Định hướng cơ chế pháp lý cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo

 

Thế nhưng, ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các vướng mắc về pháp lý đã khiến không ít startup đổi mới sáng tạo Việt gặp khó khăn trong quá trình phát triển, và rất cần những giải pháp, chính sách cụ thể từ phía cơ quan quản lý.

Startup Việt đứng giữa cơ hội và thách thức

Trong báo cáo Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2023, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC) cho biết trong năm 2022, do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam đã giảm 56% so với năm 2021. Các lĩnh vực Fintech tiếp tục thu hút đầu tư với mức tăng mạnh mẽ 248%, chiếm 39% tổng giá trị đầu tư. Kế đó là các lĩnh vực Bán lẻ, Y tế, Giáo dục và Thanh toán cũng có sức hút rất lớn đối với nhà đầu tư. Thế nhưng, biến động gia tăng trong ngành công nghệ đang ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý nhà đầu tư đối với các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Định hướng cơ chế pháp lý cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo - Ảnh 1.

Vốn đầu tư năm 2022 giảm so với 2021, nhưng nhà đầu tư vẫn nhìn thấy tiềm năng ở thị trường Việt Nam

Nhưng NIC cũng chỉ ra rằng mặc dù giữa "mùa đông gọi vốn", các nhà đầu tư vẫn tiếp tục bày tỏ sự quan tâm đến các công ty khởi nghiệp Việt Nam. Số lượng thương vụ tăng lên vào nửa cuối năm, cho thấy hoạt động đầu tư vẫn diễn ra đều đặn dù giá trị đầu tư giảm.

Ngày 28.6, Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo "Pháp luật về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo - Thực trạng và giải pháp hoàn thiện". Hội thảo nằm trong kế hoạch triển khai hoạt động nghiên cứu đề tài cấp bộ "Hoàn thiện pháp luật đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo".

Mục đích hội thảo là đánh giá thực trạng pháp luật về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và những giải pháp hoàn thiện, tìm hiểu những khó khăn của doanh nghiệp về hỗ trợ thủ tục thành lập, gia nhập thị trường, tiếp cận nguồn vốn nhằm giải quyết vướng mắc.

Định hướng cơ chế pháp lý cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo - Ảnh 2.

TS Lê Hải Đường chủ trì Hội thảo "Pháp luật về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo - Thực trạng và giải pháp hoàn thiện"

Chủ trì hội thảo là TS Lê Hải Đường, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tham dự hội thảo có TS Nguyễn Quân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; đại diện các cơ quan có liên quan cùng các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia, Đại học Luật Hà Nội, Viện kinh tế và Quản lý, Hiệp hội Blockchain Việt Nam…

Tại đây, các chuyên gia tham dự đã nêu những vướng mắc của startup đổi mới sáng tạo. Theo TS Nguyễn Quân, vướng mắc lớn nhất là các quỹ đầu tư mạo hiểm chưa mạnh dạn đầu tư vào các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước vì rủi ro về mặt pháp lý, nhiều quỹ không dám giải ngân vì khung pháp lý chưa rõ ràng. Thực tế này cũng ảnh hưởng đến việc thu hút được vốn đầu tư nước ngoài. Còn theo luật sư Lê Thị Thương, startup đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ hỗ trợ do đa số các khoản vay vốn đều yêu cầu phải có tài sản đảm bảo nhưng hầu hết startup khó đáp ứng được điều kiện này. Đối với các quỹ tư nhân thì việc thành lập cũng gặp nhiều khó khăn ở khâu thủ tục thành lập và cấp phép hoạt động.

Về phía nhà đầu tư, ông Thẩm Trung Hiếu, đại diện ThinkZone Ventures chia sẻ quỹ gặp nhiều khó khăn và cũng không có nhiều ưu đãi khi hoạt động trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm.

Bài học kinh nghiệm từ nước ngoài

Tại hội thảo, ông Trần Dinh, Trưởng ban Fintech của Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã có bài trình bày "Quy định về tài sản số và định hướng cho startup Việt Nam". Trong đó, ông chỉ ra ảnh hưởng của những bộ luật ở nước ngoài như Đạo luật Thị trường Tài sản số (MiCA), quy định mới về tài sản số ở Hồng Kông, hay các quy định hỗ trợ doanh nghiệp của Singapore đang ảnh hưởng đến hệ sinh thái startup ở nước sở tại như thế nào.

Ông Trần Dinh cho rằng có 4 việc nên làm để phát triển môi trường startup tại Việt Nam: 1/ Thúc đẩy xây dựng khung pháp lý về tài sản số, cụ thể là đẩy mạnh nghiên cứu và tư duy chính sách, thiết lập khung pháp lý linh hoạt và cập nhật, 2/ Phát triển và tạo cơ hội cho các dự án trong lĩnh vực RegTech, 3/ Tham khảo các văn bản luật của thế giới về tài sản số; đặc biệt là các quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực như Singapore, Hồng Kông nhằm ứng dụng một cách phù hợp cho Việt Nam, 4/ Mở rộng hợp tác quốc tế đặc biệt là với các quỹ đầu tư, kết nối với các startup tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển, không thể thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng sự đầu tư của Nhà nước cần có trọng tâm, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ và khả năng cân đối nguồn lực. Đồng thời, tăng cường xây dựng và ban hành nghị định cụ thể hóa luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hỗ trợ khởi nghiệp là một trong các mục tiêu của Hiệp hội Blockchain Việt Nam trong năm 2023, cụ thể là qua Chương trình vườn ươm khởi nghiệp SwitchUp - sản phẩm của Hiệp hội Blockchain Việt Nam phối hợp Công ty Spores Network. Đây là chương trình dành cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Web 3.0 và blockchain, không giới hạn lãnh thổ, mô hình doanh nghiệp và loại hình sản phẩm, dịch vụ. Với cam kết hỗ trợ và đầu tư từ hơn 50 quỹ đầu tư và tổ chức quốc tế, chương trình SwitchUp là cơ hội giúp startup gọi vốn và phát triển bền vững trong hệ sinh thái blockchain.

Song song đó, Hiệp hội Blockchain Việt Nam cũng đã khởi động dự án chống lừa đảo ChainTracer nhằm rà soát các dự án không minh bạch, phối hợp với Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội Chống Lừa Đảo. Dự án này cung cấp nguồn dữ liệu mở cho cộng đồng và các cơ quan chức năng tra cứu miễn phí, nhằm hỗ trợ công tác điều tra, xác minh, từ đó đóng góp vào việc quản lý, tuân thủ, tạo ra cơ sở tham khảo cho các bộ ban ngành để thúc đẩy tạo dựng hành lang pháp lý.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống