Eximbank lên tiếng về tài liệu 'rủi ro nghiêm trọng' lan truyền trên mạng

 

Eximbank cho biết đơn 'phản ánh khẩn cấp' không rõ nguồn gốc, không phải là văn bản của Ban kiểm soát

Hình minh họa. Ảnh DALL E.

Nội dung trên được Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã CK: EIB) nêu trong thông cáo phát đi tối ngày 15/10.

Trước đó, mạng xã hội lan truyền thông tin về đơn kiến nghị và phản ánh khẩn cấp về rủi ro nghiêm trọng dẫn đến mất an toàn hoạt động và nguy cơ sụp đổ hệ thống Eximbank.

Eximbank khẳng định tài liệu này chưa được xác thực, không rõ nguồn gốc và không có chữ ký, không có con dấu; đồng thời nhấn mạnh đây không phải là văn bản của Ban kiểm soát và không xuất phát từ ngân hàng.

"Eximbank đang đề nghị cơ quan chức năng hỗ trợ xác minh, làm rõ động cơ của hành vi phát tán tài liệu này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngân hàng, khách hàng, cổ đông và đối tác", ngân hàng cho hay.

Ở một diễn biến khác, Eximbank mới công bố việc triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông bất thường (EGM) bàn chuyện thay đổi địa điểm trụ sở chính. Đáng chú ý, đại hội này được tổ chức tại Hà Nội thay vì một địa điểm ở Tp. HCM như thường lệ.

Điều này càng khiến những đồn đoán trước đó về việc Eximbank sẽ chuyển hội sở ra Hà Nội thêm phần sôi nổi. Tuy vậy, ý tưởng này có lẽ vẫn chưa nhận được sự thống nhất của các tay chơi ở Eximbank.

Nhưng vẫn còn hơn 1 tháng nữa mới tới EGM Eximbank. Các bên vẫn còn thời gian để thỏa hiệp, tìm được tiếng nói chung. Tất nhiên là trong một kịch bản tích cực.


XEM THÊM: Thẻ tín dụng Eximbank vướng 'lùm xùm' ảnh hưởng tới cả chiến lược không sử dụng tiền mặt của Chính phủ


Eximbank đối diện khủng hoảng truyền thông trên mạng xã hội

Báo cáo đo lường sự vụ khủng hoảng trên mạng xã hội và truyền thông online 2022 - 2023 của YouNet Media chỉ ra vụ nợ thẻ tín dụng từ 8,5 triệu lên 8,8 tỉ đồng có lượng thảo luận cao gấp 2,5 lần so với các thông tin tiêu cực ngành ngân hàng năm 2023. 

Vụ nợ thẻ tín dụng từ 8,5 triệu lên 8,8 tỉ đồng đã trở thành một trong những vấn đề gây ra cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội. Được coi là khủng hoảng truyền thông lớn thứ hai trong ngành ngân hàng kể từ năm 2023 đến nay, vụ việc này đã thu hút sự quan tâm và chỉ trích từ cộng đồng mạng.

Theo khảo sát của YouNet Media từ ngày 13 đến 19 tháng 3, có tới 84.300 thảo luận xung quanh vấn đề này. Trong số đó, 45.100 thảo luận đã công khai chỉ trích sự việc và Ngân hàng Eximbank, chiếm đến 53,46% tổng số thảo luận.

Trong hơn 42.000 thảo luận tiêu cực, có đến 16,9% bày tỏ sự bức xúc với Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) về việc áp đặt lãi suất cao và các chi phí phát sinh không minh bạch. Nhiều người thảo luận kêu gọi kiểm tra và hủy thẻ tín dụng nếu không sử dụng để tránh rủi ro trở thành con nợ.

Đáng chú ý, hơn 3.800 thảo luận bày tỏ sự kinh ngạc và bức xúc khi phát hiện mình cũng là con nợ từ nhiều năm trước, mặc dù họ đã không sử dụng thẻ trong thời gian dài.

Theo báo cáo từ YouNet Media, trào lưu hủy thẻ đang lan rộng trong cộng đồng mạng, với nhiều người kêu gọi hủy thẻ để tránh rủi ro phát sinh các chi phí không mong muốn. Cũng có những người chia sẻ kinh nghiệm về việc đóng thẻ tín dụng và phản ứng tiêu cực khi gặp phải các khoản phí đáng ngạc nhiên.

Tuy nhiên, tỷ lệ những người mất niềm tin vào thẻ tín dụng vẫn còn thấp, chỉ chiếm 1,57% tổng số thảo luận. Mặc dù vậy, có những bình luận rõ ràng thể hiện sự lo ngại và cảnh báo về nguy cơ trở thành con nợ bất đắc dĩ khi sử dụng thẻ tín dụng.

Ngoài Eximbank, nhiều ngân hàng khác cũng bị nhắc đến trong các thảo luận trên mạng xã hội. Ví dụ, Ngân hàng Đông Á đã nhận được hơn 2.500 thảo luận chỉ trích về việc áp đặt phí thường niên thẻ và các chi phí không minh bạch khác. Điều này cho thấy rằng người tiêu dùng đang trở nên cẩn trọng hơn trong việc sử dụng thẻ tín dụng và đòi hỏi sự minh bạch và công bằng từ các ngân hàng.

Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống