Sense trên HTC 10 vs Sense 7: đơn giản hơn, gần gốc hơn, vẫn chưa tối ưu độ phân giải hiển thị

 
Đơn giản, gọn gàng và gần gốc là 3 từ có thể được dùng để mô tả về sự khác biệt giữa giao diện Sense 7 với giao diện mới trên chiếc HTC 10. Nó phản ánh đúng xu hướng của HTC trong những năm gần đây, đó là loại bỏ đi những thứ không cần thiết để mang lại cho người dùng trải nghiệm Android càng lúc cần thuần khiết hơn. Thật sự mà nói mình đáng giá cao thay đổi theo kiểu này vì rõ ràng mình xài máy cảm thấy than thiện hơn hơn, nhẹ nhàng hơn rất nhiều, cả về cảm giác chung lẫn các thao tác thực tế.


Ngay từ màn hình chính là bạn đã thấy ngay sự khác biệt về mặt đơn giản mà mình nói ở trên. Nếu như ở Sense 7 HTC đặt sẵn widget Sense Home ra ngoài thì bên HTC 10 không còn nữa. Bạn chỉ còn mỗi widget xem giờ, Google Search và một loạt icon mà thôi. Thành thật mà nói thì suốt cả năm ngoái khi còn xài Sense 7 mình toàn phải bỏ đi các widget Sense Home do nó không thật sự hữu ích, thay vào chỗ đó là những app mình hay xài. Mình thấy cách này tiện hơn và quen thuộc hơn so với vụ tự trồi app lên theo thời điểm trong ngày.

Home_screen.jpg
Toàn bộ icon của những app mặc định như camera, trình gọi điện, nhắn tin, email... cũng được HTC thay đổi hết theo hướng Material Design nhiều hơn. Không còn những cách đổi bóng lạ lạ, không còn các khối nổi bóng bóng, tất cả đều đã phẳng và đổi bóng chéo đúng theo chỉ dẫn của Google. Nhưng vụ này thì không là vấn đề, trên ứng dụng HTC Theme hiện tại đã có bộ icon của HTC cho Sense 7 rồi, bạn chỉ cần download nó về cài là xong thôi.

App_drawer.jpg

Trong những ứng dụng mà HTC cài sẵn, bên HTC 10 đã được thiết kế lại cho đẹp và ngon lành hơn, bỏ bớt các đường ngăn cách giữa danh sách cũng như thêm vào nút tròn nổi ở góc dưới bên phải màn hình. Nút này được gọi là "Floating Action Button", nó đại diện cho một thao tác mà bạn rất hay sử dụng nên mới nằm ở vị trí đó để dễ ấn vào hơn. Đáng lý ra HTC nên thêm nó từ Sense 7 vì khi nó ra mắt trên chiếc M9 thì Google đã nói về Floating Action Button rồi. Cũng chính vì những thứ không quy tác Material Design này mà Sense 7 cho cảm giác hơi cũ kĩ một chút, trong khi Sense mới thì thấy tươi mới hơn khá nhiều.

App_contact.jpg

Việc HTC đi theo Material Design không chỉ có lợi cho hiện tại mà còn cho cả tương lai, ngay cả khi bạn không còn xài thiết bị của HTC nữa. Khi đó, bạn sẽ quen với những đặc điểm của thiết kế Material Design nên bạn có chuyển sang máy của các hãng khác thì bạn vẫn sẽ cảm thấy quen thuộc và dễ xài. Với anh em Tinh tế thì đây không là vấn đề vì chúng ta rất hay vọc, một vài anh em thậm chí còn sở hữu 2-3 chiếc điện thoại khác nhau. Nhưng với người dùng phổ thông, những người không rành công nghệ, thì sự thống nhất này sẽ giúp tiết kiệm được rất nhiều thời gian làm quen lại từ đầu.

Như mình có chia sẻ trong bài trước, giao diện của Sense trên HTC 10 đã tiến về gần giao diện Android gốc hơn bao giờ hết. Gốc ở đây có nghĩa là giống với giao diện khi Google cho nó xuất xưởng ra mà chưa qua bất kì sự can thiệp nào từ các hãng sản xuất. Bạn có thể thấy rõ điều này thông qua hai tấm hình chụp giao diện quick settings và settings ở bên dưới. Mình có đưa thêm ảnh chụp màn hình từ Nexus 6P chạy ROM gốc cho anh em dễ tham khảo. Bạn thấy là ngay cả icon trong settings của HTC 10 cũng chỉ được sửa lại rất nhẹ, điều chưa từng xuất hiện kể từ khi mình bắt đầu cầm con HTC đầu tiên năm 2011.

Quicksettings.jpg

Nếu cho mình chọn thì HTC hiện tại là OEM có giao diện gần gốc nhất trong số những tên tuổi lớn trong làng smartphone, sau đó là tới Sony. Các hãng khác như Samsung, LG vẫn còn tùy biến khá nhiều giao diện của họ, cả về ngoại hình lẫn tính năng. Đây không phải là điều xấu, nó giúp máy của Samsung trở nên khác biệt so với máy của Sony và máy của LG. Tuy nhiên, ảnh hưởng mà nó để lại sẽ là giảm hiệu năng, giảm tốc độ cập nhật mỗi khi Google phát hành bản mới.

Thực tế cho thấy, trong 3 năm trở lại đây, HTC là một trong những nhà sản xuất đầu tiên update Android mới cho thiết bị của mình, trước nhiều tháng so với Samsung, HTC và hơn hoặc ngang bằng với LG. Mình hi vọng là với những gì hãng đang làm với Sense trên HTC 10 thì điều này sẽ tiếp tục được duy trì.

Settings.jpg

Bạn cũng có thể thấy là HTC 10 đã không còn sử dụng phím ảo để điều hướng nữa mà quay về dùng phím cứng. Nó đem lại trải nghiệm rộng rãi và ngon lành hơn, hiện được nhiều nội dung hơn. Bạn có thể xem thêm về chia sẻ của mình trong topic: Chia sẻ nhanh về HTC 10: hứng thú trở lại sau 2 năm buồn chán. Trong giao diện này HTC cũng cho nhấn giữ phím recent apps để bật menu giống như hồi One M7.

Điểm mà mình rất chưa hài lòng ở giao diện Sense trên HTC 10 đó là nó vẫn chưa được tối ưu cho màn hình lớn. Độ phân giải hiển thị của giao diện này vẫn là 360 x 640, tức là bằng với One M8, M9 trước đây, thậm chí bằng luôn với cả One M7. Trong khi đó, màn hình của HTC 10 có kích thước 5,2", còn One M7 chỉ 4,7" mà thôi. Điều này có nghĩa là lượng nội dung mà mình thấy được trên HTC 10 không khác gì so với con M7 mặc dù màn hình to hơn. Hay nói cách khác, chúng ta đang không tận dụng được hết màn hình to mà chúng ta đã bỏ rất nhiều tiền ra để mua về. Vấn đề này không chỉ xảy ra với HTC mà còn với LG, Sony và Samsung. Riêng Samsung sau này đã có những cải thiện để tăng độ phân giải hiển thị trên Galaxy Note.

Mình thật sự không hiểu vì sao HTC và các hãng làm máy Android đều không chịu tối ưu độ phân giải hiển thị. Có lẽ vì họ muốn màn hình to thì mọi thứ phải to? Vì họ không nghĩ đến trải nghiệm của người dùng? Vì họ biết nhưng không có đủ thời gian làm? Dù là gì đi nữa thì đây là thứ mình không đánh giá cao, hay nói thẳng ra là thất vọng. Samsung đã bắt đầu làm cho dòng Note, Google cũng đã tăng độ phân giải hiển thị mặc định cho các máy Nexus, vì sao HTC vẫn còn mắc vấn đề cũ xưa này?

Do_phan_giai_hien_thi.jpg

Nhìn chung giao diện của HTC 10 tốt và ngon, trừ vụ chưa tối ưu độ phân giải hiển thị mà thôi. Hi vọng HTC sẽ sớm cho mình một tùy chọn để chỉnh lại độ phân giải đó cho tốt hơn, phù hợp hơn với tấm nền 5,2" trên HTC 10!
 

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống