thống cũng bổ nhiệm đại tướng Michael Guetlein, Phó Tư lệnh phụ trách tác chiến của Lực lượng Vũ trụ Mỹ, làm lãnh đạo dự án Vòm Vàng.
“Khi hoàn thành, Vòm Vàng sẽ có khả năng đánh chặn tên lửa dù chúng được phóng từ bất kỳ nơi nào trên thế giới, thậm chí từ không gian. Chúng ta sẽ có hệ thống phòng thủ tốt nhất từng được xây dựng”, ông Trump phát biểu từ Phòng Bầu Dục.
Dự án Vòm Vàng ban đầu được gọi là “Vòm Sắt cho nước Mỹ” trong sắc lệnh hành pháp mà ông Trump đã ký 7 ngày sau lễ nhậm chức, nhưng sau đó được đổi tên để tránh nhầm lẫn với hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt của Israel.
Theo ông Wes Rumbaugh, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), hệ thống của Mỹ sẽ phải toàn diện hơn, bao gồm nhiều lớp cảm biến, hệ thống theo dõi và đánh chặn các hình thức tấn công trên không khác nhau. Trong khi đó, Vòm Sắt của Israel chỉ được thiết kế để đối phó với rocket tầm ngắn và pháo binh.
Các nghị sĩ Cộng hòa mới đây đã đề xuất phân bổ 25 tỷ USD từ ngân sách năm nay cho dự án, cho thấy khả năng triển khai trong tương lai gần.
Siêu dự án tham vọng của Mỹ
Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth nhận định hệ thống phòng thủ mới là một “bước ngoặt”, đại diện cho một khoản đầu tư mang tính thế hệ nhằm đảm bảo an ninh quốc gia của Mỹ.
“Đây là hệ thống phòng thủ nhiều lớp – nếu một tầng không đánh chặn được, tầng kế tiếp sẽ xử lý,” ông nói, đồng thời cho biết hệ thống sẽ sử dụng công nghệ tích hợp có khả năng tự liên lạc và điều phối. “Đối thủ của chúng ta sẽ phải chú ý đến điều này”.
Sắc lệnh hành pháp cuối tháng 1 của Tổng thống Trump đã nêu nhiều bước cụ thể, chẳng hạn như cập nhật đánh giá nguy cơ tên lửa và xác định các vị trí chiến lược cần được bảo vệ. Dù vậy, phần quan trọng và phức tạp nhất chính là việc xây dựng mạng lưới “hệ thống đánh chặn từ không gian”, chẳng hạn như các loại laser, có khả năng tiêu diệt đầu đạn ngay sau khi chúng được phóng. Đây là bước phát triển xa hơn so với chương trình phòng thủ không gian, được gọi là “Chiến tranh giữa các vì sao” thời Tổng thống Ronald Reagan.
Theo ông Michael O’Hanlon, Giám đốc nghiên cứu thuộc chương trình Chính sách Đối ngoại tại Viện Brookings, để triển khai các hệ thống này, cần xây dựng một mạng lưới đánh chặn quy mô khổng lồ để đảm bảo mọi vùng lãnh thổ của Mỹ đều được bảo vệ, không thể chỉ bảo vệ Florida mà bỏ qua California. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến chi phí tăng vọt và trở nên “cực kỳ kém hiệu quả”.
“Bạn phải chắc chắn rằng có thể đánh chặn tất cả, hoặc ít nhất khiến các đầu đạn chệch hướng”, ông O’Hanlon nói với The Independent. Ngoài ra, việc sử dụng laser từ không gian sẽ cực kỳ tốn kém, bởi cần phải đưa lên quỹ đạo các thiết bị có nhiên liệu lớn và gương phản xạ khổng lồ để tập trung năng lượng đủ mạnh nhằm tiêu diệt tên lửa.
“Điều này tương đương với việc mỗi đơn vị đánh chặn trong không gian phải có kích thước và độ phức tạp tương đương kính thiên văn Hubble,” ông O’Hanlon nói thêm.
Vòm Vàng có thể trở thành hiện thực?
Đánh giá về tiềm năng của dự án Vòm Vàng, ông Rumbaugh cho biết, về mặt kỹ thuật, kế hoạch này là khả thi, nhưng nhiều yếu tố khác sẽ quyết định liệu nó có thể thực sự được triển khai hay không. Một trong những lo ngại lớn là hệ thống phòng thủ quá mạnh có thể khiến các đối thủ cảm thấy bị đe dọa và tăng cường kho vũ khí tấn công, dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu.
Ông O’Hanlon cảnh báo, điều này có thể tạo ra một vòng luẩn quẩn khiến nước Mỹ “kém an toàn hơn và nghèo đi rõ rệt”.
“Nếu bạn thực sự cố xây dựng một hệ thống phòng thủ toàn diện chống lại cả một cuộc tấn công hạt nhân từ Nga, thì bạn đang khơi lại tất cả những tranh luận cũ về việc kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang, nơi tấn công luôn rẻ và dễ hơn phòng thủ”, ông nói thêm.
Các thách thức khác bao gồm quy mô và ngân sách. Ông Rumbaugh cho biết một số người đã so sánh Vòm Vàng với Dự án Manhattan, nỗ lực bí mật của Mỹ trong Thế chiến II để chế tạo bom nguyên tử.
Ông O’Hanlon ước tính chi phí cho hệ thống này có thể lên tới hàng trăm tỷ USD.
“Ngay cả khi chỉ xây dựng để đối phó với kho hạt nhân hiện tại của Nga, và triển khai hệ thống đa lớp như ông Trump đề xuất, thì chi phí cũng đã cực kỳ lớn. Tôi từng tính toán rằng sẽ tốn khoảng 500 tỷ USD, và đó chỉ mới là một phần giới hạn của hệ thống”, ông O’Hanlon nói.
“Một hệ thống phòng thủ tên lửa dù chỉ hiệu quả một phần cũng có giá trị trong việc bảo vệ các mục tiêu trọng yếu. Tuy nhiên, cách tiếp cận nên mang tính chọn lọc, không phải toàn diện và siêu tốn kém như trong bản kế hoạch hiện tại”, ông O’Hanlon nhận định.
Ngoài ra, khả năng phối hợp và chia sẻ nguồn lực cũng là một thách thức lớn. Ông Rumbaugh đặt câu hỏi: Làm thế nào để Cơ quan Phòng thủ Tên lửa, Lực lượng Không gian, Lục quân, Hải quân, Không quân và nhiều cơ quan khác cùng hợp tác vận hành hệ thống? Những vấn đề này hiện vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống