Những loại vũ khí phòng không truyền thống như pháo bắn nhanh và tên lửa trở nên đắt đỏ trước các UAV rẻ tiền, nhưng hiệu quả này. Tuy nhiên, xu hướng phát triển vũ khí laser công suất thấp đang mở ra hướng đối phó hiệu quả với chiến thuật sử dụng UAV chiến đấu.
Vũ khí laser đối phó hiệu quả với UAV
Điểm mạnh của vũ khí laser chính là nó được phát đi với tốc độ ánh sáng. Các thử nghiệm cho thấy tia laser có công suất 30-100 kW có thể ngăn chặn chính xác gần như ngay lập tức các mục tiêu có tốc độ bay tới Mach 2 (gấp 2 lần tốc độ âm thanh) và phá hủy chúng bằng luồng nhiệt hội tụ có thể lên tới hàng nghìn độ C.
Một điểm mạnh đáng kể khác của vũ khí laser so với các loại vũ khí hóa năng và dẫn đường chính xác chính là chi phí mỗi phát bắn rẻ hơn hàng chục lần. Do quá trình khai hỏa chủ yếu là chuyển hóa năng lượng điện năng thành chùm hạt định hướng mang năng lượng cao.
![]() |
Vũ khí laser là phương án rẻ tiền để đối phó với UAV quân sự đang "lên ngôi" hiện nay. Ảnh: Defense News |
Tuy nhiên, vũ khí laser cũng có nhiều nhược điểm do giới hạn của công nghệ hiện tại là cần nguồn năng lượng đầu vào lớn. Hệ thống chuyển đổi năng lượng thành chùm hạt năng lượng cao sinh nhiệt khiến hệ nguồn phát laser khó có thể duy trì liên tục. Điều quan trọng nhất chính là chùm laser dễ bị tán xạ, nhanh chóng mất năng lượng và khả năng tấn công nếu gặp các điều kiện bất lợi như khói bụi, mây mù. Theo Viện Nghiên cứu Rafael (Israel), sương mù có thể giảm tới 70% tầm bắn của chùm tia laser hoặc bụi cát có thể làm suy giảm và tán xạ từ 40 tới 60% chùm laser chiếu qua.
Đây là một trong những yếu tố khiến chương trình phát triển vũ khí laser hàng không cấp chiến lược của Mỹ - ALB thất bại dù đã chi hàng tỷ USD nghiên cứu và thực nghiệm. Chùm tia laser hóa năng của ALB không thể đạt mục đích là phá hủy tầng đẩy của tên lửa đạn đạo liên lục địa ở khoảng cách hàng trăm km với các yếu tố bất thường trong khí quyển Trái đất.
Vậy tại sao vũ khí laser lại phù hợp khi sử dụng để chống lại các mục tiêu bay như UAV? Yếu tố đầu tiên cần tính tới chính là khoảng cách. Để chống lại các mục tiêu bay như UAV, tầm bắn tối đa của các tổ hợp vũ khí laser chỉ khoảng tới 2-5km. Điều này giúp giảm thiểu tác động của môi trường tới khả năng hội tụ và tán xạ của chùm tia laser trong chiến đấu.
Yếu tố tiếp theo chính là việc các mục tiêu UAV thường không được thiết kế bảo vệ chắc chắn nên chỉ cần các chùm tia laser công suất nhỏ hoặc vừa để tiêu diệt và phá hủy. Điều này giúp các hệ thống vũ khí laser chống lại UAV không quá cồng kềnh để có thể lắp đặt trên các phương tiện dã chiến giúp tăng khả năng cơ động.
Yếu tố quan trọng nhất của vũ khí laser khi đối phó với UAV chính là chi phí rẻ. Để so sánh, đối với mỗi mục tiêu trên không chi phí để bắn hạ bằng tổ hợp Iron Dome với tên lửa Tamir có giá tới 69.000 USD/đạn tên lửa hoặc với pháo phòng không cỡ 30mm là khoảng 1.200 USD/viên với xác suất bắn hạ không thể đạt 100%. Trong khi đó vũ khí laser với mỗi phát bắn có giá chỉ khoảng 3-10 USD có tỷ lệ hạ mục tiêu gần như 100%.
Trao đổi với hãng tin Lenta, chuyên gia quân sự Vladimir Kozhin đánh giá: "Laser là giải pháp cho chiến tranh bầy đàn. Mỗi hệ thống S-500 trị giá 600 triệu USD chỉ đánh chặn 10 mục tiêu, trong khi laser có giá 30 triệu USD có thể ngăn chặn tới 50 mục tiêu trong thời gian đó”.
![]() |
Hệ thống laser Iron Beam của Israel. Ảnh: Topwar |
Vũ khí laser chống UAV đang được nhiều quốc gia thử nghiệm và ứng dụng
Chính vì những lợi ích của vũ khí laser để đối phó với chiến thuật sử dụng UAV quân sự trên chiến trường, nhiều quốc gia đang theo đuổi các chương trình vũ khí laser với nhiệm vụ phòng không tầm thấp.
Theo hãng thông tấn TASS của Nga, một số hệ thống vũ khí laser được thiết kế chuyên biệt chống lại UAV đã được thử nghiệm trực tiếp tại chiến trường Ukraine. Cụ thể, các thành phần của hệ thống vũ khí laser Posok và Staff đã được sử dụng và minh chứng hiệu quả chống lại các UAV cỡ nhỏ ở khoảng cách 2-3km.
Trong khi đó, Lục quân Mỹ đang phát triển và thử nghiệm hệ thống vũ khí laser DE M-SHORAD triển khai trên xe bọc thép Stryker để chống lại các mục tiêu bay thấp, trong đó có UAV. Dù chưa tham gia chiến đấu, hệ thống vũ khí laser này trong các bài thử nghiệm đã minh chứng khả năng chiến đấu phối hợp với các loại vũ khí phòng không truyền thống. Ngoài ra chương trình phát triển vũ khí laser C-UAS DE với công suất phát tới 26 kilo watt cũng rất đáng chú ý.
Israel cũng rất nổi tiếng với hệ thống Iron Beam có khả năng tạo các chùm laser có công suất 100 kW với tầm bắn khoảng 7 km. Trong thực chiến tại Dải Gaza, các thành phần của hệ thống Iron Beam minh chứng khả năng đánh chặn hiệu quả với tỷ lệ đánh trúng mục tiêu lên tới 84% với thời gian phản ứng chỉ khoảng 0,8 giây, nhanh gấp 6 lần so với các tổ hợp tên lửa đánh chặn như Iron Dome.
![]() |
Hệ thống vũ khí laser DE M-SHORAD của Mỹ. Ảnh: Topwar |
Hiện tại, Iron Beam đang được sử dụng phối hợp với các tổ hợp Iron Dome để tạo ra lưới phòng không tầm thấp đa dạng, hiệu quả.
Ngoài ra, các hệ thống vũ khí laser cũng đang được Hải quân Anh, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản, Trung Quốc phát triển với mục tiêu phòng thủ trước các mối đe dọa tương lai, trong đó có UAV.
Dù chưa hình thành rõ ràng như một loại vũ khí chống lại UAV quân sự hiệu quả, nhưng các hệ thống vũ khí laser đang tạo ra hướng tiếp cận mới để chống lại UAV rẻ, hiệu quả cao.
TUẤN SƠN (tổng hợp)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống