Hợp tác quốc tế là cơ sở thúc đẩy ban hành chính sách cho môi trường Web3, blockchain

 

Năm 2023 là thời điểm VBA khởi động chuỗi sự kiện The Connect, bản chất là các hội thảo kết nối đầu tư, chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài với điểm dừng là các quốc gia trên thế giới. Đến nay, hành trình The Connect đã đi qua hai quốc gia là Thái Lan và Singapore.

Song song với chuỗi sự kiện The Connect, Hiệp hội đã ký kết hợp tác với hai công ty trong lĩnh vực RegTech (regulatory technology) là công ty bảo mật blockchain CertiK và công ty phân tích dữ liệu Chainalysis. Theo ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Chainalysis đang phối hợp VBA tham gia chống rửa tiền tại Việt Nam. CertiK đồng hành Hiệp hội để tham gia cấp bằng các chuẩn mực về code cho các kỹ sư lập trình trong các trường đại học.

RegTech là một nhánh của FinTech, là những công nghệ hỗ trợ tuân thủ pháp lý, giải quyết các thách thức về quy định trong ngành tài chính. Mục tiêu của RegTech là tăng cường tính minh bạch, tính nhất quán và tiêu chuẩn hóa các quy trình quản lý để đưa ra cách giải thích hợp lý về các quy định chưa rõ ràng.

Hợp tác quốc tế là cơ sở thúc đẩy ban hành chính sách - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch thường trực VBA nhấn mạnh tầm quan trọng của RegTech trong không gian Web3

Tuy nhiên, phạm vi áp dụng RegTech đang được mở rộng trong cả những ngành không phải tài chính. Trong đó, không gian Web3 được kỳ vọng sẽ là môi trường đầy hứa hẹn để các công cụ RegTech phát huy sức mạnh.

Web3 là thuật ngữ để chỉ giai đoạn phát triển tiếp theo của Internet, khi người dùng toàn quyền sở hữu dữ liệu cá nhân và có thể chuyển giao các giá trị, tài sản trên không gian mạng một cách an toàn, minh bạch. Năm 2022, nhiều công ty Web3 đã tuyên bố phá sản, khiến niềm tin vào Web3 trở nên lung lay dù các công nghệ xây dựng Web3 vẫn rất nhiều tiềm năng.

Chính vì thế, xây dựng chính sách cho không gian Web3 là một trong những chủ đề của sự kiện World Blockchain Web 3.0 Marvels HCMC 2023 diễn ra tại TP.HCM vào ngày 8.6. Đây là dịp để những nhân vật đầu ngành, các chuyên gia, lãnh đạo Blockchain tại Việt Nam và Hàn Quốc cùng thảo luận các chủ đề chung trong việc quản lý, phát triển và nắm bắt thời cơ của làn sóng Blockchain - Web3 giữa 2 nước.

Sự kiện được đồng tổ chức bởi Korea CEO Summit, Hiệp Hội Blockchain Việt Nam và DTS Group, quy tụ nhiều đại biểu, chuyên gia đến từ hai nước, trong đó có các đại diện từ Quốc hội Hàn Quốc, các tổ chức, doanh nghiệp như Korea Blockchain Association, Klaytn, DTS Group, Keller William Vietnam, Binance,... cùng nhiều đơn vị truyền thông lớn khác đến từ Việt Nam, Hàn Quốc lẫn quốc tế.

Hợp tác quốc tế là cần thiết để xây dựng chính sách

Tại sự kiện, ông Park Bong Kyu - Chủ tịch Korea CEO Summit và World Blockchain Summit MARVELS cho biết blockchain được xem là thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0, và thông qua hội thảo này, kỳ vọng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm sẽ giúp cả hai quốc gia tiến đến kỷ nguyên Web 3.0, dưới sự kết hợp những công nghệ mới như blockchain, NFT, metaverse.

Bà Yang Hyang Ja - Ủy viên Quốc hội Hàn Quốc, Chủ tịch Ủy ban Công nghiệp chất bán dẫn Hàn Quốc nêu 3 lĩnh vực mà Việt Nam và Hàn Quốc có thể hợp tác. Đầu tiên là giáo dục đào tạo nhân tài, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ. Thứ hai, cùng xây dựng phát triển hệ sinh thái blockchain, tạo cơ hội giao lưu giữa các doanh nghiệp ở hai nước. Và thứ ba, cùng hợp tác xây dựng luật pháp, thể chế trong ngành để hướng đến phát triển bền vững.

Hợp tác quốc tế là cơ sở thúc đẩy ban hành chính sách - Ảnh 2.

Ngày 22.07.2022, VBA đã ký kết hợp tác với World Blockchain Summit MARVELS mà ông Park Bong Kyu đang là chủ tịch

Phía ông Kim Jong Seok - Chủ tịch Ủy ban Cải cách quy chế thuộc Văn phòng Chính phủ Hàn Quốc chia sẻ những khó khăn trong việc cải cách, đổi mới quy định để chấp nhận công nghệ mới. Ông nhận định chính phủ Hàn Quốc cần có động thái hợp tác chặt chẽ với các quốc gia trên thế giới dựa trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm, từ đó tránh những sai lầm trong việc xây dựng chính sách. Ông cho biết việc phát triển công nghệ mới cần đi song hành thiết lập chính sách, và hợp tác quốc tế là việc không thể thiếu.

RegTech tăng khả năng tuân thủ pháp lý trong Web3

Tiếp nối câu chuyện xây dựng chính sách cho các ngành công nghệ mới, đại diện phía Việt Nam, ông Phan Đức Trung mang đến bài trình bày "RegTech trong môi trường Web3". Qua đó, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của RegTech đối với môi trường Web3. Trong năm 2021-2022, thế giới chứng kiến sự sụp đổ của nhiều công ty Web3, mà gần đây nhất là vụ Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) kiện Binance vì xử lý sai tiền của khách hàng, gây hiểu lầm cho các nhà đầu tư và cơ quan quản lý cũng như vi phạm các quy tắc chứng khoán.

Theo ông Trung, Việt Nam có nhiều sản phẩm GameFi, Metaverse thành công nhưng chưa có sản phẩm RegTech đúng nghĩa. Ông cho biết: "Hiệp hội Blockchain Việt Nam mong muốn trở thành cầu nối có thể kết nối với hệ sinh thái RegTech của Việt Nam và Hàn Quốc, nhằm thúc đẩy các giải pháp Web2 và Web3 ở cả hai quốc gia. Doanh nghiệp nên tập trung vào RegTech hướng tới Web3 thay vì chỉ tập trung phát triển Web3 và chạy theo xu hướng hiện tại như Metaverse, DAO, GameFi, SocialFi…"

Ông nhận định phát triển RegTech Việt Nam phải đi cùng với thúc đẩy sandbox tại địa phương, có thể là khu vực có cơ chế đặc thù. Việc này đòi hỏi nỗ lực của tất cả đơn vị làm việc với chính quyền. Bên cạnh đó, VBA sẽ cùng cộng đồng và các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài như Chainalysis, Certik, Hiệp hội Blockchain Dubai, khu vực châu Phi, châu Mỹ Latinh… cùng học hỏi, trao đổi kinh nghiệm nhằm tạo ra tiêu chuẩn ở từng khu vực.

Theo báo cáo của Reportlinker.com, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã thay đổi ngành Ngân hàng, Dịch vụ Tài chính và Bảo hiểm (BFSI), kéo theo nhiều thay đổi về quy định và tăng chi phí tuân thủ. Kể từ năm 2008, các cơ quan quản lý đã phạt hơn 300 tỉ USD đối với các công ty không đạt được các tiêu chuẩn tuân thủ.

Do đó, các công ty đang đầu tư mạnh vào việc áp dụng các giải pháp RegTech. Khoản đầu tư trên toàn thế giới vào RegTech tăng hơn gấp ba lần trong năm năm qua. Cùng với đó là sự xuất hiện các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực RegTech. Các công ty RegTech sẽ tìm cách tự động hóa các quy trình tuân thủ phức tạp. Ví dụ, họ giúp các tổ chức tài chính đáp ứng các nghĩa vụ pháp lý bằng cách cung cấp dữ liệu tổng hợp về rủi ro tín dụng và chống rửa tiền (AML), cung cấp các công cụ tiếp nhận, sàng lọc và giám sát cho các quy trình thẩm định và quy trình nhận biết khách hàng (KYC).


Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống